Thế giới 7 ngày:

Đông Bắc Á trước nguy cơ bùng phát các cuộc đối đầu

(VOV) - Nhật Bản, Hàn Quốc liên tiếp phóng vệ tinh, trong khi Triều Tiên gấp rút hoàn thành việc thử hạt nhân lần 3 khiến khu vực thêm nóng.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, vào lúc 14h chiều 30/1 (theo giờ Việt Nam), Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa Naro do nước này tự sản xuất từ trung tâm vũ trụ Naro, cách thủ đô Seoul 480 km về phía Nam.

Vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc được đánh giá là rất quan trọng, sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thành công một tên lửa mang vệ tinh vào quĩ đạo, ngày 12/12/2012. Với việc phóng thành công tên lửa Naro, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới thực hiện vụ phóng tên lửa mang vệ tinh trực tiếp từ lãnh thổ nước mình. Trong ảnh: Tên lửa Naro của Hàn Quốc rời bệ phóng (Ảnh: AP).


Ngày 2/2, CHDCND Triều Tiên đã chỉ trích Mỹ đã áp dụng “tiêu chuẩn kép” với nước này và các nước đồng minh của mình, trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản vừa phóng vệ tinh thành công. Triều Tiên cho rằng, Mỹ không hề lên tiếng khi Tokyo phóng 2 vệ tinh do thám hôm 27/1 và Hàn Quốc phóng vệ tinh hôm 30/1, nhưng lại đưa “vụ phóng vệ tinh hòa bình” của Bình Nhưỡng ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Triều Tiên cũng có thêm động thái thể hiện sự cứng rắn của mình khi Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi phát biểu tại cuộc họp mở rộng của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) nhằm thảo luận phương hướng phát triển khả năng quân sự của nước này đã yêu cầu phải biến Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) thành “đội quân cách mạng vô song”.

Động thái của nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đưa ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ra tuyên bố chung phản đối Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân, cho rằng điều này sẽ đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, làm mất ổn định tại khu vực Đông Bắc Á. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp mở rộng của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (Ảnh: KCNA).

Trước đó, các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên dường như đã sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3. Báo Yonhap dẫn nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết, người ta đã phát hiện thấy “nhiều dấu hiệu chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới đã bước vào giai đoạn cuối cùng” trong một đường hầm ở khu phía Bắc bãi thử Punggye-ri. Động thái này được cho là phù hợp khi Triều Tiên đe dọa sẽ kích nổ một thiết bị hạt nhân để trả đũa việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết lên án nước này phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12/2012. Trong ảnh: Các hoạt động tại bãi thử Punggye-ri được chụp qua vệ tinh (Ảnh: Fox News).

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục có những diễn biến căng thẳng mới khi sáng 2/2, lực lượng tuần duyên Nhật đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc với cáo buộc khai thác san hô trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. 

Tân Hoa xã dẫn thông báo từ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Fukuoka cho biết, vụ bắt giữ xảy ra vào khoảng 8h53 phút (giờ địa phương) tại vùng biển cách đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa 44km về phía Đông Bắc. 
Tất cả 13 thành viên của chiêc tàu nói trên đều bị bắt giữ. Thuyền trưởng và hai thủy thủ đã bị tàu tuần tra Nhật đưa đến Miyako, những người còn lại và con tàu vẫn đang bị canh giữ tại nơi xảy ra vụ việc.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), trước mối đe dọa leo thang từ phía Trung Quốc. Trong chuyến thăm các lực lượng phòng vệ ở miền Nam của Nhật Bản, ông Abe nói rằng quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông nói trên đang phải chịu mối đe dọa ngày càng tăng và ông sẽ bảo vệ các đảo này "bằng mọi giá".

Những động thái trên của phía Nhật Bản khiến dư luận lo ngại căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nền kinh tế lớn của châu Á sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát khi cả hai bên đều không chịu nhượng bộ về vấn đề chủ quyền. Trong ảnh: Tàu cảnh sát biển Nhật Bản (trắng) đuổi theo tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa (Ảnh: Reuters).

Ngày 1/2 (giờ địa phương) ông John Kerry, 69 tuổi, chính thức trở thành Ngoại trưởng thứ 68 của Mỹ khi tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức ngắn gọn và riêng tư ở trụ sở Quốc hội Mỹ. Thẩm phán toà án tối cao Elena Kagan chủ trì lễ nhậm chức của ông John Kerry.

Ông Kerry được được đông đảo chính giới và người dân Mỹ kỳ vọng là người kế nhiệm xuất sắc của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tuy nhiên, tân Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trong 4 năm tới. Ông John Kerry phải nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách như chiến lược can dự của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và chiến lược tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương, lợi ích cốt lõi của Mỹ tại Syria và các biện pháp cụ thể để hỗ trợ phe đối lập tại đây... Trong ảnh: Ông John Kerry tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Mỹ (Ảnh: Reuters).

Xung đột tại Syria có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực khi ngày 30/1, máy bay chiến đấu của Israel đã xâm phạm không phận của Syria và ném bom xuống một trung tâm nghiên cứu khoa học của nước này tại khu vực Jamraya, gần thủ đô Damascus. Tuy nhiên, phía Israel xác nhận rằng mục tiêu tấn công của vụ không kích này không nhằm vào trung tâm nghiên cứu khoa học, mà nhằm vào đoàn xe bị nghi ngờ chở vũ khí hóa học.

Phản ứng trước vụ việc này, Syria đã trình khiếu nại lên Liên Hợp Quốc. Nhiều quốc gia cũng đã lên tiếng lên án động thái của Israel, cho rằng đây là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời bày tỏ lo ngại vụ việc có thể đe dọa đến hòa bình khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế thường niên khai mạc tại Munich (Đức) ngày 1/2, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải hành động để chấm dứt xung đột đang diễn ra ở Syria

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập, ông Moaz al-Khatib cũng  tuyên bố sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán với chính phủ của Tổng thống al-Assad nhằm "xoa dịu nỗi đau của người dân Syria" nhưng nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là "lật đổ chế độ bằng các giải pháp hòa bình". Bình luận của ông Khatib đã cho thấy sự chuyển hướng rõ ràng của phe đối lập Syria, vốn luôn cương quyết từ chối đàm phán với chính phủ. Trong ảnh: Một tay súng đối lập bắn rocket trong cuộc giao tranh với binh sĩ chính phủ Syria tại ngoại ô thủ đô Damascus (Ảnh: Reuters).


Chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp tại Mali có thể coi là đã thành công khi ngày 30/1, quân đội Mali cùng với sự hỗ trợ của quân đội Pháp đã chiếm được thị trấn Kidal cuối cùng từ tay nhóm phiến quân. Theo nguồn tin quân đội, lực lượng an ninh đã không vấp phải bất cứ sự kháng cự nào. Việc chiếm lại thị trấn này chỉ diễn ra vài ngày sau khi quân đội Pháp và Mali chiếm được hai thành phố quan trọng khác là Gao và Timbuku.

Mặc dù đang giành những thắng lợi liên tiếp nhưng giới quan sát lo ngại rằng, nhóm phiến quân bị tan rã và đang cố gắng trà trộn vào dân thường tại các ngôi làng xa xôi, hẻo lánh. Lực lượng này đang chờ thời cơ quay trở lại sau khi quân đội Pháp rút đi và lực lượng quân đội Mali suy yếu

Phát biểu trong chuyến thăm chóng vánh đến Timbuku, Mali, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng: “sẽ là sai lầm khi nói rằng cuộc xung đột tại Mali đã chấm dứt”. Ông Hollande cũng cho biết, quân đội Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng Mali hoàn tất việc tái thiết lập quyền kiểm soát của chính phủ Mali tại các khu vực miền Bắc nước này. Trong ảnh: Tổng thống Pháp được chào đón như một người hùng khi đến thăm thành phố cổ Timbuku (Ảnh: AP).

Phát biểu ngày 2/2, trong một buổi lễ phát sóng trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã giới thiệu chiếc máy bay chiến đấu mới nhất của nước này, có chức năng tàng hình và chống lại sự giám sát của các hệ thống radar tối tân. 

Trước đó, cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cho biết, Iran vừa thông báo với cơ quan này về việc sẽ thiết lập các máy li tâm mới tại cơ sở làm giàu urani ở nhà máy hạt nhân Natanz. Loại máy mới này được cho là hiệu quả hơn so với loại máy mà Iran đang sở hữu, nhờ đó có thể đẩy nhanh tiến trình làm giàu urani của Iran, tăng cường khả năng làm giàu urani. Chính phủ Iran ngày 28/1 cũng khẳng định, nước này đã đưa thành công một con khỉ  lên vũ trụ và đưa trở về Trái đất an toàn.

Các động thái trên của Iran diễn ra trong bối cảnh các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran với P5+1 vẫn lâm vào bế tắc và phương Tây tiếp tục gia tăng lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Trong ảnh: Chiến đấu cơ Qaher-313 do Iran tự chế tạo (Ảnh: IRNA).

Ngày 27/1, tại thành phố Santa Maria ở miền Nam Brazil đã xảy ra một vụ cháy hộp đêm nghiêm trọng, khiến ít nhất 245 người thiệt mạng. Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, bên trong hộp đêm mang tên "Kiss", được cho là chứa khoảng 300-400 người, phần đông là sinh viên.

Ngày 28/1, cảnh sát Brazil đã bắt giữ hai chủ sở hữu hộp đêm cùng hai thành viên ban nhạc vì bị nghi liên quan đến vụ hỏa hoạn kinh hoảng khiến hơn 230 thanh niên thiệt mạng. Khai nhận trước cảnh sát, chủ hộp đêm, ông Elissandro Sphor thừa nhận giấy phép hoạt động của họ đã hết hạn từ tháng 8/2012 và đang chờ được gia hạn. Ngoài ra, ông này còn phủ nhận lời khai các nhân chứng rằng mình đã ra lệnh cho bảo vệ chặn lối ra của câu lạc bộ và “tẩu tán” chiếc máy tính có kết nối hình ảnh camera ghi lại tại hiện trường.

Để tưởng nhớ các nạn nhân, sáng 29/1, cư dân  thành phố Santa Maria cùng người thân, bạn bè nạn nhân đã tham dự cuộc diễu hành thắp nến qua các đường phố. Chính quyền nước này đã hủy bỏ sự kiện đánh dấu “500 ngày tới World Cup” và tuyên bố 3 ngày quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân vụ cháy. Trong ảnh: Các nạn nhân của vụ cháy kinh hoàng được đưa tới bệnh viện (
Ảnh: EPA).
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên