Thế giới 7 ngày:

"Thùng thuốc súng" Triều Tiên đang chờ phát nổ?

(VOV) - Thái độ cứng rắn của cả Triều Tiên và Hàn Quốc khiến dư luận lo ngại bán đảo Triều Tiên đang bên miệng hố chiến tranh.


Vào lúc 20h14 phút ngày 13/3 (theo giờ địa phương), tức 2h14 phút rạng sáng 14/3 ( giờ Việt Nam), Hồng y Jean-Louis Pierre Tauran đã xuất hiện trên ban công nhà thờ St. Peter, công bố tên Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo có lịch sử hơn 2.000 năm là Hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, người Argentina. Với việc chọn Hồng y Jorge Mario Bergoglio là vị Giáo hoàng mới, đây là lần đầu tiên sau 1.300, Giáo hoàng không phải là người châu Âu.

Cuộc bầu chọn một Giáo hoàng mới của 115 Hồng y đã diễn ra nhanh hơn dự đoán của nhiều người do sau khi Giáo hoàng Benedict XVI bất ngờ thoái vị, không có một ứng cử viên nào nổi trội cho vị trí người đứng đầu Vatican.

Tân Giáo hoàng của 1,2 tỷ người Công giáo trên thế giới sẽ lấy tước hiệu là Francis I. Ông được biết đến là một người có lối sống giản dị, khiêm nhường và có quyết tâm về công bằng xã hội. Đây cũng là hy vọng của các giáo dân khi Giáo hội đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, scandal lạm dụng tình dục và những cáo buộc về việc đấu đá trong nội bộ tại Vatican. Trong ảnh: Giáo hoàng Francis I vẫy tay chào các giáo dân tại ban công nhà thờ thánh St. Peter (
Ảnh: Reuters).


Ngày 14/3, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) diễn ra tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã  được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc. Trước đó, tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình cũng giành số phiếu cao, trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Sau khi tiến hành bầu Chủ tịch nước, sáng 15/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, phiên họp toàn thể lần thứ 5 kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa 12 đã quyết định bầu ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 Trung Quốc cũng quyết định các chức danh chủ chốt còn lại của Chính phủ Trung Quốc khóa mới do tân Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cử. Theo đó, Chính phủ khóa mới của Trung Quốc sẽ có 4 Phó Thủ tướng và 25 Bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan trực thuộc Chính phủ. 

Sau khi Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khoá 12 bế mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường và 4 Phó Thủ tướng Trung Quốc mới được bổ nhiệm đã có cuộc gặp mặt với báo chí. Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Lý Khắc Cường đã đề cập đến 3 nhiệm vụ ưu tiên cho chính phủ khóa mới trong thời gian tới. Thứ nhất là tiếp tục phát triển kinh tế. Thứ 2 là cải thiện dân sinh, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người dân thành thị và nông thông, nhất là những người có thu nhập thấp. Thứ 3 là thúc đẩy công bằng xã hội. Trong ảnh: Ông Tập Cận Bình (phải) và nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khoá 12 (Ảnh: Tân Hoa xã).


Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng hôm 7/3, tình hình trên bán đảo Triều Tiên như sôi lênMỹ và Hàn Quốc đã và đang tiến hành các cuộc tập trận lớn (kéo dài đến hết tháng 4). Trong khi đó, Triều Tiên, đã tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến ký giữa 2 miền vào cuối Chiến tranh Triều Tiên, cắt đường dây nóng quân sự, đồng thời hô hào tiến hành diễn tập quân sự toàn quốc.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra những lời răn đe rất cứng rắn đối với Hàn Quốc khi thăm các đơn vị quân đội tiền tiêu, nêu ra các mục tiêu tác chiến cụ thể, và yêu cầu họ cảnh giác cao độ.

Những động thái kiên quyết trên của Triều Tiên cộng với thái độ cứng rắn của Hàn Quốc khi tuyên bố sẵn sàng “đáp trả ngay lập tức” nếu bị tấn công khiến dư luận lo ngại bán đảo Triều Tiên đang bên"miệng hố" chiến tranh.

Theo các chuyên gia phân tích, nếu tấn công Hàn Quốc, Triều Tiên có thể sẽ thực hiện hành động này sau khi các cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 4/2013. Tuy nhiên, Seoul có thể sẽ trả đũa quyết liệt. Điều này có thể dẫn tới khả năng một cuộc đụng độ nhỏ có thể sẽ trở thành một cuộc chiến lớn trên bán đảo Triều Tiên, với sự can dự trực tiếp hoặc gián tiếp của các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm đơn vị pháo tầm xa 641 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) gần đảo Baengnyeong ở khu vực biên giới với Hàn Quốc (
Ảnh: EPA/KCNA).


Sau 2 năm nội chiến, Syria đang ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng. Cuộc xung đột tại quốc gia đầy bất ổn này đã bước sang năm thứ ba mà không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực. Cho đến nay, đã có hơn 70.000 người thiệt mạng, hơn một triệu người phải chạy sang sống tị nạn ở các nước khác, trong khi hàng triệu người khác cũng đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Cuộc khủng hoảng tại Syria đang bên bờ vực nguy hiểm và có thể để lại những hậu quả lâu dài đối với toàn bộ khu vực Trung Đông, trong đó tương lai của thế hệ trẻ em Syria đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Cuộc chiến Syria vẫn dai dẳng. Phe đối lập mặc dù nhận được sự hậu thuẫn của phương Tây cũng như một số nước trong khu vực nhưng sau 2 năm, chính phủ Syria không hề đổ, ngược lại họ còn chiếm ưu thế trong các cuộc giao tranh. Cho tới hiện tại, giấc mơ về một Lybia thứ 2 của phe nổi dậy đã không thành hiện thực.

Trong bối cảnh các bên có lợi ích liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, Syria vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn với các vụ bạo lực liên tiếp xảy ra, đẩy hàng triệu người dân vào sự thống khổ. Hiện, không ai có thể dám chắc điều gì sẽ xảy ra tại Syria trong thời gian tới và tương lai của quốc gia Trung Đông này sẽ đi về đâu vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Trong ảnh: Một phiến quân Syria trong một cuộc giao tranh với quân chính phủ ở thành phố cổ Aleppo (Ảnh: AFP/Getty Images).

Hai năm đã trôi qua kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản. Cuộc sống của người dân ở các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa đang dần đi vào ổn định nhờ vào các nỗ lực không biết mệt mỏi của họ và sự hỗ trợ từ các bạn bè quốc tế. Nền kinh tế Nhật Bản đang dần hồi phục bất chấp môi trường kinh tế bên ngoài đang xấu đi do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất sóng thần chiều 11/3 tại thủ đô Tokyo, Nhật hoàng Akihito bày tỏ khâm phục đối với người dân vùng bị thiên tai đang nỗ lực từng ngày vượt qua khó khăn và gửi lời cám ơn đến người dân các nước trên thế giới đã có nhiều sự giúp đỡ đối với Nhật Bản. Nhật hoàng cũng cho rằng thảm họa động đất sóng thần 2 năm trước là bài học đắt giá đối với công tác phòng chống thiên tai mà các thế hệ sau để không được phép quên bài học đó. Trong ảnh: Thân nhân của các nạn nhân trận động đất và sóng thần năm 2011 tham gia lễ tưởng niệm quốc gia ngày 11/3/2013 tại Tokyo tưởng nhớ những người thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng này (Ảnh: AP).

Bộ trưởng Thông tin Venezuela Ernesto Villegas ngày 15/3 cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định hủy kế hoạch ướp thi hài cố Tổng thống Hugo Chavez. Chính phủ Venezuela hủy kế hoạch ướp thi hài cố Tổng thống Chavez sau báo cáo của một nhóm chuyên gia y tế Nga xác định rằng quy trình này yêu cầu phải đưa thi hài của cố Tổng thống sang Nga và lưu lại trong thời gian từ 7 - 8 tháng.

Hiện thi hài cố Tổng thống Chavez đã được chuyển tới Bảo tàng lịch sử Quân sự. Ngày 15/3, hàng nghìn người dân Venezuela đổ ra đường phố Caracas để từ biệt Hugo Chavez, người đã lãnh đạo đất nước suốt 14 năm.

Ngày 13/3, Liên Hợp Quốc đã dành những nghi thức quan trọng nhất trong một phiên họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để tưởng nhớ cố Tổng thống Hugo Chavez. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon đã đánh giá cao những đóng góp của cố Tổng thống Chavez đối với sự phát triển của Venezuela. Ông nói: Cố Tổng thống Chavez là một trong những nhà lãnh đạo đã tạo ra những sự khác biệt tại Venezuela, khu vục và trên thế giới. Ông luôn ủng hộ những người bị tổn thương trong xã hội và cam kết nâng cao cuộc sống của những người thiệt thòi trong xã hội”. Trong ảnh: Thi hài cố Tổng thống Hugo Chavez được đưa vào Bảo tàng quân sự. (Ảnh: AFP).

Nhà chức trách Thượng Hải, Trung Quốc đang cố gắng trấn an người dân sau vụ hàng nghìn con lợn chết được phát hiện trên sông Hoàng Phố, Thượng Hải mấy ngày qua và con số này hiện đã vượt mức hơn 6.000 con.

Những xác lợn đầu tiên được phát hiện hôm 10/3 vừa qua. Giới chức Thượng Hải đã phải nhanh chóng sử dụng các xà lan để trục vớt xác lợn và làm sạch nguồn nước sau khi các chuyên gia y tế cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn có thể xuất hiện từ xác động vật thối rữa.

Ngày 15/3, ít nhất 1 chủ trang trại lợn ở thành phố Gia Hưng tỉnh Chiết Giang, đã thừa nhận hành vi thả lợn chết trôi trên sông Hoàng Phố đoạn từ Thượng Hải tới Gia Hưng. Vụ thả lợn chết trôi trên sông Hoàng Phố đang gây rúng động trong xã hội Trung Quốc bởi con sông này không chỉ là biểu tượng của thành phố Thượng Hải mà còn cung cấp 22% lượng nước sinh hoạt cho 23 triệu dân ở đây. Trong ảnh: Các công nhân vệ sinh môi trường đang vớt xác lợn chết thối rữa trên sông Hoàng Phố (Ảnh:
Chinasmack).
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên