Thế giới 7 ngày:

Diễn đàn Shangri-La: Mỹ- Trung "gườm" nhau

(VOV) - Mỹ khẳng định cam kết hợp tác với các đồng minh tại Hội nghị Shangri-La, Nga và phương Tây mâu thuẫn trong vấn đề Syria

Ngày 1/6, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã phát biểu rằng, chính phủ Mỹ  quan ngại về “mối đe dọa ngày càng gia tăng của các vụ xâm nhập mạng, mà trong đó có những vụ có dấu hiệu liên quan đến chính phủ và quân đội Trung Quốc”. Trong bài phát biểu của mình, ông Hagel cũng tái khẳng định chính sách hướng về châu Á của Mỹ. Phát biểu này đã bị một đại biểu Trung Quốc chất vấn về việc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực. Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Diễn đàn (Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 1/6 khẳng định quân đội nước này sẽ triển khai thêm không lực, binh sĩ và vũ khí công nghệ cao tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Washington đang đẩy nhanh kế hoạch tái cân bằng chiến lược. Bộ trưởng Quốc phòng Hagel đã cam kết với các đồng minh và đối tác tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La thường niên ở Singapore rằng Mỹ hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục xoay trục chiến lược sang khu vực này bất chấp việc ngân sách bị eo hẹp. Ông Hagel nói:“Quân đội Mỹ không chỉ chuyển thêm nhiều nguồn lực đến Thái Bình Dương, chúng tôi còn muốn sử dụng những nguồn lực mới này để củng cố vị thế và các mối quan hệ của mình”. Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel và những người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết hợp tác (AP)


Tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã nói với các đại biểu dự Hội nghị An ninh châu Á tổ chức tại Singapore rằng những bình luận gần đây trên các tờ báo Trung Quốc chỉ phản ánh quan điểm của một số học giả. Phát biểu này được đưa ra sau khi tờ "Nhân dân Nhật báo" đã đăng bài viết của các học giả nước này, trong đó đòi xem xét lại chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Okinawa. Trong ảnh: Tướng Thích Kiến Quốc và đoàn đại biểu Trung Quốc đến Singapore tham dự Diễn đàn Shangri-La (Reuters)


Ngày 1/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Cộng hòa Trinidad và Tobago, đã tiến hành hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Trinidad và Tobago, Kamla Persad-Bissessar. Tại hội đàm hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác ở lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng. Với chính sách đối ngoại “toàn diện hóa, đa phương hóa”, Trung Quốc muốn gây tầm ảnh hưởng của mình ngay cả với những nước xa xôi nhất. Sau chuyến thăm các nước châu Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiến hành thăm Mỹ trong tuần tới. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc bắt tay Thủ tướng Kamla Persad-Bissessar (AP)


Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thực hiện một chuyến đi bí mật tới Syria hôm 27/5 qua biên giới gần Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ và có cuộc gặp kéo dài khoảng 2 giờ với các nhà lãnh đạo của phe nổi dậy Syria. Ông đã kêu gọi chính phủ Mỹ phải có hành động quân sự quyết liệt để can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria, trong đó có việc thiết lập một vùng cấm bay cũng như trang bị vũ khí cho quân nổi dậy. Liên minh châu Âu vào cuối ngày 27/5 cũng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria, trong khi vẫn duy trì tất cả các biện pháp trừng phạt khác chống lại chế độ của Tổng thống al-Assad. Trong ảnh: Thượng nghị sĩ McCain chụp ảnh với lãnh đạo phe nổi dậy ở Syria (Reuters)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trả lời phỏng vấn với Al Manar TV, cho biết Moscow đã cam kết trong hợp đồng cung cấp vũ khí cho Syria. Thông tin Nga tiếp tục cung cấp vũ khí cho Syria vấp phải sự lên án dữ dội của phương Tây. Ngày 1/6, Nga cũng dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra một tuyên bố báo động về tình trạng đổ máu ở thị trấn An al-Qusair của Syria, nằm gần biên giới với Lebanon. Trong khi các nước phương Tây chỉ trích Nga tiếp tục bán vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Assad, Moscow lại lên án phương Tây và các nước Arab rót tiền, vũ khí và nhiều hình thức tài trợ khác cho phe đối lập. Trong ảnh: Tổng thống Syria trả lời phỏng vấn truyền hình (Wochit)

Ngày 30/5, lực lượng mật vụ Mỹ thông báo họ đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời một bức thư "có tính đe dọa" gửi Tổng thống Barack Obama, giống như hai bức thư ngày 29/5 gửi tới địa chỉ của Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg. Bức thư gửi Thị trưởng Bloomberg có chứa chất ricin, một thứ chất độc có thể gây chết người trong vòng từ 36 đến 48 tiếng đồng hồ nếu hít phải. Điều tra ban đầu xác định bức thư được gửi từ một nhóm ủng hộ sở hữu súng đạn. Ảnh: Tổng thống Obama phát biểu trên truyền hình (Reuters)

Ngày 2/6, tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD), với sự có mặt của hơn 40 nhà lãnh đạo các nước châu Phi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này sẵn sàng rót 100 tỷ Yên Nhật (tương đương 765 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ, góp phần ổn định tình hình tại các nước khu vực Bắc Phi Sahel. Ảnh: Thủ tướng Nhật Bản chụp ảnh cũng các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị TICAD (Reuters)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên