Nhóm G7 phản đối Trung Quốc lấn biển phi pháp
VOV.VN - Hành động của Trung Quốc cải tạo bãi đá tiếp tục vấp phải sự phản đối của thế giới. Riêng Philippines còn dùng thêm chiến tranh video để đối phó.
1. Lãnh đạo 7 nước lớn kịch liệt phản đối Trung Quốc lấn biển ở Biển Đông
Trung Quốc đang cải tạo phi pháp trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh: Reuters) |
G7 phản đối mọi hành động hăm dọa, cưỡng ép và vũ lực cũng như đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên quy mô lớn.
Thông cáo của Hội nghị nhóm các quốc gia công nghiệp G7 tổ chức ở miền nam nước Đức có đoạn: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình cũng như việc sử dụng các đại dương thế giới một cách tự do, hợp pháp và không bị cản trở”.
Các lãnh đạo G7 khẳng định: “Chúng tôi cực lực phản đối hành vi hăm dọa, cưỡng ép, và sử dụng vũ lực cũng như các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, như là cải tạo bãi đá trên quy mô lớn”.
Thông cáo không nói đich danh Trung Quốc nhưng cách diễn đạt của nó ám chỉ rõ ràng tới hoạt động của Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc hôm 11/6, Lầu Năm Góc cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động xây đảo. Bộ trưởng Carter kêu gọi Trung Quốc hãy ngừng cải tạo bãi đá và quân sự hóa lãnh thổ tranh chấp và theo đuổi giải pháp dựa trên luật quốc tế.
Ngày 9/6, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng trước việc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra Tuyên bố chung trong đó phản đối hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cùng với việc bao biện cho hành động xây dựng trái phép ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng các nước bên ngoài không được can thiệp vào công việc được cho là trong phạm vi "chủ quyền" của nước này.
Trong bối cảnh căng thẳng đó trên Biển Đông, Philippines và Nhật Bản quyết định tập trận hải quân chung gần bãi cạn Scarborough. Đây sẽ là cuộc tập trận thứ 2 giữa lực lượng hải quân hai nước trong vòng hơn 1 tháng qua.
Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 22-26/6. Đây sẽ là cuộc tập trận thứ 2 giữa lực lượng hải quân hai nước trong vòng hơn 1 tháng qua.
Trận chiến giữa 2 bên lan mạnh sang lĩnh vực truyền thông, khi Philippines hôm 12/6 sẽ phát một bộ phim tài liệu 3 phần nhằm bảo vệ quan điểm của nước này về vùng Biển Đông tranh chấp.
Động thái này nhằm “đốp lại” loạt phim tài liệu của Trung Quốc về cái gọi là đường 9 đoạn của Bắc Kinh.
2. Dịch MERS diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc
Dịch MERS tại Hàn Quốc (ảnh: SCMP) |
Chuyên gia WHO cho biết đợt dịch ở Hàn Quốc khá phức tạp và dự báo sẽ còn những ca mắc mới.
Bộ Y tế Hàn Quốc sáng 13/6 thông báo có thêm 12 ca mắc virus gây Hội chứng suy hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), nâng tổng số bệnh nhân lên 138. Trong số 12 ca mắc mới có một lái xe cứu thương tham gia vận chuyển người bệnh.
Trước đó, nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Park Geun-hye vừa quyết định hoãn chuyến thăm sắp tới đến Mỹ để tập trung vào việc kiểm soát, ngăn chặn càng sớm càng tốt, không cho dịch bệnh MERS lan rộng vì sự an toàn của người dân.
3. Mỹ điều chỉnh chiến lược trong cuộc chiến chống IS, tăng quân cho Iraq
Tổng thống Obama thay đổi chiến thuật, tăng quân cho Iraq chống phiến quân IS (ảnh: AP) |
Theo Thời báo New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định thay đổi chiến lược tại Iraq sau thất bại của lực lượng quân đội Iraq.
Dù không thừa nhận thất bại, song chính phủ Mỹ cũng đang có những điều chỉnh trong chiến lược chống lại nhóm cực đoan này, mà trước tiên là tăng cường huấn luyện cho các lực lượng an ninh Iraq, đặc biệt là người Hồi giáo dòng Sunni như từng làm hồi năm 2006 trong cuộc chiến chống Al Qaeda và không loại trừ khả năng gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực, một khả năng mà tới nay Mỹ vẫn bác bỏ.
Hôm 10/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu triển khai thêm 450 binh lính Mỹ tới Iraq và thiết lập một trại huấn luyện mới ở tỉnh Anbar nước này.
4. Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine, o ép Nga
Lính Ukraine ở vùng Donetsk (ảnh: Reuters) |
Theo bà Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, thách thức lớn nhất hiện nay là tiếp tục gây sức ép với Nga nhằm đảm bảo việc thực thi thỏa thuận Minsk sẽ được đẩy nhanh hơn. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, bà Power nhắc lại thông điệp phát đi sau hội nghị cấp cao Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) vừa diễn ra tại Đức, trong đó khẳng định, các lệnh trừng phạt hiện nay nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được duy trì cho tới khi thỏa thuận Minsk được thực thi.
Thế nhưng nhiều quốc gia NATO dù muốn giúp Ukraine nhưng ngại Nga. Chưa đến một nửa số người được hỏi ở Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, và Đức ủng hộ sử dụng vũ lực để bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp có yếu tố Nga. Công dân một số quốc gia thành viên NATO đổ lỗi cho Nga về khủng hoảng Ukraine nhưng lại lưỡng lự về việc chính phủ nước mình cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine hoặc nước thành viên NATO khác trong trường hợp bị Nga tấn công.
Trong khi đó, giao tranh tiếp diễn tại miền Đông Ukraine đe dọa thỏa thuận Minsk. Tình hình đặc biệt căng thẳng ở khu vực xung quanh sân bay gần thành phố Donetsk, nơi phe đối lập kiểm soát.
5. Chu Vĩnh Khang bị kết án chung thân
Chu Vĩnh Khang trong phiên xử ở Thiên Tân (Ảnh: CCTV) |
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc đã bị kết án chung thân hôm 11/6 với các tội danh nhận hối lộ, lạm quyền và để lộ bí mật quốc gia.
Chu Vĩnh Khang năm nay 72 tuổi, đã từng làm Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư chính Pháp Trung ương Trung Quốc, sẽ bị tước vĩnh viễn quyền tham gia chính trị và bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Tháng 8/2013, chính quyền Trung Quốc mở một cuộc điều tra nhắm vào Chu Vĩnh Khang như một phần của chiến dịch chống tham nhũng tiếp sau vụ Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh bị cách chức vì bê bối chính trị và tham nhũng.
Vụ xét xử bí mật trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã làm lộ tẩy không chỉ nạn tham nhũng tràn lan tại Trung Quốc ở cấp cao nhất mà còn cả mối liên hệ giữa các quan chức cấp cao nước này với một nhân vật pháp sư có biệt danh “nhà hiền triết Tân Cương”.
6. EU cạnh tranh với Trung Quốc ở Mỹ Latin
Liên minh châu Âu tìm cách ứng phó với ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ Latin và Caribe quy tụ lãnh đạo từ 61 quốc gia châu Âu, châu Mỹ Latin và vùng Caribe đã bế mạc ngày hôm 11/6 (tức sáng sớm 12/6 theo giờ Hà Nội) tại Brussels, Bỉ.
Hội nghị đã đưa ra cam kết nhiều cam kết hợp tác thương mại, du lịch, trong đó có nguồn tài trợ 800 triệu USD từ phía Liên minh châu Âu dành cho Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và vùng Caribe. Con số 800 triệu USD này trên thực tế không thấm tháp gì với con số 250 tỷ USD mà phía Trung Quốc mới cam kết dành cho khu vực Mỹ Latin cách đó không lâu.
7. Cảnh sát Malaysia lùng bắt 6 du khách khỏa thân trên núi thiêng
Đám du khách phương Tây "chơi ngông" bằng việc thi nhau chụp nude trên đỉnh núi lạnh giá của Malaysia (ảnh: Telegraph) |
Dư luận phương Tây nói chung và các nước Anh, Canada, Hà Lan nói riêng cũng như Malaysia tuần vừa rồi đặc biệt chú ý đến vụ 1 nhóm du khách thản nhiên "báng bổ sơn thần" bằng cách thi chụp ảnh khỏa thân trên ngọn núi thiêng của Malaysia. Cảnh sát Malaysia sau đó đã bắt 4 người trong số họ và truy lùng 6 người còn lại
Sau vụ bắt nữ du khách khỏa thân trên núi Malaysia, các du khách cần chú ý đến một số điều khi đi ra nước ngoài để tránh đẩy mình vào vòng lao lý.
8. Mỹ cam kết đàm phán hạt nhân Iran bất kể sóng gió liên quan Israel
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu |
Israel luôn nỗ lực bằng nhiều phương thức, như tình báo, để cản phá thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Tehran.
Tuyên bố cam kết của Mỹ được đưa ra sau khi xuất hiện nghi án rằng Israel, đồng minh thân cận của Mỹ, đã do thám các cuộc đàm phán này.
Vừa xuất viện sau chấn thương chân, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 12/6 cho biết, ông vẫn theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 và sẽ sớm xuất ngoại để tham dự các cuộc đàm phán sắp tới.
9. Bà Hillary Clinton: “Tôi sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ”
Bà Clinton phát biểu trước những người ủng hộ (Ảnh Reuters) |
Trong cương lĩnh tranh cử ngày 13/6, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton cam kết đấu tranh vì một xã hội công bằng hơn cho người lao động Mỹ.
Theo Reuters, trong lần vận động tranh cử Tổng thống này, bà Clinton đã nhắc đến rất nhiều vấn đề cốt lõi trong xã hội Mỹ hiện nay và bày tỏ sự ủng hộ đối với hôn nhân đồng giới, nữ quyền, sử dụng năng lượng sạch cũng như giám sát chặt chẽ thị trường phố Wall.
Bà Clinton, phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ Bill Cliton, đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, sự ủng hộ này bị suy giảm đáng kể khi nhiều người Mỹ cho rằng bà không đáng tin cậy sau bê bối dùng email các nhân để làm việc khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ cũng như việc bà nhận tiền từ nước ngoài cho quỹ Clinton./.