Đức sốt ruột sợ chậm chân ở châu Phi

VOV.VN - Lục địa Đen vẫn là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc và Đức không muốn “trâu chậm uống nước đục”.

Nội các Đức vừa thông qua văn kiện "Đường lối chính sách châu Phi của Chính phủ liên bang Đức” theo đề xuất của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. Động thái này được xem là bước đi mới của Đức nhằm tìm kiếm sự ảnh hưởng tại lục địa đen khi mà nhiều cường quốc khác đang tiến hành cuộc chạy đua nhằm tranh giành ảnh hưởng tại châu lục này.

Xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi (ảnh: fountainnews)


Những năm qua, chiến tranh, xung đột kéo dài khiến nhiều quốc gia châu Phi trở thành một trong những vùng đất nóng bỏng trên thế giới. Tình hình tại Ai Cập, Sudan vừa tạm lắng thì đến lượt các nước Libya, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria... rơi vào bất ổn.

Bên ngoài, từ sự can thiệp quân sự của Pháp tại Mali hay Cộng hòa Trung Phi đến những dự án đầu tư có nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc đang khiến lục địa đen trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Do đó, không có gì khó hiểu khi là một nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu và có vai trò ngày càng lớn trên thế giới, Đức sẽ không thể ngồi yên khi chưa có vị trí gì đáng kể tại châu Phi.

Song điều mà dư luận quan tâm là Đức sẽ có chính sách mới với châu Phi như thế nào khác với cách mà các nước khác như Pháp và Trung Quốc đã làm. Về chính trị và quân sự, chắc hẳn Đức không muốn sa vào thế “tiến thoái lưỡng nan” của Pháp tại châu Phi. Thực tế nhiều khu vực tại châu Phi, khủng hoảng cũng như xung đột nổ ra có một phần quan trọng là do quân đội Chính phủ chưa đủ mạnh để có thể nhanh chóng chiếm ưu thế và trấn áp được những nhóm phiến quân ly khai.

Thế lưỡng lự của Đức

Theo Chính phủ Đức, việc đổi mới chính sách đối ngoại với châu Phi với những biện pháp nhanh và hiệu quả sẽ góp phần ngăn chặn và kiềm chế khủng hoảng. Để tăng cường ảnh hưởng của mình, Đức lên kế hoạch tham gia vào việc đào tạo, tư vấn và vũ trang cho các lực lượng vũ trang châu Phi. Nếu như Đức giúp đỡ lực lượng vũ trang các nước châu Phi thì nghiễm nhiên, Đức sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế các cuộc khủng hoảng tại đây. Song nếu Đức sử dụng cách làm như Pháp tại Cộng hòa Trung Phi là viện trợ quân sự và đưa quân đội can thiệp để chống lại các nhóm phiến quân ở nước này thì sự tốn kém là điều khó tránh khỏi, hiệu quả lại không cao nếu như xung đột kéo dài.

Về kinh tế, hiện nay, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng bằng việc đầu tư rất nhiều vào châu Phi thì Liên minh châu Âu và nền kinh tế đầu tàu khối này là Đức vẫn chưa có nhiều dự án hợp tác lớn với lục địa đen. Song Trung Quốc cũng đang dần đánh mất lòng tin của các quốc gia châu Phi bởi cách thức đầu tư của nước này. Đây là vấn đề mà Đức chắc chắn phải nghiên cứu.

Văn kiện dày 15 trang vừa được nội các Đức thông qua đã đặt ra những cơ hội hợp tác với châu Phi, xuất phát từ sự phát triển dân số với một thị trường tương lai rộng lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có nguồn tài nguyên dồi dào, tiềm năng to lớn về sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, châu Phi tuy giàu tài nguyên thiên nhiên song luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột và bất ổn. Do đó, đầu tư về kinh tế tại châu lục này như thế nào cũng là vấn đề không hề dễ dàng, mặc dù thị trường châu Phi đang phát triển hết sức năng động, sức mua cũng như nhu cầu về các sản phẩn chất lượng cao của Đức ngày càng lớn.

Để chứng tỏ vai trò cường quốc có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế, Đức hoàn toàn có lý do xem xét “để mắt” tới châu Phi nhiều hơn trong thời gian tới bằng văn kiện "Đường lối chính sách châu Phi của Chính phủ liên bang Đức" vừa qua. Bởi nếu như Đức không sớm có một chính sách mới với châu Phi thì nước này sẽ thành kẻ chậm chân tại lục địa đen so với các cường quốc khác. Song tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi như thế nào cho hiệu quả, đầu tư kinh tế hay gia tăng ảnh hưởng về chính trị quân sự vẫn là vấn đề mà chính phủ Đức sẽ phải cân nhắc rất nhiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên