Thương chiến Mỹ-Trung tăng nhiệt: Việt Nam phải làm gì?
VOV.VN - Đã đến lúc Việt Nam cần có sự điều chỉnh chính sách thương mại nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Cuộc chiến thương mại ngày càng gay cấn giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Mặc dù chưa bị cuốn vào cuộc chiến này nhưng là nước tham gia gia tích cực vào việc hình thành và phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi những tác động nhất định. Cơ hội có thể mở ra nhưng rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ. |
Nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam đánh giá và điều chỉnh lại các chính sách thương mại của mình nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ.
PV: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang có chiều hướng leo thang khi hai bên liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau. Xin ông cho biết cục diện cuộc chiến sẽ đi về đâu và liệu có điểm dừng hay không?
Ông Phạm Quang Vinh: Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền năm 2017, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn cài đặt lại quan hệ để làm sao hai bên cùng có lợi. Tổng thống Trump cũng nói rằng ông muốn có một thỏa thuận thỏa đáng với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn vào những diễn biến trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung gần 2 năm qua chúng ta thấy rằng cuộc chiến này ngày càng bị đẩy cao và phức tạp hơn. Đỉnh điểm căng thẳng vào ngày 10/5, khi Mỹ tăng thuế từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả đòn thuế này vào ngày 13/5.
Có thể nói rằng, cuộc chiến thương mại vừa là cuộc đấu về kinh tế, thương mại nhưng đồng thời cũng nằm trong cục diện mới trong quan hệ giữa các nước lớn, trong bối cảnh tính cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực ngày càng gia tăng. Những cạnh tranh chiến lược và cạnh tranh thương mại diễn ra song hành và tương tác, đan xen lẫn nhau. Do đó sẽ có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh.
Xét trên bình diện cạnh tranh giữa các nước lớn đặt trong bối cảnh hiện nay, thì tôi cho rằng các bên đều không muốn xảy ra đối đầu một cách tổng thể, tổng lực và thậm chí lan sang lĩnh vực quân sự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại này sẽ còn kéo dài với nhiều tình tiết mới, bởi nó diễn ra giữa một nước đang muốn vươn lên và một nước đang muốn giữ vị thế của mình. Dù vậy, nó sẽ không quyết liệt như thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sẽ có những giai đoạn cao trào, những giai đoạn chững lại. Trên chặng đường đó, các bên sẽ có những thỏa thuận nhỏ theo từng thời điểm.
PV: Thưa ông, cuộc chiến thương mại này tác động như thế nào đến khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, xét về cả cơ hội lẫn thách thức?
Ông Phạm Quang Vinh: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nếu vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không dẫn đến sự khủng hoảng về kinh tế thương mại, gây gián đoạn hay cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu thì sẽ gây ra ít tác động nghịch đối với thương mại toàn cầu. Nhưng nếu gây ra sự gián đoạn thì không một bên nào có lợi bởi Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chưa dừng lại ở đó, nó sẽ tác động tới nền kinh tế thế giới nói chung và từng nước trong khu vực Châu Á nói riêng.
Cần phải nhắc lại rằng, Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế không thể tách rời, tạo thành bộ phận rất khăng khít trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong chuỗi giá trị toàn cầu. Dó đó nếu các nền kinh tế này rơi vào khủng hoảng, thì tác động của nó sẽ rất nghiêm trọng. Theo một số ý kiến, cuộc chiến thương mại này sẽ dẫn đến việc điều chuyển và phân công lại các nhà máy sản xuất, nguồn nhân công. Chẳng hạn một số doanh nghiệp đang có ý định chuyển nhà máy sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á như Thái Lan hay Việt Nam.
Nếu kịch bản này xảy ra, Việt Nam được lợi gì không? Tôi cho rằng, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó các doanh nghiệp chuyển dịch một số khâu sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ là điểm đến thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, chúng ta cũng cần suy xét kỹ lưỡng để tìm hiểu liệu các công ty nước ngoài chẳng hạn như công ty của Mỹ và Nhật Bản mới manh nha ý định chuyển đổi hay đã thực hiện các công việc cần thiết để chuyển đổi nhà máy của họ sang Đông Nam Á. Bởi vì vấn đề chuyển đổi cả một dây chuyền sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu không hề đơn giản.
Tiếp đến là họ sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền hay chỉ chuyển một bộ phận. Và cuối cùng là liệu dây chuyền đó còn nằm trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu hay không để nó tiếp tục vận hành một cách hiệu quả. Không thể bỏ qua trường hợp các nhà máy sản xuất được chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á nhưng quá trình hoạt động, vận hành lại không hiệu quả. Chẳng hạn như giá nhân công hay nguyên liệu ở Trung Quốc rẻ hơn, nhưng sang đến các nước khác giá thành lại cao hơn và do vậy sẽ rất khó khăn cho họ để bắt nhịp lại với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi cũng phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng và khả năng đón đợi cơ hội, khả năng xử lý thách thức kèm theo của những nước được lựa chọn là điểm đến.
Thách thức tiếp theo cần phải nhắc đến là một doanh nghiệp hay công ty muốn chuyển đổi sang nước thứ 3 để trốn thuế. Tức là họ chỉ chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang nước thứ 3 trong khi vẫn có nhà máy tại Trung Quốc. Khi đó họ sẽ gắn mác sản xuất hàng hòa ở nước thứ 3, mang danh nghĩa nước thứ 3 để tránh thuế của Mỹ. Và như vậy nước thứ 3 này sẽ vô tình bị cuốn vào cuộc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là điều rất nguy hiểm.
PV: Thưa ông, những ngành nghề và lĩnh vực nào ở Việt Nam sẽ có lợi thế trong bối cảnh này và Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng cơ hội mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mang lại, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực?
Ông Phạm Quang Vinh: Nếu hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao thì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ của họ sẽ bị hạn chế. Vậy thì lợi thế của Việt Nam hay của các nước khác nằm ở những lĩnh vực hay nghành nghề mà Mỹ đang cần. Mỹ sẽ tìm nguồn hàng từ các nước khác, chẳng hạn như hàng dệt may, giầy da hay linh kiện điện tử từ Việt Nam do đây là những mặt hàng mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu sang Mỹ. Đó là cơ hội lớn cho chúng ta.
Yêu cầu lớn nhất đặt ra đối với Việt Nam là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hàng hóa. Tiếp đến, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ các cơ hội và thách thức mà cuộc chiến có thể mang lại để ứng phó linh hoạt. Sẽ có rất nhiều doanh nghiệp FDI tìm đến Việt Nam nhưng chúng ta cần phải tỉnh táo để lựa chọn những nguồn FDI có chất lượng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có những chính sách cứng rắn đối phó với tình trạng trốn thuế quan, đánh giá lại cơ cấu xuất khẩu hàng hóa nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội mở rộng thị trường và tập trung đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng bị thiếu hụt trong trường hợp nguồn cung ở Trung Quốc bị gián đoạn do chính sách áp thuế của Mỹ./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: DN Việt cần phải làm gì?
Mỹ-Trung: “Nã hết băng đạn” trong cuộc chiến thương mại