Khó xác định thắng thua trong cuộc chiến năng lượng giữa xung đột Nga-Ukraine
VOV.VN - Tình hình năng lượng thế giới cũng như kẻ thắng, người thua trên thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn thấy giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Cú sốc dầu mỏ vào những năm 1970 đã dạy các chính trị gia phương Tây bài học sâu sắc về sức mạnh của các siêu cường năng lượng thế giới. 40 năm sau, bài học đó một lần nữa lặp lại.
Nga đang phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nguy cơ Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt gây ra sự hoảng loạn ở châu Âu trong khi Đức và một số nền kinh tế lớn khác có thể phải giải quyết vấn đề năng lượng bằng cách thực hiện chế độ phân phối giới hạn trong mùa đông này. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden, với lo ngại giá xăng dầu tăng vọt trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, đã thay đổi thái độ với Saudi Arabia. Nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến sẽ tới thủ độ Riyadh của Saudi Arabia vào tháng tới để thuyết phục nước này bơm nhiều dầu hơn.
Năm 2022, cũng như năm 1973, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn vẫn có thể khiến các cường quốc thế giới phải "nhảy theo nhạc của mình".
Dù vậy, tình hình năng lượng thế giới cũng như kẻ thắng, người thua trên thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn thấy. Nhà quan sát Gideon Rachman nhận định trên Financial Times rằng, Nga sẽ có lợi thế trong ngắn hạn nhưng vị thế này sẽ giảm mạnh trong 3 năm tới. Trong khi đó, Mỹ có vấn đề lớn trong ngắn hạn nhưng sẽ có vị thế thuận lợi hơn về dài hạn. Còn EU sẽ đối mặt với những vấn đề lớn nhất trong ngắn và trung hạn. Bất chấp những cuộc trao đổi quyết liệt về đa dạng hóa năng lượng và phi carbon hóa, châu Âu vẫn còn một chặng đường dài để tìm ra chiến lược năng lượng mới khả thi.
Cuộc chạy đua với thời gian của Nga và EU
Nga và EU sẽ bước vào một cuộc chạy đua với thời gian. Mục tiêu của Nga, theo ông Gideon Rachman sẽ là khiến châu Âu thấm thía cuộc khủng hoảng kinh tế trong mùa đông này và từ đó làm suy yếu sự ủng hộ của EU cho Ukraine. Hungary - một quốc gia EU đã hối thúc lệnh ngừng bắn nhanh chóng ở Ukraine, đồng thời cảnh báo mối đe dọa của một thảm họa kinh tế. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng nhận định ngày 27/6 rằng nước này không có kế hoạch thảo luận với các quốc gia khác về lệnh cấm khí đốt Nga bởi biện pháp hạn chế này sẽ phá hủy nền kinh tế.
Châu Âu sẽ có một vài tháng trước khi mùa đông tới để chuẩn bị cho viễn cảnh Nga siết chặt nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, thậm chí cả khi những chiến thuật gây sức ép của Moscow có hiệu quả về ngắn hạn thì trong dài hạn, Nga sẽ chứng kiến sự suy giảm của một trong những trụ cột quyền lực chính của mình, đó là năng lượng.
Một quan chức cấp cao Đức cho rằng: "Trước chiến tranh, Nga tìm cách đảm bảo doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt trong 30 năm nhưng hiện nay họ đang tìm cách đảm bảo trong 3 năm".
Thậm chí cả về ngắn hạn, việc cắt xuất khẩu khí đốt sang châu Âu có thể là một cuộc chơi rủi ro với Nga. Phần lớn trong khoảng 1 tỷ euro chảy vào Nga mỗi ngày đến từ châu Âu.
Nga có thể tìm kiếm các thị trường xuất khẩu dầu mỏ thay thế tương đối dễ dàng với việc Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng nhập khẩu dầu Nga, vốn đang được giảm giá. Tuy nhiên, khí đốt Nga được xuất khẩu thông qua các đường ống và các đường ống quan trọng đều hướng đển châu Âu. Việc xây dựng các đường ống mới tới Trung Quốc sẽ mất một vài năm và Nga có thể sớm đối mặt với tình thế khó khăn.
Việc châu Âu nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga có thể thấy rõ qua lịch trình công du của lãnh đạo các nước này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới Israel và Ai Cập để ký kết một thỏa thuận khí đốt mới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây cũng đã tới thăm Senegal và quan tâm đến việc phát triển các mỏ khí đốt mới ở đây.
Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi lớn, đó là châu Âu có thể thay thế khí đốt Nga nhanh chóng và suôn sẻ như thế nào. Một số nhân vật cấp cao trong ngành năng lượng đã kín đáo bày tỏ sự hoài nghi. Tình hình trong 5 năm tới có thể đặt châu Âu vào vị trí không mấy dễ chịu với việc nhu cầu năng lượng Nga đã giảm nhưng không thể xóa bỏ hoàn toàn trong khi người tiêu dùng liên tục đối mặt với giá cả các mặt hàng tăng cao và ngành công nghiệp đứng trước viễn cảnh nguồn cung không ổn định.
Thua ngắn thắng dài?
Trái lại, Mỹ dường như sẽ ở một vị trí thuận lợi hơn nhiều về dài hạn.
Theo nhà phân tích năng lượng hàng đầu Dan Yergin, Mỹ đã và đang thay thế Nga là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Giá năng lượng tăng cao là cú đánh vào người tiêu dùng Mỹ nhưng đây cũng là cú hích cho ngành công nghiệp khí đá phiến (shale gas) của Mỹ. Bài học trong cuộc chiến ở Ukraine mà phương Tây rút ra được là sẽ rất nguy hiểm nếu phụ thuộc vào đối thủ địa chính trị về năng lượng. Mỹ hiện là nhà xuất khẩu ròng năng lượng lớn, trong khi Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.
Nhưng chỉ riêng sản xuất sẽ không thể bảo vệ người tiêu dùng Mỹ khỏi giá dầu toàn cầu tăng. Mục tiêu của Mỹ nhằm cô lập không chỉ Nga mà còn cả Iran và Venezuela đã củng cố vị thế của Saudi Arabia. Nhưng không giống như Nga hay Iran, Saudi Arabia là một đồng minh lâu năm của Mỹ.
Mối đe dọa thực sự với vị thế của Saudi Arabia không nằm ở địa chính trị mà nằm ở khía cạnh môi trường. Phi carbon hóa cuối cùng sẽ đồng nghĩa với việc thế giới không còn mua những gì Saudi Arabia đang bán nữa.
Dù vậy, về ngắn hạn, những khó khăn trong ngành năng lượng toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu nhiên liệu hóa thạch không phải của Nga, trong đó bao gồm cả than đá - loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhiều nhất. Đức đang mở lại các nhà máy than đá vốn đóng cửa từ lâu. Và Trung Quốc cũng đang tập trung vào nhiên liệu này - được đánh giá là hình thức sản xuất năng lượng trong nước đáng tin cậy nhất.
Cuộc chiến ở Ukraine là một điều tồi tệ với thế giới và có lẽ còn điều tồi tệ hơn với hành tinh này./.