Thế giới 7 ngày:

Philippines kiện Trung Quốc, Triều Tiên dọa phóng tên lửa

(VOV) -Vụ kiện chưa từng có tiền lệ, tàu tuần duyên Nhật Bản đuổi tàu Đài Loan, Pháp- Mali trấn áp phiến quân...

Trong cuộc họp báo ngày 22/1, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario tuyên bố nước này đã đưa vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như bao trọn Biển Đông, gồm cả khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền, lên tòa án Liên Hợp Quốc theo Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 (Ảnh Reuters). Giới luật sư quốc tế gọi đây là vụ kiện“bất ngờ và chưa từng có tiền lệ”.Trong khi Philippines kêu gọi người dân thể hiện tinh thần yêu nước và hậu thuẫn cho quyết định của chính phủ,
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á.

Chủ tịch Đảng Công minh Mới Natsuo Yamaguchi đã thăm Trung Quốc và diện kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 25/1. Tại cuộc gặp, ông Yamaguchi cũng đã chuyển một bức thư của Thủ tướng Shinzo Abe tới Tổng Bí Thư Tập Cận Bình
Bức thư tay của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được gửi cho Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong bối cảnh quan hệ hai nước đang rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới xung quanh tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Sensaku/Điếu Ngư. (Ảnh Reuters)

Quan hệ Nhật- Trung tiếp tục căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phát biểu trên truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Abe nêu rõ: "Quần đảo Senkaku thuộc lãnh thổ Nhật Bản và không tồn tại cái gọi là bảo lưu hoặc trì hoãn vấn đề này cho thế hệ sau". Trong khi đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/1 cho rằng, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề đảo Điếu Ngư là nhất quán và rõ ràng, và "Nhật Bản cần phải nhìn thẳng vào lịch sử và thực tế". Liên Hợp Quốc cho biết đang có kế hoạch xem xét liệu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có xác thực về mặt khoa học hay không. Trong ảnh: Tàu tuần duyên Nhật Bản dùng vòi rồng xua đuổi tàu Đài Loan ra khỏi vùng quần đảo (Reuters). 

Hàng trăm nghìn người trên toàn Ai Cập đã xuống đường biểu tình nhân kỷ niệm 2 năm diễn ra làn sóng biểu tình, được gọi là cuộc “Cách mạng ngày 25/1” lật đổ chính quyền của Cựu Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011 (Ảnh Reuters). Sau 2 năm, người dân Ai Cập vẫn chưa có một tương lai tươi sáng như mong đợi. Hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo động vẫn diễn ra phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Mursi.

Ngày 24/1, Hãng KCNA dẫn thông báo của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân "cấp độ cao hơn" và tiếp tục phóng "một loạt vệ tinh và tên lửa tầm xa" khác. Ngay lập tức nhiều nước đã có phản ứng với tuyên bố này. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên "kiềm chế". Ngày 24/12/2012 ảnh vệ tinh được Geo Eye cung cấp cho thấy cơ sở hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Điều này và các hình ảnh vệ tinh khác gần đây cho thấy Bắc Triều Tiên có thể là gần như đã sẵn sàng để thực hiện lời đe dọa tiến hành một vụ thử hạt nhân (Ảnh: AP/GEo Eye)


Ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden chính thức làm lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 trước công chúng, tại cánh phía Tây của Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Washington (Ảnh Reuters). Trong bài diễn văn nhậm chức kéo dài gần 20 phút sau đó, Tổng thống Obama đã nhắc lại các quyền cơ bản lâu dài theo quy định của Hiến pháp Mỹ, đó là quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Ông Obama đồng thời đề cập một số vấn đề cấp bách của đất nước, nhấn mạnh tới sự đoàn kết trong bối cảnh nước Mỹ ngày càng bị chia rẽ sâu sắc và sự bình đẳng xã hội, nhất là đảm bảo các quyền lợi của phụ nữ, bé gái và những người đồng giới. 

Diễn đàn Kinh tế thế giới khai mạc tại Davos (Thụy Sỹ) với sự góp mặt của khoảng 50 lãnh đạo và hơn 1.500 doanh nghiệp các nước diễn ra từ 22-26/1/2013Thực trạng nền kinh tế châu Âu cũng như vấn đề Anh ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) là một trong những chủ đề chính được thảo luận. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng David Cameron cho biết, việc ông đưa ra những đề xuất cải cách quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu là cần thiết cho cả châu Âu và nước Anh. Ông Cameron tái khẳng định cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, viễn cảnh về sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào việc giới lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và EU có đưa ra được những quyết định đúng đắn hay không. (Ảnh: Bà Lagarde phát biểu tại Hội nghị- Reuters)

Các lực lượng đặc nhiệm Pháp và Mali vào tối 26/1, theo giờ địa phương, đã chiếm được sân bay quốc tế và một cây cầu chiến lược tại thành phố Gao, căn cứ chủ chốt của phiến quân Hồi giáo ở miền Bắc Mali, trong một chiến dịch không kích liên tục kéo dài suốt hơn hai tuần qua. Ảnh: Liên quân Pháp- Mali đẩy lùi lực lượng phiến quân- Reuters). Ngày 25/1, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp cho Mali nhằm ngăn chặn tình hình nhân đạo ở nước này ngày một xấu đi. Theo báo cáo của cơ quan này, hiện đã có hơn 400.000 người dân Mali phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi xung đột xảy ra tại nước này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên