Khởi động để lan tỏa sự đổi mới, sáng tạo
VOV.VN - Việc khởi động bắt đầu với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy sáng tạo và bản sắc của mỗi trường, giúp các em thu nạp kiến thức nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.
Sôi động ngày hội chào đón “tân binh”
Sáng sớm thứ hai (28/8), sân Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) sôi động, rộn ràng lời ca, tiếng hát… của các em học sinh. Đã có nhiều sự trải nghiệm, nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ bởi giờ chào cờ ở đây rất khác biệt khi có hẳn chủ đề “Bài ca tuổi trẻ”, tạo sự hứng khởi, thu hút các em học sinh tham gia thể hiện “tài năng” của mình.
Tiết mục nhảy tập thể của học sinh Trường Nguyễn Tất Thành trong ngày hội chào đón học sinh lớp 10, năm học 2017 - 2018. |
Khác với hình dung của chúng tôi về một lễ chào cờ nghiêm trang và có phần khô khan, đơn điệu với những lời đánh giá nhận xét của thầy cô, giờ chào cờ ở đây vô cùng sôi động bởi những tiết mục ca hát, nhảy múa, đọc rap do chính các bạn học sinh ở CLB Phóng viên trẻ và CLB Yêu thích đọc sách của trường tổ chức.
Có lẽ đối với nhiều học sinh khối 6 của trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, năm học 2017 - 2018, ngày đầu tiên đến với ngôi trường mới là ngày của nhiều cảm xúc mới mẻ và thú vị khi các em được hòa mình vào một không gian trải nghiệm đầy lý thú và sáng tạo.
Sau khi lắng nghe những lời dặn dò, chia sẻ của cô hiệu trưởng, các em học sinh được tham gia bài khởi động “tập thể dục buổi sáng” với thông điệp “có sức khỏe là có tất cả” để xua tan đi cái bỡ ngỡ, rụt rè ban đầu và mau chóng chia về 11 đội để tiếp tục khám phá những điều bất ngờ, thú vị.
Bài khởi động “tập thể dục buổi sáng” của các “tân binh” lớp 6 Trường Nguyễn Tất Thành. |
Các em cùng với đội của mình sẽ lần lượt được tham gia các hoạt động ở 8 ô trải nghiệm khác nhau với 11 CLB của nhà trường. Các em được vui chơi hết mình như: Tự tay làm đất nặn slime của CLB Mỹ thuật, tham gia trải nghiệm các hoạt động khoa học cùng CLB Khoa học, được bày tỏ những ước mơ hồn nhiên theo cách của CLB Phóng viên trẻ…
ThS. Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành cho biết, ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động khởi động để tạo khí thế mới cho học sinh. Hoạt động chào đón học sinh khối 6 và khối 10 năm nay do học sinh tự thiết kế chương trình và tổ chức. Đồng thời, các buổi lễ chào cờ đầu tuần cũng đều do các CLB trong trường tự chọn chủ đề, xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn với nhiều hình thức phong phú, sôi động nhằm giới thiệu tới tất cả học sinh mới.
Giờ chào cờ sáng Thứ hai của trường Nguyễn Tất Thành. |
Với các em học sinh Trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội), ngày đầu tiên đến trường cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình của các thầy cô và các anh chị tình nguyện viên khối 7, 8, 9 CLB truyền thông của trường phụ trách phần khai mạc trong sự kiện Chào 6 .
Với sự sáng tạo và tự tin, các em đã nhanh chóng đưa học sinh khối 6 tham gia vào trò chơi hỏi đáp và qua đó giúp học sinh có cái nhìn đầy đủ về ngôi trường của mình. Trong phần khai mạc này, các em học sinh khối 6 cũng được nghe những lời nhắn nhủ từ cô hiệu trưởng Lê Thị Mai Hương và gặp gỡ các giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp; được hòa mình cùng điệu nhảy Happy sôi động, cuồng nhiệt.
Tiếp đó, 5 lớp của khối 6 sẽ được chia thành các nhóm để tham gia trải nghiệm, giúp các em hiểu hơn về những hoạt động của nhà trường, về văn hóa của nhà trường và là cơ hội để các em làm quen với thầy cô và bạn bè.
Những cảm xúc dâng trào được các em chia sẻ trong ngày tựu trường. Em Ngọc Thuận, lớp 6A cho biết: “Hôm nay là một trong những ngày vui nhất đời em. Em yêu ngôi trường thực nghiệm và tất cả mọi người. Bạn bè vui vẻ, hòa đồng, các anh chị tổ chức các hoạt động trải nghiệm rất vui nữa...”.
Cô Hiệu trưởng Lê Thị Mai Hương cho biết: “Qua 2 năm có kinh nghiệm tổ chức chào đón học sinh lớp 6, năm nay tiết mục của trường vui vẻ và gần gũi với học sinh hơn. Các em được cùng trải nghiệm chứ không chỉ ngồi xem các anh chị hay thầy cô biểu diễn và được thoải mái thể hiện cảm nghĩ của mình trong lễ chào đón này”.
Trải nghiệm để học tập tốt hơn
Học sinh trường Nguyễn Tất Thành cảm nhận, thông qua các CLB, các em được trải nghiệm thực sự về kỹ năng sống, những giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm... Điều đó thực sự cần thiết đối với học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em trưởng thành trong cuộc sống…
Em Hà Thị Hồng Ngát, lớp 12 D1, CLB Yêu thích đọc sách, bày tỏ: “Các bạn trong CLB vô cùng nhiệt huyết và năng động, vì thế em tham gia CLB để đồng hành với các bạn làm lan tỏa tình yêu đọc sách đến tất cả các bạn”.
Học sinh trường THCS Thực nghiệm tham gia Ngày lịch sử thiên nhiên Trái đất tại Trùng Khánh (Trung Quốc). |
Cô Võ Mai Linh, giáo viên môn Văn, Chủ nhiệm CLB Yêu thích đọc sách cho biết: “Ở trường Nguyễn Tất Thành, các hoạt động đều do học sinh chuẩn bị, giáo viên chỉ đứng sau hỗ trợ. Tôi thấy điều đó như là quá trình học, đó là học cách tổ chức các hoạt động, học cách làm việc nhóm và đưa ra kế hoạch khả thi nhất... Nó không chỉ là cơ hội để các em thể hiện khả năng mà còn là cơ hội để các em học hỏi lẫn nhau và ngay chính giáo viên chúng tôi còn học hỏi sự sáng tạo và năng động của các em”.
Thầy Đỗ Danh Bích, Hiệu Phó Trường Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Điểm khác biệt của trường là mục tiêu phát triển toàn diện học sinh. Ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT thì trường song hành dạy phát triển năng lực học sinh cả về thể chất và nghệ thuật. Nếu trường khác coi đó chỉ là hoạt động ngoại khóa thì trường coi đấy là môn tự chọn bắt buộc.
Trong trường hiện có rất nhiều CLB nhằm định hướng để học sinh phát huy khả năng của mình. Chính vì vậy, các hoạt động trong trường đều để cho học sinh được chủ động xây dựng từ ý tưởng đến thực hiện. Qua giờ Chào cờ đầu tuần là các em được giáo dục các kỹ năng mềm, giáo dục về đạo đức, về giá trị sống... Ban giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên sẽ hỗ trợ các CLB để làm sao phát triển tốt nhất năng lực các em”.
Trường Thực nghiệm đón chào năm học mới. |
Một niềm vui đến ngay từ những ngày đầu tiên trong năm học khi trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành đón nhận những thành tích tuyệt vời của đoàn học sinh trường tham dự Dự án khoa học và triển lãm lần thứ 6 được tổ chức tại trường THCS Anderson của Singapore.
Còn theo cô Lê Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thực nghiệm: Nhà trường luôn chú trọng việc thông qua trải nghiệm để các con lĩnh hội kiến thức, đặc biệt thắp lên những ước mơ nghiên cứu khoa học cho các con. Điều này được thể hiện trong các buổi dạy học Stem, tổ chức CLB Robocon, Hội chợ Khoa học.
Ngay đầu năm trường đã hướng dẫn cho học sinh nghiên cứu khoa học và các em tự đăng ký dự án để thực hiện.
Dự án thiên về môn học nào thì có thể thay thế điểm kiểm tra học kỳ của môn đó bởi nó liên quan đến các bài học trên lớp. Qua đó, trường cũng chọn được nhiều nhà khoa học trẻ ở các lĩnh vực KHXH và KHTN để tham dự các cuộc thi quốc tế và đạt nhiều giải trong thời gian qua... Tháng 7 vừa qua, 4 nhóm học sinh của trường Thực nghiệm đã tham gia Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất và giành được 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng (Cuộc thi này do Quỹ giáo dục địa cầu Behring có trụ sở ở Thái Lan tổ chức)./.
Th.s Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành
“Chuẩn bị cho năm học mới, cùng với việc xây dựng chương trình môn học, kế hoạch dạy học từng môn học được chúng tôi rất quan tâm, cùng nhau bàn bạc, điều chỉnh để việc dạy học sao cho hiệu quả hơn. Không chỉ đạt chuẩn kiến thức kỹ năng mà Bộ ban hành, điều chúng tôi mong muốn là tổ chức hoạt động trải nghiệm để học sinh tự biến kiến thức đó thành của mình. Như vậy, mỗi giáo viên đều cố gắng thay đổi hình thức dạy học, thay vì chỉ trao đổi trên lớp, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động mở rộng phạm vi ngoài lớp, như đưa các em đến viện bảo tàng, vườn sinh học hay đến các trung tâm giới thiệu một số ngành nghề... Và mỗi năm chúng tôi rút kinh nghiệm để điều chỉnh, cải thiện việc dạy và học tốt hơn”.
Th.s Lê Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thực nghiệm:
“Việc đổi mới dạy và học không được giáo viên nhà trường thực hiện từ những năm trước. Trường đã làm thử các chủ đề tích hợp liên môn, dạy học stem, hướng nghiệp. Dạy học stem như những môn: Toán, Khoa học, Kỹ thuật, công nghệ... có thể xây dựng thành chủ đề và chủ đề đó phải giải quyết được vấn đề thực tế cuộc sống. Ngay từ đầu năm, trường xem nhu cầu của giáo viên để tập huấn chuyên sâu nhiều mảng, tập huấn cách tổ chức hoạt động học tập làm sao gây hứng thú cho học sinh… Bởi đây cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang hướng tới. Tôi cho rằng để có những thế hệ học sinh của thế kỷ 21 thì nhà trường cần hướng vào trang bị học sinh những kiến thức, kỹ năng để các em bước vào đời có thể đáp ứng ngay yêu cầu của xã hội, những kỹ năng mà xã hội đang cần”.