Một năm sau khủng hoảng tài chính

Chưa thể lạc quan

Sau một năm vật lộn, kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi giai đoạn “rơi tự do”, sự phục hồi đã xuất hiện, thị trường tài chính tiền tệ đang dần ổn định, nhưng còn quá sớm để đưa ra tuyên bố lạc quan về kết thúc khủng hoảng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho đến nay, chính phủ các nước đã phải chi hơn 10.000 tỷ USD để khắc phục cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, trong đó các nước giàu chi 9.200 tỷ USD theo dạng hỗ trợ cho chính phủ trong lĩnh vực tài chính, còn những nền kinh tế mới nổi đã chi khoảng 1.600 tỷ USD. Chủ nghĩa can thiệp quốc gia đã giúp giảm tác động suy thoái kinh tế toàn cầu. Các số liệu kinh tế mới được công bố đang đánh đi tín hiệu cho thấy giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế toàn cầu kể từ những năm 30 của thế kỷ trước tới nay có thể đã qua, khi mà kinh tế châu Á và châu Âu đang trên đà phục hồi.

Tại châu Á, GDP quý II của Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore tăng trưởng mạnh. Nhật Bản cũng thông báo ra khỏi suy thoái kinh tế với tỉ lệ tăng trưởng quý II là 0,95%. Tỉ lệ tăng trưởng dự báo chung cho cả châu Á là hơn 5% trong năm nay.

Tại châu Âu,  kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhiều khả năng sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng sớm hơn so với dự đoán khi hai nền kinh tế chủ chốt là Đức và Pháp trong quý II đã bất ngờ cùng có mức tăng GDP 0,3%,  trong khi quý I, GDP của Đức còn ở mức -3,5% và của Pháp là -1,3%.

Còn Mỹ, sau khi thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD đầu năm nay, kinh tế nước này đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên. Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Mỹ, trong tháng 8 vừa qua, chỉ số sản xuất tăng lên 52,9%, lần tăng đầu tiên sau 18 tháng giảm liên tiếp. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ có vẻ như đã thoát đáy, thị trường nhà đất ổn định hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan một cách thận trọng bởi mối lo tăng trưởng không vững chắc mà nguyên nhân đầu tiên là mức thâm hụt ngân sách lớn hoặc nợ so với GDP ở mức cao. Theo IMF, các nền kinh tế lớn có mức thâm hụt ngân sách trong năm nay theo dự kiến là 13,5% GDP ở Mỹ, 11,6% ở Anh và 10,3% ở Nhật Bản. Các nước thuộc G-20 bị thâm hụt ngân sách khoảng 10,2% GDP - mức thâm hụt lớn nhất đối với các quốc gia này kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. IMF ước tính tới năm 2014, nợ chính phủ sẽ lên tới mức 239% GDP ở Nhật Bản, 132% ở Italy, 112% tại Mỹ và 99,7% ở Anh. Điều này cho thấy tình hình tài chính vẫn nghiêm trọng và lượng thâm hụt ngân sách kỷ lục là một trở ngại lớn trong việc triển khai các chính sách an sinh xã hội.

Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp hiện nay ở mức cao cũng là vấn đề. Tại khu vực Eurozone, tỉ lệ thất nghiệp lên tới 9,5%, mức cao nhất trong 10 năm qua, còn tại Mỹ, tỉ lệ này trong tháng 8 lên 9,7% - mức cao nhất trong vòng 26 năm qua. Các nhà kinh tế cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao như vậy là đáng lo ngại và trong bối cảnh thị trường lao động yếu, chi tiêu tiêu dùng - yếu tố kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế - tiếp tục phải trải qua một thời kỳ khó khăn.

Đã có không ít các hội nghị mang tầm toàn cầu và khu vực để tìm cách đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Thế nhưng cho đến nay, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và mới nổi - được cho là có sức mạnh ảnh hưởng đối với “sức khoẻ” của nền kinh tế toàn cầu, cũng vẫn chỉ dừng lại ở những cam kết và còn những bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề như: bảo hộ, quyền đại diện lớn hơn của các nước đang phát triển trong cơ cấu quyền lực của IMF, thời điểm chấm dứt hình thức hỗ trợ tiền tệ và tài chính. Và tất cả điều đó cho thấy, con đường phục hồi kinh tế còn nhiều gian nan, trắc trở./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên