Sức hẫp dẫn của TPP

Lợi ích mà Hiệp định mang lại đang thu hút nhiều nước tham gia bởi họ không muốn chậm chân trong việc kết nối với khu vực kinh tế năng động này.

Tại Hội cấp cao APEC 19 diễn ra trong 2 ngày (12 - 13/11) tại Hawaii (Mỹ), chủ đề đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận chính là việc hiện thực hoá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được coi là cơ sở cho việc xây dựng Khu vực Tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Hiệp định này được thực hiện theo sáng kiến mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Singapore hồi tháng 11/2009.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân với Tổng thống Mỹ B.Obama và phu nhân (Ảnh: Reuters)

Tại Hội nghị cấp cao APEC 19 này, lãnh đạo của 9 nước tham gia đàm phán về TPP gồm: Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã công bố việc đạt được thoả thuận về khung tổng thể của Hiệp định.

Nội dung chính của Hiệp định bao gồm: Thứ nhất, khi tham gia Hiệp định TPP, hàng hoá các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế. Các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng.

Thứ hai, xây dựng một Hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên.

Thứ ba, hình thành khung Hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC và các Diễn đàn khác và bằng việc đưa vào TPP 4 vấn đề mới và mang tính xuyên suốt gồm: gắn kết môi trường chính sách, năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển.

Thứ tư, coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP. Các công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề thương mại mới tiềm ẩn cần giải quyết để có thể thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo tất cả các nền kinh tế các nước TPP đều được hưởng lợi.

Ngoài ra, các vấn đề thương mại liên quan tới tăng trưởng xanh cũng được xem xét nhằm đảm bảo các nước TPP tiếp tục giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực này. Thứ năm, xây dựng TPP thành một hiệp định mở. Các nhóm đàm phán TPP đang thiết lập một cấu trúc, thể chế và quy trình cho phép hiệp định này tiếp tục phát triển để đáp ứng những tiến triển mới trong thương mại, công nghệ hoặc các vấn đề và thách thức mới nổi khác.

Sức hấp dẫn của TPP chính ở chỗ nó có tiềm năng trở thành một hình mẫu cho các Hiệp định thương mại tự do trong tương lai. Trong đó giải quyết được rất nhiều vấn đề như tự do hoá thương mại và đầu tư, các vấn đề thương mại mới và truyền thống. Mặt khác, 9 nền kinh tế hiện đang tham gia đàm phán về TPP là những nền kinh tế năng động thuộc 3 châu lục, chiếm 1/4 sản lượng kinh tế thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 16.000 tỷ USD và một thị trường với 472 triệu dân. Vì thế, không khó hiểu khi TPP đang thu hút ngày càng nhiều nước tham gia, bởi họ đều nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh các nước đều ít nhiều phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Mỹ thúc đẩy việc hiện thực hoá TPP bởi Hiệp định này mở ra nhiều thị trường mới, tạo thêm sức sống cho kinh tế Mỹ đang khủng hoảng, đồng thời hứa hẹn thêm hàng triệu việc làm. Về phía Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - trước khi lên đường tới Hawaii, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã công bố quyết định tham gia TPP với lập luận rằng, việc tham gia một thị trường tự do sẽ giúp các ngành công nghiệp hàng đầu của Nhật sống còn và phát triển mạnh. TPP có lợi cho các nhà sản xuất của Nhật Bản khi thuế nhập khẩu trong thị trường này bị bãi bỏ hoàn toàn, giúp sản phẩm xe hơi, tivi, máy móc và máy điện tử của Nhật sẽ tràn ngập thị trường TPP.

Tất nhiên, khi tham gia TPP không phải không có thách thức đối với các nước, đặc biệt trong những lĩnh vực kinh tế đang được bảo hộ. Ví như khu vực nông nghiệp của Nhật Bản vốn đang được chính phủ bảo vệ tối đa sẽ phải cạnh tranh khốc liệt khi thuế suất giảm xuống 0%.

Dù vậy, các nước đều cho rằng, TPP là một thoả thuận chiến lược, đảm bảo cho họ trở thành một phần trong tiến trình ra quyết sách trong khu vực. Chính vì thế, từ 8 nước đàm phán ban đầu là Australia, New Zealand, Chili, Peru, Mỹ và 3 nước ASEAN là Brunei, Singapore và Việt Nam, nay đã có thêm Malaysia và sắp tới là Nhật Bản tham gia TPP. Chưa kể một số nước khác cũng bày tỏ nguyện vọng tham gia để đảm bảo rằng họ không bị “đứng ngoài cuộc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên