Thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran liệu có được phá vỡ?

VOV.VN - Dư luận kỳ vọng cách tiếp cận mềm dẻo trong giải quyết vấn đề hạt nhân của tân Tổng thống Iran sẽ mang lại kết quả.

Kể từ khi tân Tổng thống Hassan Rowhani đắc cử, gần đây, Iran liên tục có những tuyên bố và động thái cho thấy thiện chí thúc đẩy tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Trong khóa họp thường niên lần thứ 57 Đại Hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA đang diễn ra tại Viene, Áo, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cũng có tuyên bố khẳng định, nước này sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Cơ quan Liên Hợp Quốc nhằm làm sáng tỏ bản chất chương trình hạt nhân của Iran.

Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani (Ảnh: Press TV)

Dư luận đánh giá, tân Tổng thống Iran đang xúc tiến cách tiếp cận mới mềm dẻo hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân nhằm tháo gỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, từ đó vực dậy nền kinh tế trong nước. Tuy vậy, liệu thiện chí của Iran có biến thành hành động cụ thể và các bên có tháo gỡ được thế bế tắc hiện nay trong cuộc đàm phán chính thức giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế vào ngày 27/9 tới đây?

Thiện chí từ Iran

Phát biểu tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại thành phố Viene của Áo, khi tham gia khóa họp thường niên lần thứ 57 Đại Hội đồng của Cơ quan này, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi khẳng định, Iran sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Cơ quan Liên Hợp Quốc nhằm làm sáng tỏ bản chất chương trình hạt nhân của nước này. Đây được xem là một động thái nhằm làm dịu căng thẳng với các cường quốc phương Tây, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán chính thức giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này vào ngày 27/9 tới.

Ông Salehi nói: “Tôi  muốn gửi đi một thông điệp của Tổng thống mới đắc cử Iran rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Mong muốn của chúng tôi là chấm dứt cái được gọi là hồ sơ hạt nhân Iran”.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cũng một lần nữa khẳng định quyền “không thể tước bỏ” của nước này được phát triển hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, ông Salehi thông báo rằng, khả năng nước này ngừng hoạt động làm giàu urani sẽ là một trong những vấn đề được thảo luận tại các cuộc đàm phán sắp tới. Bên cạnh cuộc gặp tại Viene, các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) cũng sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Trước đó trong một tuyên bố mới đây, Iran tuyên bố đã giảm mạnh lượng dự trữ urani được làm giàu ở cấp độ 20% bằng cách chuyển đổi thành nhiên liệu cung cấp cho lò phản ứng. Cụ thể, các kho dự trữ urani của Iran đã giảm từ 240kg xuống khoảng 140kg do được chuyển đổi thành nhiên liệu phục vụ một lò phản ứng nghiên cứu y học; trong khi số urani còn lại cũng sẽ được chuyển đổi sau đó. Tuyên bố này vừa nhằm xoa dịu những lo ngại của phương Tây về việc Iran tiếp tục sản xuất urani 20% được làm giàu lên cấp độ cao hơn, và cũng gần hơn với cấp độ 90% cần thiết để chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Lý do Iran “xuống nước”?

Nếu theo dõi tình hình Iran có thể thấy, kể từ khi nước này có tân Tổng thống là ông Hassan Rowhani, không chỉ vấn đề hạt nhân mà trong chính sách đối ngoại nói chung, Iran đã thể hiện một sự thay đổi theo hướng mềm dẻo và mở cửa hơn với thế giới bên ngoài. Đặc biệt sự thay đổi thể hiện rõ rét nhất trong cách xử lý vấn đề hạt nhân của tân Tổng thống Rowhani.

Nguyên nhân chính của sự thay đổi này chính là mục tiêu vực dậy nền kinh tế trong nước vốn đang trì trệ, kém phát triển do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt trong nhiều năm qua. Điều này đã được tân Tổng thống Iran đặt ra khi tranh cử cũng như sau khi đắc cử.

Nhìn lại thời điểm ngay từ khi ông Rowhani đắc cử Tổng thống, đồng rial của Iran đã tăng 6% giá trị so với đồng USD. Người dân lúc đó cũng đã hy vọng vào một sự thay đổi tích cực trong nền kinh tế và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Bởi họ tin tưởng vào vị tân tổng thống theo đường lối ôn hòa có tư tưởng cải cách, từng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, và đã không ngần ngại hứa hẹn sẽ mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cũng như cam kết đoạn tuyệt hoàn toàn với các chính sách đang đẩy Iran vào thế đối đầu với phương Tây.

Rõ ràng, để đạt được mục tiêu cứu vãn nền kinh tế đang ngày càng trì trệ, để giữ vững hình ảnh trong lòng cử tri đã ủng hộ, thì nhiệm vụ hàng đầu của ông Rowhani là phải phá vỡ được thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây, giảm bớt các lệnh trừng phạt nặng nề đánh vào nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dầu lửa của Iran.

Vì ngay như trong diễn biến mới nhất, nhằm tiếp tục cảnh cáo Iran, Bộ Tài chính Mỹ ngày 6/9 đã mở rộng diện trừng phạt đối với các doanh nghiệp của Iran bị Mỹ cho là các công ty "bình phong" của Chính phủ Iran ở nước ngoài nhằm trốn tránh lệnh cấm xuất nhập khẩu dầu của Mỹ. Còn Liên minh châu Âu cũng đã quyết định cấm nhập khẩu dầu của Iran từ tháng 7/2012.

Như chúng ta biết thì từ giữa năm 2011, Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran với hy vọng bóp nghẹt nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này. Do lệnh cấm của Mỹ, nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa của Iran trong 6 tháng đầu năm 2013 này đã giảm 58%, xuống chỉ còn 3,4 tỷ USD.

Tiến thoái lưỡng nan

Để đạt được mục tiêu phá vỡ thế bế tắc hạt nhân với phương Tây từ đó vực dậy nền kinh tế, ông Rowhani chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Giới phân tích đánh giá đây là thế tiến thoái lưỡng nan, khi ông Rowhani vừa phải làm sao để Mỹ và phương Tây gật đầu đồng ý cho chương trình làm giàu urani mở rộng của nước này mà không phải thỏa hiệp và nhượng bộ quá nhiều.

Trong khi đó chắc chắn rằng, Mỹ và phương Tây khó có thể chấp nhận những điều khoản dễ dàng dành cho Iran. Dễ hiểu bởi từ việc trầm trọng hóa những hậu quả của chương trình hạt nhân Iran, Mỹ và các nước phương Tây đã có được những thương vụ bán vũ khí khổng lồ cũng như công nghệ hạt nhân cho các nước Arab giàu có, là những nước láng giềng luôn lo sợ mối đe dọa từ Iran.

Thêm nữa, lo lắng nhất của Mỹ là cái bắt tay giữa Syria và Iran cùng với phong trào Hezbollah tại Lebanon với sức mạnh hạt nhân sẽ là cái gai nguy hiểm, ảnh hưởng đến mục tiêu tạo ảnh hưởng của nước này tại khu vực Trung Đông.

Như thế, dù tân Tổng thống Iran đã cam kết tăng tính minh bạch của chương trình hạt nhân, chấp nhận hợp tác với cơ quan năng lượng nguyên tử của Liên Hợp Quốc hay cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận và thanh tra các cơ sở hạt nhân, thì lập trường của Mỹ và phương Tây cũng sẽ khó lòng thay đổi. Bên cạnh đó, bất kỳ sự nhượng bộ của Tổng thống Iran và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân cũng sẽ khó lòng được Quốc hội Iran và những đại diện phe cứng rắn trong nước chấp thuận.

Trong khi vấn đề trong nước còn đang bộn bề thì cuộc khủng hoảng của đồng minh Syria lại thêm một gánh nặng đối ngoại cho tân Tổng thống Rowhani. Trong khi giới bảo thủ ở Iran chỉ trích công khai quyết định của Mỹ về kế hoạch tấn công quân sự Syria, thì ông Rowhani chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc thể hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với Mỹ. Bởi ông hiểu rằng, nếu Iran liên quan và can thiệp sâu đến việc chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria, thì không chỉ bản thân ông bị chỉ trích nặng nề hơn, mà cả Iran cũng sẽ hứng chịu nhiều hơn nữa các lệnh trừng phạt.

Kỹ thuật viên trong cơ sở làm giàu Natanz (Ảnh: Press TV)

Vẫn còn nhiều thách thức

Cuộc thương lượng mới giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA sẽ được tiến hành vào ngày 27/9 tới đây tại Viene, Áo. Đây là vòng đàm phán đầu tiên về hạt nhân của tân Tổng thống Rowhani kể từ khi lên nhậm chức. Một số chuyên gia lạc quan cho rằng, vòng đàm phán lần này diễn ra trong bầu không khí rất tích cực, hoàn toàn khác so với những lần trước.

Trước hết như chúng ta đã biết, Iran đã có một vị Tổng thống mới theo đường lối ôn hòa, có chính sách ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo với mong muốn đối thoại và đặt mục tiêu giảm bớt sự trừng phạt của quốc tế với Iran. Cho dù ông Rowhani chưa sẵn sàng có những nhượng bộ cụ thể về các quyền hạt nhân, nhưng ông thực sự mong muốn đạt được thỏa thuận nào đó để vực dậy nền kinh tế đang bên bờ vực khủng hoảng.

Một yếu tố khác khiến dư luận lạc quan là sự thay đổi nhân sự liên quan đến việc đàm phán hạt nhân của tân Tổng thống Rowhani vừa qua. Trước hết là quyết định bổ nhiệm ông Javad Zarif giữ chức Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân được nhìn nhận như bước đi đầu tiên cho việc nối lại thương lượng với Mỹ và phương Tây, cũng cho thấy thành ý của Tổng thống Iran nhằm giảm bớt sự đối đầu đang tồn tại giữa các bên.

Ông Javad Zarif là một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, từng là Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc; đồng thời cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước phương Tây. Tiếp theo là việc tái bổ nhiệm ông Ali Akbar Salehi vốn đã từng là Bộ trưởng Ngoại giao, làm Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử. Theo giới phân tích, bước đi này nhằm từng bước chuyển giao các cuộc đàm phán hạt nhân vào các quan chức ngoại giao mềm mỏng hơn, thay vì lập trường cứng rắn như cựu Giám đốc Abbasi-Davani.

Tuy nhiên, rõ ràng vẫn còn rất nhiều trở ngại và khó khăn sẽ lại được đặt ra trong vòng đàm phán sắp tới. Ở đó là những bất đồng và nghi kỵ vẫn luôn tồn tại giữa các bên. Thứ nhất, IAEA muốn đạt được thỏa thuận cho phép các thanh sát viên được tiếp cận rộng rãi hơn các cơ sở, cá nhân và tài liệu của Iran để có thể giải tỏa được các nghi ngờ từng được nêu trong bản báo cáo hồi tháng 11/2011. Thứ hai, IAEA yêu cầu Iran đóng cửa các cơ sở ngầm đáng nghi ngờ ở Fordo, nơi Iran bị nghi là chế tạo bom hạt nhân. Và thứ ba là việc ngừng hẳn hoạt động làm giàu urani ở bên ngoài, và có một cơ chế trao đổi urani đã được làm giàu hơn với Iran. Những vấn đề này chắc chắn sẽ là những thách thức lớn cho vòng đàm phán sắp tới giữa Iran và IAEA./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Có tân Tổng thống, Iran cải thiện quan hệ với phương Tây?
Có tân Tổng thống, Iran cải thiện quan hệ với phương Tây?

(VOV) - Người dân đang đặt kỳ vọng vào vị tổng thống mới theo đường lối cải cách và ôn hòa.

Có tân Tổng thống, Iran cải thiện quan hệ với phương Tây?

Có tân Tổng thống, Iran cải thiện quan hệ với phương Tây?

(VOV) - Người dân đang đặt kỳ vọng vào vị tổng thống mới theo đường lối cải cách và ôn hòa.

Nhân sự mới có giúp khai thông vấn đề hạt nhân Iran?
Nhân sự mới có giúp khai thông vấn đề hạt nhân Iran?

VOV.VN - Tân Ngoại trưởng Iran được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân với hy vọng phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

Nhân sự mới có giúp khai thông vấn đề hạt nhân Iran?

Nhân sự mới có giúp khai thông vấn đề hạt nhân Iran?

VOV.VN - Tân Ngoại trưởng Iran được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân với hy vọng phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

Tân Tổng thống Iran đối mặt với nhiều thách thức
Tân Tổng thống Iran đối mặt với nhiều thách thức

(VOV) - Trong đó có việc gỡ bỏ được lệnh cấm vận, trừng phạt của phương Tây và các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân...

Tân Tổng thống Iran đối mặt với nhiều thách thức

Tân Tổng thống Iran đối mặt với nhiều thách thức

(VOV) - Trong đó có việc gỡ bỏ được lệnh cấm vận, trừng phạt của phương Tây và các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân...

Tổng thống đắc cử Iran: Bình mới rượu cũ?
Tổng thống đắc cử Iran: Bình mới rượu cũ?

(VOV) - Tân Tổng thống theo đường lối cải cách, ôn hòa. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng sẽ không có “cuộc lật đổ” nào về chiến lược.

Tổng thống đắc cử Iran: Bình mới rượu cũ?

Tổng thống đắc cử Iran: Bình mới rượu cũ?

(VOV) - Tân Tổng thống theo đường lối cải cách, ôn hòa. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng sẽ không có “cuộc lật đổ” nào về chiến lược.

Chuyên gia nhận định về tân Tổng thống Iran
Chuyên gia nhận định về tân Tổng thống Iran

(VOV) - Trong nhiệm kỳ của mình, có vô số vấn đề phải giải quyết, nhưng ưu tiên số 1 đối với ông Rowhani vẫn là hạt nhân Iran.

Chuyên gia nhận định về tân Tổng thống Iran

Chuyên gia nhận định về tân Tổng thống Iran

(VOV) - Trong nhiệm kỳ của mình, có vô số vấn đề phải giải quyết, nhưng ưu tiên số 1 đối với ông Rowhani vẫn là hạt nhân Iran.

Mỹ gia tăng đòn trừng phạt Iran
Mỹ gia tăng đòn trừng phạt Iran

VOV.VN - Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm nhập khẩu dầu Iran được cho là nhằm “dằn mặt” Tân Tổng thống nước này.

Mỹ gia tăng đòn trừng phạt Iran

Mỹ gia tăng đòn trừng phạt Iran

VOV.VN - Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm nhập khẩu dầu Iran được cho là nhằm “dằn mặt” Tân Tổng thống nước này.

Tân Tổng thống Iran chỉ trích “nhóm con buôn chiến tranh"
Tân Tổng thống Iran chỉ trích “nhóm con buôn chiến tranh"

VOV.VN -Ông Hassan Rowhani nói sẵn sàng đàm phán vấn đề hạt nhân nhưng chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tân Tổng thống Iran chỉ trích “nhóm con buôn chiến tranh"

Tân Tổng thống Iran chỉ trích “nhóm con buôn chiến tranh"

VOV.VN -Ông Hassan Rowhani nói sẵn sàng đàm phán vấn đề hạt nhân nhưng chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế.