Mỹ và đồng minh phải mở bao nhiêu mặt trận chống IS?
VOV.VN - Bất chấp các nỗ lực đối phó của quốc tế, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan vẫn đang bành trướng từ Trung Đông sang nhiều khu vực khác.
Trong động thái mới nhất, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 19/7 tuyên bố nước này sẽ tăng cường vai trò trong liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành tại Trung Đông và nhiều khu vực khác.
Theo đó, Anh có thể mở rộng các chiến dịch không kích nhằm vào các căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng sang lãnh thổ Syria, hành động mà quốc hội nước này đã bác bỏ hồi năm 2013.
Nhà nước Hồi giáo biểu dương lực lượng trên đường phố ở Raqqa, Bắc Syria hồi tháng 6/2014 (ảnh: AP). |
Hiện quân đội Anh cũng đã bắt đầu các hoạt động hỗ trợ cho các chiến dịch không kích của đồng minh trên lãnh thổ Syria nhưng mới chỉ tập trung vào hậu cần, tiếp dầu trên không và trinh sát, tình báo. Với tuyên bố trên, có thể thấy rằng bên cạnh Iraq, Syria đang trở thành mặt trận quan trọng thứ hai trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng mà Mỹ và phương Tây đang nỗ lực tiến hành.
Tuy nhiên, các diễn biến gần đây cho thấy, cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng do Mỹ chỉ huy gặp nhiều thách thức mới khi hoạt động của tổ chức cực đoan này đang lan nhanh sang nhiều khu vực khác trên quy mô toàn cầu.
Sáng sớm 19/7, ít nhất 4 quả bom nhằm vào xe ô tô của các quan chức nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas và một số nhóm Hồi giáo khác đã phát nổ làm rung chuyển Dải Gaza. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này nhưng mọi nghi ngờ đang đổ dồn về Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Các nhân chứng cũng cho biết đã xuất hiện một lá cờ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng gần địa điểm xảy ra các vụ đánh bom. Trước đó, trong một tuyên bố phát trên mạng, tổ chức này cũng đe dọa sẽ biến Dải Gaza thành một mặt trận cực đoan mới.
Trong khi đó, giới chức Saudi Arabia cuối tuần qua cũng xác nhận phá vỡ một nhóm khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang âm mưu tấn công tại nước này.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia Mansour Al-Turki cho biết: “Tính đến nay, chúng tôi đã bắt giữ 431 người liên quan đến tổ chức này. Hiện lực lượng an ninh của chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra, bất cứ cá nhân nào liên quan đến tổ chức cực đoan này cũng sẽ bị bắt giữ. Tất cả những người bị bắt giữ vừa qua đều là thành viên của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng”.
Không chỉ tại Trung Đông, hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác cũng đang đẩy một khu vực khác là Trung Á đứng trước nguy cơ bất ổn mới. Giới chức Mỹ cho rằng, các tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng của các nhóm thánh chiến tại Afghanistan có thể khiến Nhà Trắng phải thay đổi kế hoạch rút quân khỏi nước này.
Theo đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng có thể sáp nhập các nhóm cực đoan tại Afghanistan, tuyên bố mở rộng lãnh thổ và kịch bản Iraq hiện nay sẽ lặp lại nếu Mỹ rút quân như dự kiến.
Theo truyền thông phương Tây, các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và một số phong trào Hồi giáo cực đoan đang hoạt động mạnh mẽ tại khu vực biên giới giữa Afghanistan với Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan.
Theo một số chuyên gia phân tích quốc tế, các tay súng Hồi giáo khu vực với sự hỗ trợ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hoàn toàn có thể tạo ra sự hỗn loạn, đẩy khu vực này vào bất ổn, tuyên bố thành lập một Nhà nước Hồi giáo độc lập mới, hoặc trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng khu vực Trung Đông.
Giới chức quân sự Mỹ cũng khuyến cáo Nhà Trắng nên đánh giá lại tương lai quan hệ quân sự với Afghanistan, có thể biến quốc gia này thành một tiền đồn chống khủng bố để ngăn chặn sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng lan sang khu vực Trung Á và Nam Á.
Mặc dù gánh chịu một số thất bại trên mặt trận Syria nhưng hoạt động của tổ chức cực đoan này lại được đẩy mạnh ở các khu vực khác. Thực tế trên cho thấy, với chiến lược hiện nay Mỹ và liên minh quân sự chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng sẽ còn phải mở thêm nhiều mặt trận khác và cuộc chiến này sẽ khó có hồi kết./.