Tổng thống Brazil ra đi: Sự sụp đổ của một kỷ nguyên?
VOV.VN - Dù theo luật, Tổng thống Brazil bị tạm đình chỉ chức vụ trong 6 tháng nhưng theo nhận định, bà Rousseff gần như không có cơ hội trở lại.
Mô hình Chính phủ cánh tả Brazil vốn được tán dương như “làn gió mới” ở Mỹ Latin ngày 12/5 sụp đổ sau khi Thượng viện nước này bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, đồng nghĩa với việc bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ trong vòng 6 tháng để phục vụ công tác điều tra các cáo buộc vi phạm điều hành, quản lý đất nước.
Thương viện Brazil ngày 12/5 đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. (Ảnh: Getty) |
Diễn biến chóng vánh
Chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Brazil bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội, toàn bộ Nội các của bà Rousseff bị giải tán. Không lâu sau đó, Phó Tổng thống Brazil Michel Temer đã chính thức trở thành Tổng thống lâm thời nước này.
Tuyên bố sau khi trở thành Tổng thống lâm thời Brazil, ông Temer kêu gọi người dân Brazil tin tưởng vào giá trị của đất nước và tiềm năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh Brazil đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 80 năm qua.
Ông Temer nói: “Đó là việc làm khẩn cấp để làm yên lòng người dân và thống nhất Brazil”.
Trong khi đó, Tổng thống bị đình chỉ chức vụ của Brazil Dilma Rousseff cáo buộc cuộc bỏ phiếu này là “một cuộc đảo chính” không chỉ nhằm lật đổ bà mà còn đi ngược lại ý chí của cử tri Brazil.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ bên ngoài Dinh Tổng thống, bà Rousseff tuyên bố đây là một ngày buồn và là tấn bi kịch cho nền dân chủ non trẻ của Brazil.
Theo bà Rousseff, bà là nạn nhân của sự bất công lớn, Chính phủ tới đây sẽ ra đời từ cuộc đảo chính và đây có thể là khởi nguồn nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính trị.
Theo Washington Post, việc loại bỏ bà Rousseff hoàn toàn có thể gây ra “hiệu ứng domino” trên khắp Mỹ Latin – nơi mà Brazil từng được xem như một cường quốc kinh tế mới nổi và là mô hình nhà nước cánh tả mới, phù hợp với việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, các chương trình phúc lợi xã hội quy mô để giảm nghèo và nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu mới.
Tuy nhiên, mô hình này không phát huy được hiệu quả và bà Rousseff đã phải trả giá. Tuy quá trình luận tội có thể kéo dài 6 tháng và trong khoảng thời gian ấy, bà Rousseff mới tạm thời bị đình chỉ chức vụ nhưng với số phiếu ủng hộ luận tội áp đảo ở Thượng viện, cơ hội để bà Rousseff được tha bổng là rất ít.
Phó Tổng thống Michel Temer đã chính thức trở thành Tổng thống lâm thời Brazil. (Ảnh: Reuters) |
Bà Rousseff, 68 tuổi bị buộc tội sử dụng sai hàng tỷ USD từ các khoản vay của Ngân hàng Nhà nước để khỏa lấp thâm hụt ngân sách và trả tiền cho các chương trình xã hội. Giới quan sát cho rằng, cuộc bỏ phiếu luận tội bà Rousseff đã trở thành một cuộc trưng cầu rộng lớn đối với giới lãnh đạo đất nước, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế và tham nhũng đang khiến giới tinh hoa chính trị của đất nước mất dần lòng tin của người dân.
Chính phủ mới Brazil còn nhiều thách thức
Bản thân Phó Tổng thống Brazil Michel Temer, người vừa trở thành Tổng thống lâm thời của Brazil theo luật đinh cũng chỉ được 2% cử tri Brazil ủng hộ.
Dường như nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc lấy lòng người dân, trong tuyên bố đầu tiên sau khi ngồi vào vị trí mới, ông Temer cho biết sẽ tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế và duy trì các chương trình xã hội phổ biến.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tổng thống lâm thời Brazil thông báo quyết định bổ nhiệm ông Henrique Meirelles, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương giai đoạn 2003-2010, làm Bộ trưởng Kinh tế mới.
Bình luận về cách sử dụng nhân sự của ông Temer, giáo sư quan hệ quốc tế Marcos Troyjo tại Đại học Columbia ở New York nhận định, với cách sử dụng người của mình, ông Temer có thể mang lại sự thay đổi trong chính sách thương mại và làm cho Brazil trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ.
Trong khi đó, một chức vụ không kém quan trọng khác trong Chính phủ là Bộ trưởng Ngoại giao được giao cho Thượng nghị sĩ José Serra, người từng là đối thủ cạnh tranh với Rousseff trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010.
“Serra sẽ đưa Brazil xích lại gần hơn với phương Tây, không chỉ về mặt tư tưởng mà còn trong thực tế tiếp cận thị trường”, giáo sư Troyjo nhận định.
Bà Rousseff phải ra đi là tất yếu?
Bà Rousseff vẫy chào những người ủng hộ khi rời khỏi văn phòng Tổng thống ngày 12/5. (Ảnh: Reuters) |
Theo giáo sư Troyjo, sự ra đi của bà Rousseff là một phần của sự thay đổi chính trị rộng lớn hơn ở Mỹ Latin, thoát khỏi mô hình chủ nghĩa dân túy trung tả vốn đã thống trị khu vực này trong hầu như trong suốt một thập kỷ qua.
Ông Troyjo nói: “Nó đặt Brazil vào đúng xu thế mà chúng ta đang cảm nhận được trên khắp Mỹ Latin”.
Theo Washington Post, đối với hầu hết các nền dân chủ trên thế giới, việc bỏ phiếu đối với trường hợp của bà Rousseff hôm 12/5 cũng tương đương với việc luận tội Tổng thống. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, trong bối cảnh của đất nước Brazil, một chính trị gia chỉ bị “luận tội” khi đã bị kết tội.
Việc Tổng thống Dilma Rousseff bị loại bỏ được cho là diễn biến “không tưởng” đối với đảng Công nhân của bà và người đồng sáng lập đảng này, cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva – người được cho là thầy của bà Rousseff.
Ông Lula da Silva chính là một trong những người xúc động ôm trầm lấy bà Rousseff khi bà rời văn phòng hôm 12/5, có thể đây cũng chính là lần cuối cùng người ta được nhìn thấy bà Rousseff xuất hiện ở văn phòng Tổng thống vì kỷ nguyên của bà nhiều khả năng đã khép lại./.