“Hội chứng gói thuốc C” - Nguy cơ tiền mất tật mang
VOV.VN - Từ hiệu quả thử nghiệm ban đầu của thuốc Molnupiravir đối với những F0 là người cao tuổi, có bệnh nền khiến một số người coi đó là “thần dược”, săn lùng với giá đắt đỏ dù chưa đến mức cần dùng.
Những ngày gần đây, thông tin TP.HCM hết thuốc kháng virus Molnupiravir khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Từ hiệu quả thử nghiệm ban đầu của thuốc này đối với những F0 là người cao tuổi, có bệnh nền khiến một số người coi đó là “thần dược”, săn lùng với giá đắt đỏ dù chưa đến mức cần dùng. Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng thuốc Molnupiravir không có chọn lọc dẫn đến nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng và tạo điều kiện cho việc đầu cơ, tích trữ, làm khan hiếm thuốc, khiến cho một số người thực sự cần lại không có thuốc.
“Hội chứng gói thuốc C” và mua bán tràn lan thuốc kháng virus
Những ngày qua, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM ghi nhận số F0 gia tăng liên tục, trung bình từ 50-60 ca/mỗi ngày, cao điểm có ngày hơn 100 trường hợp. Cùng với đó, số F0 yêu cầu được cấp thuốc kháng virus Molnupiravir cũng gia tăng. Người dân liên tục gọi đến trạm y tế phàn nàn không được nhận "Gói thuốc C"- có thuốc kháng virus.
Bác sĩ Lâm Phước Trí- Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý gọi đó là “Hội chứng gói thuốc C”. Nguyên nhân là người dân cứ test nhanh có kết quả dương tính là đều yêu cầu được phát gói thuốc C, dù là người trẻ tuổi khỏe mạnh, không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Bác sĩ Trí cho biết, trạm đã hết thuốc Molnupiravir trước đó nên không có để phát cho người dân. Trong ngày 2/12, trạm đã được điều phối từ những nơi khác về 5 gói để phát cho F0 là những người già, người có nguy cơ trở nặng. Cũng theo bác sĩ Trí, trước đó, khi lượng thuốc còn nhiều, trạm đã có các biện pháp để ngăn chặn F0 nhận thuốc Molnupiravir về phục vụ mục đích khác.
“Phải có biện pháp xử lý, chứ bây giờ không uống nhưng lại bảo uống xong rồi. Giờ bảo uống xong rồi thì gửi chụp vỏ gửi lại cho chúng tôi. Tức là trong lúc mình phát thuốc thì phải thông báo bắt buộc kiểm soát như thế. Anh phải chụp Zalo mỗi ngày uống 2 viên thì chụp gửi lại cho chúng tôi xem, khi bấm rồi thì không bán được nữa. Nếu không là có người xách ra ngoài bán, bán 1 liều như thế 6 triệu bạc”- BS Lâm Phước Trí cho biết.
“Hội chứng gói thuốc C” cũng tìm thấy trên nhiều group của các khu dân cư, group mua bán, hội nhóm. Những người đăng bài đều cho biết đang mắc COVID-19 và muốn có gói thuốc kháng virus nhằm giúp cơ thể nhanh có kết quả âm tính hơn, nhưng không được trạm y tế cấp phát hoặc trạm đã hết nên không có để dùng. Trong đó, nhiều trường hợp người trẻ đã tiêm đủ vaccine, khi có triệu chứng nhẹ như sốt, ho vẫn muốn tìm thuốc để uống trước với hy vọng “chặn” tải lượng virus tăng cao.
Nắm bắt nhu cầu trên, hàng loạt trang Facebook rao bán rầm rộ thuốc trị COVID-19 với nhãn mác Molnupiravir, xuất xứ tại nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…Giá thành chênh lệch khá nhiều, từ 2,9 triệu đồng/lọ đến 11 hoặc 12 triệu đồng/lọ.
Phóng viên VOV đã liên lạc với một số điện thoại được chia sẻ trong các hội nhóm với thông tin “chuyên cung cấp thuốc sỉ và lẻ Molnupiravir 200mg giao ngay– nhanh như máy bay”. Khi phóng viên hỏi mua thuốc Molnupiravir, người đàn ông cho biết thuốc này xuất xứ Ấn Độ, có giá hơn 8 triệu đồng/lọ, uống trong 5 ngày. Thế nhưng những ngày qua, nhu cầu quá cao nên đã bán hết hàng, hiện chỉ còn thuốc đặc trị COVID-19 của Nga, không phải là Molnupiravir. Người này khẳng định, đây cũng là thuốc kháng virus, đảm bảo về chất lượng, uống có hiệu quả. Khi phóng viên hỏi tiếp thì người bán này cũng thừa nhận, các thuốc đang bán đều chưa được cấp phép tại Việt Nam.
"Hàng này chưa được Bộ Y tế cấp phép, em là mua xách tay về. Chỉ có Molnupiravir 400mg là được cấp phép cho thử nghiệm của Việt Nam. Còn hàng của Nga này là em xách tay về bán cho dân để uống nên không có giấy tờ. Người dân họ sử dụng cũng rất nhiều, cả Favi 400 nữa”- người bán chia sẻ.
Coi Molnupiravir là “thần dược” – Lợi bất cập hại
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, vừa qua, Đại học này đã thực hiện một nghiên cứu về hiệu quả của Molnupiravir trên 1.500 bệnh nhân F0 chưa tiêm ngừa đủ vaccine COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào thử nghiệm Molnupiravir trên người dưới 50 tuổi và tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine để cho thấy thuốc này có hiệu quả với nhóm người này. Kết luận của nhóm nghiên cứu là nên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân, tiêm đủ 2 mũi vaccine.
TS Dũng cũng thông tin, các tài liệu từ nước ngoài cho thấy, nhiều quốc gia chỉ dùng Molnupiravir cho người cao tuổi (trên 60 tuổi) và có bệnh nền như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim…và người chưa tiêm đủ vaccine. Một số tài liệu còn ghi nhận, việc lạm dụng thuốc này có khả năng gây đột biến (dù nguy cơ thấp) và một số tác dụng phụ khác. Vì vậy, chỉ nên chấp nhận nguy cơ đột biến này nếu thực sự có là F0 nguy cơ cao, còn nếu nguy cơ không cao thì không nên dùng.
“Thuốc Molnupiravir có lợi ích nhưng mà chỉ lợi ích cho những người có nguy cơ cao thôi. Còn những người mà có nguy cơ thấp và đã tiêm ngừa rồi, lại là người trẻ nữa dùng chỉ có hại mà không có lợi gì hết. Hại cho người đó, hại là dẫn đến kháng thuốc, hại cho việc chống biến chủng mới và hại là dẫn đến thiếu thuốc cho những người thực sự cần”.
Tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, TP.HCM hiện còn 50 liều Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Hồ Hữu Đức- Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, trước đây, nhiều bệnh nhân ngại ký vào bản cam kết sử dụng thuốc Molnupirivir nên không dùng. Thế nhưng, sau này nhiều người dân nghe thông tin những kết quả hiệu quả ban đầu về tải lượng virus thấp, giảm chuyển nặng nên đã tự mua trên mạng để uống. Bệnh viện cũng đã lường trước khả năng sẽ có những tiêu cực, đặc biệt sau thông tin vi phạm ở quận Bình Tân và Tân Phú nên đã theo dõi, kiểm tra việc dùng thuốc rất chặt chẽ. Bệnh nhân phải có hồ sơ bệnh án vào viện, phải ký cam kết, được theo dõi sau khi phát thuốc, không để xảy ra thất thoát.
“Bị nhiễm bệnh ở ngoài cộng đồng hoặc cách ly tại nhà thì nên báo với địa phương, để họ đánh giá và xem xét đủ tiêu chuẩn đưa thuốc cho mình sử dụng. Tránh việc mua trên mạng hoặc có những thông tin truyền tai nhau không chính xác, lợi bất cập hại, có thể mua nhầm thuốc giả dẫn đến các tác dụng phụ”- Bác sĩ Đức khuyến cáo.
Thuốc kháng virus có tác dụng giảm tải lượng virus, nằm trong chương trình do Bộ Y tế thực hiện thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ ở 22 địa phương, trong đó có TP.HCM. Tất cả các thuốc Molnupiravir đang được quảng cáo, rao bán đều bất hợp pháp, không được cấp phép và rất dễ làm giả. Thuốc thử nghiệm có các tiêu chuẩn kiểm soát rất chi tiết, chặt chẽ. Vì vậy, tình trạng xem Molnupiravir là “thần dược” sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, tốn tiền vô ích cho người dân, chỉ lợi cho người đầu cơ và buôn lậu./.