Khủng hoảng Ukraine 1 năm nhìn lại: Vẫn ở ngã ba đường
VOV.VN - Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi chính quyền Kiev quyết định xích lại gần phương Tây, Ukraine giờ vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm.
LTS: Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là chủ đề tốn nhiều giấy mực và kéo dài dai dẳng nhất trong năm 2014 với những diễn biến thay đổi từng ngày làm bất ngờ ngay cả với những chuyên gia thường xuyên dõi theo sự kiện này. Nhân dịp kết thúc năm 2014 và đón chào Năm mới 2015, VOV xin được điểm lại những sự kiện quan trọng liên quan đến tình hình Ukraine trong hơn một năm qua và dự đoán về những gì sẽ diễn ra trong năm tới.
Ukraine từ chối ký hiệp định thương mại với EU- khởi nguồn cho mọi căng thẳng
Ngày 21/11/2013, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã bất ngờ từ chối ký hiệp định thương mại với EU và bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với Nga.
Động thái này đã khiến nhiều người dân Ukraine cảm thấy bị “phản bội” bởi trước đó ông Yanukovych đã từng cam kết sẽ thực hiện việc ký kết hiệp định thương mại với EU.
Ngay sau đó, nhiều người dân tại Ukraine đã đổ xô về Kiev để biểu tình hòng gây sức ép buộc chính quyền Kiev phải thay đổi thái độ của mình.
Cuộc biểu tình nhanh chóng lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 12 khi người biểu tình tiến hành chiếm đóng quảng trường Độc Lập và các tòa nhà chính phủ bao gồm Tòa thị chính Kiev cũng như nỗ lực phong tỏa Phủ Tổng thống và tư dinh Tổng thống.
Rõ ràng, quan điểm “tiền hậu bất nhất” khi đưa ra các quyết định của mình đã khiến Tổng thống Yanukovych “mất điểm nghiêm trọng” với các đối tác phương Tây, những người muốn lôi kéo Ukraine rời xa Nga và cả Nga, nước luôn coi Ukraine là đồng minh quan trọng nhất của mình tại Đông Âu.
Quan điểm này đã đẩy ông Yanukovych vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi ông cùng một lúc phải đối chọi với ba mũi dùi chĩa vào ông.
Người dân Ukraine thì thất vọng vì ước mơ trời Tây của họ đã bị sụp đổ ngay trước mắt, trong khi đó, Nga và các nước phương Tây thì liên tục gây sức ép buộc ông phải sớm đưa ra quyết định cuối cùng của mình.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi phương Tây đã không ngần ngại hậu thuẫn những người biểu tình tại quảng trường Maidan và nhiều địa điểm quan trọng khác tại thủ đô Kiev khiến họ ngày càng có những hành động mất kiểm soát.
Để đối phó với người biểu tình, ông Yanukovych đã yêu cầu lực lượng an ninh tại Kiev mạnh tay hơn với họ. Tuy nhiên, việc này càng “đổ thêm dầu vào lửa” và khiến người biểu tình trở nên quyết tâm hơn.
Không thể đối mặt được với sức ép nghiêm trọng từ phía người biểu tình, ông Yanukovych dần dần mất đi sự tỉnh táo cần thiết trong những thời điểm quan trọng và đã dần chấp nhận buông xuôi.
Đỉnh điểm của việc này chính là khi ông đề nghị trao chức Thủ tướng cho thủ lĩnh khối Đảng "Batkivshina" đối lập Arseniy Yatsenyuk và trao chức Phó Thủ tướng cho ông Vitali Klitschko, thủ lĩnh Đảng UDAR đối lập.
Việc “mời gọi” phe đối lập nên nắm vị trí trong Chính phủ Ukraine ngay sau khi Thủ tướng nước này Mykola Azarov quyết định từ chức đã khiến vị thế trong chính trường Ukraine của ông Yanukovych suy yếu nghiêm trọng.
Quốc hội Ukraine, một thời là chỗ dựa cho ông Yanukovych vượt qua nhiều thời điểm căng thẳng nhất khi các cuộc biểu tình đang diễn ra, đã không còn tin tưởng ông nữa.
Điều này đã dẫn đến việc ngày 21/2/2014, ông Yanukovych đã quyết định trốn sang Nga và Quốc hội Ukraine cũng đã nhóm họp để phế truất ông Yanukovych và thông qua việc khôi phục bản Hiến pháp năm 2004, trong đó hạn chế đáng kể quyền hạn của Tổng thống và tăng quyền cho cơ quan lập pháp.
Các chuyên gia lúc đó nhận định, việc ông Yanukovych phải trốn sang Nga là một thắng lợi đối với phương Tây trong cuộc chiến giành ảnh hưởng của Ukraine với Nga. Nhiều người còn sớm lạc quan cho rằng, cuộc “Cách mạng Cam” năm 2004 sẽ được tái hiện lại đúng 10 năm sau.
Tuy nhiên, khi đó, họ không hề nghĩ rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một đòn đáp trả thích đáng với các nhà ngoại giao phương Tây về tuyên bố của họ rằng Nga sẽ phải chấp nhận việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất ngày 22/2 vì đây là ý nguyện của nhân dân Ukraine.
Bởi lẽ, bây giờ thì chính họ sẽ phải chấp nhận ý nguyện của người dân Crimea (về việc sáp nhập Cộng hòa tự trị này với Nga).
Nga sáp nhập Crimea đẩy mâu thuẫn với phương Tây lên cao trào
Với việc chính quyền mới tại Kiev được thành lập và có quan điểm thân phương Tây rõ rệt, những người dân tại miền Đông Ukraine, trong đó đa phần là những người nói tiếng Nga, bày tỏ lo ngại cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những thay đổi trong chính sách của chính quyền Kiev đối với họ và đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngày 1/3, Thủ tướng nước Cộng hoà Crimea thuộc Ukraine Aksenov đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp gìn giữ hoà bình tại đây và chỉ hai ngày sau đó, các xe thiết giáp và tàu chiến của Nga đã tiến sát khu vực Crimea.
Ngay sau đó, với sự ủng hộ của Quốc hội Nga trong việc Crimea đồng ý sáp nhập vào Nga. Người dân Crimea ngày 16/3 đã tiến hành trưng cầu dân ý và có tới gần 97% người dân tại đây ủng hộ việc sáp nhập vào Nga.
Trong buổi lễ sáp nhập Crimea về lại với Nga ngày 18/3, Tổng thống Nga Putin đã không ngần ngại khẳng định rằng “Crimea luôn là một phần không thể tách rời của Nga”.
Việc Nga sáp nhập Crimea là một đòn giáng trả mạnh khiến cả chính quyền Kiev và phương Tây cảm thấy ngỡ ngàng. Những sự việc diễn ra liên tục trong thời gian này đã cho thấy Tổng thống Nga Putin là người có khả năng lãnh đạo thực sự và có thể xoay đổi cục diện nhanh như thế nào.
Từ vị thế bị động khi ông Yanukovych bị phế truất, ông Putin đã nhanh chóng lấy lại thế thượng phong và giành lại những gì mà theo ông là “phải thuộc về nước Nga”.
Dù sau đó liên tục bị phương Tây và chính chính quyền Kiev cáo buộc là xâm chiếm Crimea, nhưng ông Putin vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình và đã không dưới hai lần tái khẳng định tầm quan trọng của Cirmea trong những tuyên bố gần đây nhất của mình.
Ngày 4/12, trong thông điệp Liên bang gửi toàn dân Nga, ông Putin đã nhấn mạnh: Crimea đối với Nga giống như Núi Đền, một địa điểm tôn giáo ở thành phố cổ Jerusalem, nơi được coi là khởi thủy của ba tôn giáo Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa và Đạo Do Thái.
Sau đó, ngày 20/12, Phát biểu tại một buổi hòa nhạc nhằm vinh danh các nhân viên an ninh của Nga, ông Putin nhấn mạnh ông đã nghe thấy nhiều người (phương Tây) lên tiếng cho rằng, “Nga sẽ phải trả giá đắt vì quan điểm ủng hộ quyền độc lập cho Crimea”.
Tổng thống Nga khẳng định: “Rõ ràng là, không ai có thể thành công khi muốn hăm dọa, ngăn cản hay cô lập nước Nga”.
Có thể nói, việc Nga sáp nhập Crimea là một dấu mốc quan trọng đánh dấu những bước thăng trầm trong nửa đầu năm 2014, khi mà Nga và phương Tây từ chỗ chỉ lên tiếng cáo buộc lẫn nhau là muốn giành sự ảnh hưởng của Ukraine đã có những hành động kiên quyết hơn.
Việc sáp nhập Crimea cũng là bước đệm quan trọng để phương Tây lấy cớ gây sức ép nhiều hơn đối với Nga với cáo buộc “xâm lược” Ukraine và tập trung tìm mọi cách để cô lập Nga.
Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ thực sự trở nên quyết liệt hơn sau vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malasyia Airlines bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine, nơi quân Chính phủ và phe đối lập tại Lugansk và Donetsk đang giao tranh ác liệt.
Trước muôn vàn khó khăn như vậy, Tổng thống Nga Putin vẫn luôn kiên định với sách lược của mình và vững tay chèo lái nước Nga vượt qua những khó khăn của nửa đầu năm 2014 cũng như những thách thức còn lớn hơn gấp bội của nửa năm sau./.
Bài 2: Khủng hoảng Ukraine tạo thế giằng co Đông-Tây