Liên Hợp Quốc và những thách thức toàn cầu mới

Khai mạc vào trung tuần tháng 9, Đại hội đồng LHQ khoá 66 đang thảo luận những vấn đề nóng bỏng của toàn cầu.

Từ những mục tiêu phát triển chung, phi hạt nhân, chống khủng bố  đến việc giải quyết những vấn đề quốc tế đang được dư luận quan tâm như thiết lập hoà bình và an ninh cho những điểm nóng xung đột… Thế giới đang đứng trước những thách thức mới cần phải có những phương thức tổ chức và giải quyết mới.

“Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng và các nhà lãnh đạo toàn cầu cần có hành động để cứu hành tinh. Cứu hành tinh, giúp con người thoát khỏi đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - đó là một cuộc đấu tranh”.  Đây là thông điệp mà Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh phiên khai mạc hôm 21/9, tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Sự có mặt của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các quốc gia thành viên tại cuộc thảo luận thường niên cũng cho thấy tầm quan trọng của khoá họp này.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon phát biểu tại Đại hội đồng LHQ khóa 66 (Ảnh AP)

Đúng như vậy, thế giới hôm nay đang phải đối mặt với muôn vàn vấn đề phức tạp, từ khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu đến những thảm hoạ lớn nhỏ của thiên tai, của xung đột và của cả những vụ “nhân tai” khiến sự an toàn của nhân loại bị đe doạ nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Trong đó, khủng hoảng kinh tế- tài chính có vẻ như đang trầm trọng hơn mà thực sự chưa có một giải pháp hữu hiệu để đối phó. Tác động của những bất ổn kinh tế toàn cầu không chỉ làm cho đời sống của người dân, kể các các nước giàu và nước nghèo,  trở nên khó khăn hơn, nó còn tạo ra rất nhiều biến động chính trị, dẫn đến các xung đột đẫm máu ở nhiều nơi trên thế giới.

Một loạt khó khăn, thách thức chưa từng có đã xảy ra cho thấy thế giới đang khủng hoảng về dường lối phát triển.

Bới vậy, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đã nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững, bám sát các “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”  là quyết định “đầu tiên và quan trọng nhất” mà cộng đồng quốc tế cần phải đưa ra để định hình thế giới ngày mai. Chương trình nghị sự của Đại hội đồng LHQ khóa 66 bởi vậy đã được ấn định sẽ gồm gần 170 đề mục mà bao trùm lên một số vấn đề then chốt vẫn là các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngay sau khi khoá họp 66 được khai mạc, tại trụ sở LHQ đã diễn ra Hội nghị chuyên đề cấp cao về Hợp tác quốc tế chống khủng bố nhằm củng cố quyết tâm chung trong cuộc chiến cam go này để xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Ngoại giao phòng ngừa để thông qua hệ thống cảnh báo sớm và những can thiệp khôn khéo nhằm ngăn chặn những cuộc xung đột, giúp các dân tộc khỏi rơi vào chiến tranh và lãng phí các nguồn tài nguyên là điều được đề cập trong các hội nghị của LHQ. Ngoại giao phòng ngừa có thể bằng nguồn lực ít nhất mà có thể đạt được những kết quả cụ thể giúp cứu được nhiều sinh mạng và bảo vệ được những thành quả phát triển.

Theo tính toán mà Ngân hàng Thế giới, thiệt hại trong một cuộc nội chiến phải tương đương hơn 30 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một nước đang phát triển cỡ trung bình. Và ngoại giao phòng ngừa đã từng ngăn chặn được xung đột ở các nước Guinea, Nigeria và nhiều nước ở Tây Phi với chi phí chưa đầy 8 triệu USD/năm.

Và trên hết, muốn đối phó hiệu quả hơn với các vấn đề toàn cầu, tổ chức LHQ phải được cải tổ. Đây là một tiến trình phức tạp và hầu như chưa đạt được bất kỳ tiến bộ có tính bước ngoặt nào. Cơ chế vận hành của Hội đồng Bảo an LHQ sau 6 thập kỷ rõ ràng đã  bộc lộ nhiều bất cập cần chỉnh sửa.

Do đó, phiên thảo luận chung cũng như các hội nghị của khoá họp 66 Đại Hội đồng LHQ bởi vậy được coi là cơ hội để các nước thành viên LHQ đưa ra những đề xuất của mình. Nếu không thúc đẩy nhanh quá trình cải tổ LHQ, thế giới rất khó đối phó hiệu quả với những thách thức gay gắt như hiện nay. Đây là điều mà nhân loại mong muốn lãnh đạo mọi quốc gia cần phải hành động một cách có trách nhiệm hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên