“Chủ nghĩa Obama” - Mỹ vẫn là số một
VOV.VN - Theo đó, trọng tâm của “Chủ nghĩa Obama” là xu thế “hướng nội”, không đưa quân ra nước ngoài, thực hiện "quyền lực mềm" và giữ Mỹ vẫn ở vị trí số một.
Theo lẽ thường, mỗi Tổng thống tại vị đều đưa ra một “Học thuyết” hoặc “Chủ nghĩa” để ghi dấu ấn của mình trong lịch sử nước Mỹ, ông Obama cũng không phải ngoại lệ. Sau gần 2 nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã đưa ra hàng loạt chính sách và đã trải qua điều chỉnh nhiều lần cho phù hợp.
Trọng tâm chiến lược của “Chủ nghĩa Obama” là xu thế “hướng nội” (ảnh: gentside.com) |
Giờ đây, theo giới phân tích một chiến lược đã định hình và có thể gọi là “Chủ nghĩa Obama”. Theo đó, trọng tâm chiến lược của “Chủ nghĩa Obama” là xu thế “hướng nội”, không đưa quân ra nước ngoài, thực hiện “quyền lực mềm”, các giá trị Mỹ vẫn được lan truyền, và giữ cho nước Mỹ vẫn ở vị thế lãnh đạo thế giới.
Xu thế “hướng nội”
Trong khi thực hiện “đồng bộ” các chiến lược, Tổng thống Obama đặt kế hoạch chấn hưng nền kinh tế và cải cách xã hội vào vị trí hàng đầu, tập trung nguồn lực chủ yếu cho giải quyết những vấn đề trong nước, và giảm chi phí quốc phòng ở mức tương ứng .
Chính sách đối ngoại nổi bật của ông Obama là chuyển trọng tâm từ những vấn đề an ninh quân sự, chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt… của các Tổng thống tiền nhiệm sang vấn đề an ninh kinh tế, ổn định tài chính, thúc đẩy khôi phục kinh tế Mỹ và toàn cầu làm trung tâm. Với các chỉ tiêu “có thể đo lường được” như: thực lực kinh tế, quân sự, khoa học-công nghệ, giáo dục đại học... của Mỹ tiếp tục được nâng cao.
Tổng thống Obama đặt kế hoạch chấn hưng nền kinh tế và cải cách xã hội Mỹ vào vị trí hàng đầu (ảnh: AP) |
Chính sách nêu trên tuy có gây “phân cực” chính trị giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, sự công kích, cản trở lẫn nhau khiến cải cách chính trị, kinh tế, xã hội bị kìm hãm, nhưng nhìn từ góc độ phát triển nội tại và biến động “quyền lực cứng” của các nước lớn trên thế giới, thì sức mạnh quốc gia của Mỹ vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhìn tổng thể thì sự ảnh hưởng của Mỹ đối với chính trị toàn cầu cũng thể hiện một số yếu thế: (1) Thực lực đồng minh (EU, Nhật) bị suy giảm; (2) Số lượng các cường quốc mới nổi gia tăng; (3) Quyền lực quốc gia bị phân chia, quản lý toàn cầu phức tạp, kém hiệu lực; (4) Đẩy mạnh “hướng nội” khiến can dự bên ngoài bị suy giảm.
Đa phương và “quyền lực mềm”
Điểm nhấn của “Chủ nghĩa Obama” là ưu tiên kinh tế, coi trọng đa phương và “quyền lực mềm”, cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên thế giới, tập trung xây dựng cơ chế quốc tế và quản lý toàn cầu. Đây là sự kế thừa, phát huy “Chủ nghĩa Cliton” mà Đảng dân chủ đang theo đuổi.
Nét đặc trưng nổi bật trong chính sách ngoại giao Obama là theo đuổi nguyên tắc đơn giản nhất: “không đưa quân ra nước ngoài” hay còn gọi là “không làm chuyện điên rồ”, tức là không phát động các cuộc chiến tranh như ở Iraq và Afghanistan của người tiền nhiệm mà ông đã vất vả sửa sai.
Điều đó cho thấy rằng, bản chất của “Chủ nghĩa Obama” là sự “kiềm chế” và “thu mình”, thậm chí giới lập pháp Mỹ còn gọi là “hèn nhát”, vận động các đồng minh và đối tác hành động tập thể, chia sẻ trách nhiệm và phân tán rủi ro.
Bất luận trong hoàn cảnh nào ông Obama vẫn kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, trừng phạt kinh tế, áp lực quốc tế… cố gắng tránh “không làm chuyện điên rồ”, có nghĩa là sẽ loại trừ được khả năng phải đối đầu với các cường quốc mới nổi, nhất là các quốc gia mới nổi trong tương lai.
Sự thành công bước đầu trong “cách tiếp cận mới” của “Chủ nghĩa Obama” đối với mối quan hệ Mỹ - Cuba. (ảnh: Getty) |
Mặc dù Washington vẫn gia tăng triển khai quân sự nhằm răn đe các nước đối thủ. Tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Obama vẫn cố gắng tăng cường quan hệ hợp tác với quân đội các nước, hy vọng thông qua việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát khủng hoảng để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh xuống mức thấp nhất.
Ông Obama cho rằng, nước Mỹ đã kiệt sức sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh nên cần thời gian để “khôi phục nguyên khí”. Tuy nhiên, từ khi nhậm chức ông đã phải đối phó với các sự kiện quốc tế trọng đại như: phong trào “Mùa xuân Ả Rập”, Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS)”… đã phá hỏng mong muốn ổn định Trung Đông của Nhà Trắng.
Mặt khác, cục diện hỗn loạn của Iraq và Afghanistan cũng đưa lại những bài học cho nhiều nhà chiến lược Mỹ và dần nhận ra rằng, áp dụng khuôn mẫu chế độ tự do, dân chủ của phương Tây đối với các nước không cùng hệ lịch sử, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo là không thích hợp.
Vì vậy, cho dù vẫn chưa từ bỏ tham vọng dùng giá trị Mỹ để cải tạo thế giới, nhưng trên thực tế Washington đã chú trọng hơn đến sự ổn định của trật tự thế giới. Hai bản Báo cáo chiến lược an ninh và chiến lược quân sự quốc gia Mỹ hồi tháng 1 và tháng 7 năm 2015 đã thể hiện rõ hơn đặc điểm ngoại giao của “Chủ ngĩa Obama”.
Các báo cáo cho rằng, đường lối tốt nhất để củng cố địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ chính là tăng cường kinh tế trong nước, xây dựng chế độ dân chủ, thiết lập khối liên minh quốc tế bền vững, và vận dụng tổng hợp sức mạnh mọi mặt của Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama đã tuyên bố, các cuộc khủng hoảng như Ukraine, hay IS không thể gây rối loạn hay làm mất phương hướng của Mỹ. Nhà Trắng vẫn duy trì trọng tâm chiến lược vào những thách thức dài hạn hơn như biến đổi khí hậu, thương mại, nghèo đói, an ninh mạng, y tế công cộng…
Tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) kết thúc, phóng viên kênh truyền hình NBC đã đề nghị Tổng thống MỹObama mô tả “Chủ nghĩa Obama” về đối ngoại, ông đã trả lời:
Nguyên tắc số một: “Mỹ vẫn là quốc gia mạnh và giàu có nhất trên hành tinh”. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể một mình đối mặt với các băng đảng buôn bán ma túy, biến đổi khí hậu, chống khủng bố…
Nguyên tắc số hai: “Nước Mỹ đang sung sức và Mỹ đại diện cho một loạt các giá trị và lý tưởng toàn cầu về dân chủ, tự do ngôn luận, tôn giáo, nhân quyền… Điều đó cần được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tôn trọng những nền văn hóa khác biệt, triển vọng khác biệt và có lịch sử khác biệt”.
Vậy “Chủ nghĩa Obama” là gì? Giới học thuật đã khái quát: Mỹ vẫn tiếp tục cống hiến các giá trị tự do, dân chủ, nhưng ngày càng miễn cưỡng là một nước bá chủ toàn cầu. Để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình Mỹ sẽ phải sử dụng mọi sức mạnh sẵn có, bao gồm cả hành động quân sự. Nhưng nói chung, Mỹ nghiêng mạnh về việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh AP) |
Trong lần xuất hiện đầu tiên trước Liên Hợp Quốc (9/2009) ông Obama cam kết “hành động mạnh dạn và mang tính tập thể nhân danh công lý và sự thịnh vượng cả ở trong và ngoài nước”. Trong đó có: chấm dứt chiến tranh ở Iraq, loại bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu, đóng cửa nhà tù ở Guantanamo, giải quyết các điểm nóng và tái gắn kết với Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay nhà tù Guantanamo vẫn còn đó, các cuộc đàm phán hạt nhân chưa tới đích cuối cùng, giải quyết tình trạng thay đổi khí hậu vẫn chưa chuyển động; vấn đề hậu “Mùa Xuân Ảrập”, các điểm nóng ở Trung Đông – Bắc Phi, Ukraine, Biển Đông… dấy lên dư luận rộng khắp về sự suy giảm sức mạnh của nước Mỹ. Ngoại trừ sự thành công bước đầu trong “cách tiếp cận mới” của “Chủ nghĩa Obama” đối với mối quan hệ Mỹ - Cuba.
Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, sau gần hai nhiệm kỳ Tổng thống với cương lĩnh “thay đổi nước Mỹ” nhiều nội dung quan trọng vẫn còn đó, có lẽ người ta còn phải chờ đến nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ nếu bà Hillary Clinton đắc cử vào năm 2016./.