Chuyên gia Mỹ nhận định về chuyến thăm Việt Nam của ông Obama

VOV.VN - Đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama, chuyên gia tỏ ra bất ngờ về tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Obama.

Tổng thống Barack Obama đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Washington đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Marvin Ott, một trong những nhà nghiên cứu Đông Á hàng đầu thế giới, về kết quả chuyến thăm này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Obama?

Giáo sư Ott.

Giáo sư Ott: Theo quan điểm của Nhà Trắng và cũng có thể là của Việt Nam thì chuyến thăm của Tổng thống Obama đã rất thành công. Ông Obama đã nỗ lực tạo ra những nền tảng cơ bản nhất để thúc đẩy tối đa quan hệ hợp tác an ninh chiến lược ngày càng gắn bó hơn giữa Việt Nam và Mỹ, tập trung không chỉ vào Biển Đông mà còn nhiều vấn đề khác. Mục tiêu đó đã đạt được và hai bên có nhiều lợi ích chung. Chuyến thăm của ông Obama đã làm rõ và củng cố nhận thức chung về các lợi ích chiến lược giữa hai nước.

PV: Trong chuyến thăm, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Ông bình luận thế nào về quyết định này? 

Giáo sư Ott:  Tôi chỉ ngạc nhiên là ngay trước chuyến thăm thì cơ hội dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí vẫn còn là 50-50. Một số người cho rằng sẽ dỡ bỏ trong chuyến thăm còn một số khác có ý kiến ngược lại. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận cho thấy rằng mối quan tâm an ninh chiến lược của Mỹ đối với Biển Đông và vai trò tiềm tàng của Việt Nam tại đây đã trở thành một ưu tiên và ngày càng quan trọng.

PV: Không chỉ được các lãnh đạo Việt Nam đón tiếp trọng thị, Tổng thống Obama còn được nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Giáo sư Ott: Tôi thực sự ngạc nhiên trước sự chào đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam đối với Tổng thống Obama. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam sẽ không quá quan tâm đến chuyến đi này vì ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba sang thăm Việt Nam nhưng trên thực tế thì sự tiếp đón là quá nhiều cảm xúc và quá ấn tượng, vượt khỏi sự hình dung của tôi.

Ngoài việc coi trọng quan hệ với Mỹ hiện nay thì đây cũng là vấn đề mang tính cảm xúc. Sau khi trải qua một cuộc chiến tranh với những hệ lụy đau thương thì người dân Mỹ và Việt Nam đã nhận ra rằng họ có những điểm tương đồng cơ bản để rồi tìm được sự đồng cảm và quý mến nhau mà một minh chứng là sự thành công của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Thành công này một phần là do họ rất hòa đồng, đóng góp nhiều cho cộng đồng và giành được tình cảm cũng như sự tôn trọng của người Mỹ.

Giáo sư Marvin Ott đang giảng dạy tại một loạt các trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có Đại học John Hopkin, Đại học Chiến tranh Quốc gia. Ông từng là Chuyên gia phân tích cao cấp về Đông Á của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Phó giám đốc nhân sự của Uỷ ban giám sát các hoạt động tình báo thuộc Thượng viện Mỹ. 

PV: Tổng thống Obama đã có bài phát biểu đầy ấn tượng và xúc động tại Hà Nội, đâu là điểm khiến ông chú ý nhất trong bài phát biểu này?

Giáo sư Ott: 40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Hai nước đã dần vượt qua quá khứ chiến tranh và mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương. Bài phát biểu của Tổng thống Obama được xem là sự tổng hợp toàn bộ tiến trình này, theo đó nỗi ám ảnh chiến tranh đã kết thúc và hai bên có đầy đủ điều kiện để hướng tới tương lai.

Việc ông Obama nhấn mạnh rằng nước lớn không được chèn ép nước nhỏ đã gợi cho tôi nhớ lại Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội vào năm 2010, tại đó Ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ”. Phát biểu của Tổng thống Obama chính là lời đáp trả cho tuyên bố trên.

Trong một thế giới mà các quốc gia đều có chủ quyền, đều là thành viên của Liên Hợp Quốc, quốc kỳ các nước đều được đặt ngang bằng nhau trong các hội nghị quốc tế, và các nước đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế thì ý tưởng nước lớn nghiễm nhiên có quyền chèn ép nước nhỏ đi ngược lại những quy định cơ bản của hệ thống quốc tế hiện nay.

PV: Nước Mỹ đang tiến hành bầu cử Tổng thống. Theo ông thì kết quả bầu cử sẽ có tác động như thế nào đối với quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai?

Giáo sư Ott: Tôi thấy là gần như không có bất cứ tranh luận lớn nào về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong chiến dịch tranh cử, trong Quốc hội hay báo chí Mỹ. Đó là điều vô cùng quan trọng vì các vấn đề như Iran hay thậm chí là cả Israel luôn gây ra những tranh cãi rất lớn trong nội bộ nước Mỹ.

Chúng ta có thể thấy sự đồng thuận tuyệt đối trong chính giới Mỹ về chính sách đối với Việt Nam và điều này đã diễn ra từ rất lâu rồi. Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ thay đổi nào trong tương lai. Cho dù Tổng thống kế tiếp là ai thì cũng sẽ không có tranh cãi trong chính sách đối với Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao Malaysia “tiền hậu bất nhất” trong vấn đề Biển Đông?
Vì sao Malaysia “tiền hậu bất nhất” trong vấn đề Biển Đông?

VOV.VN - Dù các quan chức Malaysia đã có tuyên bố trái ngược, nhưng nhìn chung, chính sách về Biển Đông của nước này vẫn tương đối rõ ràng.

Vì sao Malaysia “tiền hậu bất nhất” trong vấn đề Biển Đông?

Vì sao Malaysia “tiền hậu bất nhất” trong vấn đề Biển Đông?

VOV.VN - Dù các quan chức Malaysia đã có tuyên bố trái ngược, nhưng nhìn chung, chính sách về Biển Đông của nước này vẫn tương đối rõ ràng.

Vì sao Mỹ chọn Đá Chữ Thập để thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông?
Vì sao Mỹ chọn Đá Chữ Thập để thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông?

VOV.VN - Mỹ lựa chọn Đá Chữ Thập để thực hiện quyền tự do đi lại, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khiến nhiều người bất ngờ.

Vì sao Mỹ chọn Đá Chữ Thập để thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông?

Vì sao Mỹ chọn Đá Chữ Thập để thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông?

VOV.VN - Mỹ lựa chọn Đá Chữ Thập để thực hiện quyền tự do đi lại, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khiến nhiều người bất ngờ.

Gặp người có thể đọc được suy nghĩ của Tổng thống Obama
Gặp người có thể đọc được suy nghĩ của Tổng thống Obama

VOV.VN - Brian Mosteller là người hiếm hoi có thể làm những việc để chiều lòng Tổng thống mà ông Obama không cần phải nói ra.

Gặp người có thể đọc được suy nghĩ của Tổng thống Obama

Gặp người có thể đọc được suy nghĩ của Tổng thống Obama

VOV.VN - Brian Mosteller là người hiếm hoi có thể làm những việc để chiều lòng Tổng thống mà ông Obama không cần phải nói ra.

Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama
Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama

VOV.VN - Có nhiều ý kiến trái chiều về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama từ  2008-2016, nhưng nhìn chung di sản mà ông để lại có nhiều điểm sáng.

Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama

Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama

VOV.VN - Có nhiều ý kiến trái chiều về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama từ  2008-2016, nhưng nhìn chung di sản mà ông để lại có nhiều điểm sáng.

Tổng thống Obama nói gì về Biển Đông ngay trước G7?
Tổng thống Obama nói gì về Biển Đông ngay trước G7?

VOV.VN - Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp riêng Thủ tướng Nhật để trao đổi về các vấn đề quốc tế.

Tổng thống Obama nói gì về Biển Đông ngay trước G7?

Tổng thống Obama nói gì về Biển Đông ngay trước G7?

VOV.VN - Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp riêng Thủ tướng Nhật để trao đổi về các vấn đề quốc tế.