Rio+20 cam kết dành 513 tỷ USD cho phát triển bền vững

Đây được xem là một thoả thuận quan trọng nhất tại Hội nghị Cấp cao Liên Hợp Quốc lần này

Sau 3 ngày làm việc, ngày 22/6, Hội nghị Cấp cao Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững (Rio+20) tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã bế mạc. Hội nghị đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng, trong đó các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết dành khoảng 513 tỷ USD để thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn cầu vì tương lai mà nhân loại mong muốn.

Kết thúc Hội nghị Rio+20, các nhà lãnh đạo thế giới đã đạt được đồng thuận về Văn bản chính trị cuối cùng có tên gọi "Vì tương lai chúng ta mong muốn".

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Rio+20 hôm 22/6 (Ảnh: Reuters)
Văn bản này kêu gọi thế giới thực hiện hàng loạt hành động như bắt đầu quá trình thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể hóa phương thức nền kinh tế xanh có thể được sử dụng như là công cụ để đạt được phát triển bền vững, thúc đẩy các biện pháp giám sát sự bền vững của các công ty, thực hiện các tiêu chuẩn ngoài tiêu chuẩn Tổng sản phẩm nội địa (GDP) để đánh giá tiến bộ của một quốc gia, phát triển chiến lược tài trợ phát triển bền vững, thông qua khuôn khổ tiến tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Văn bản cuối cùng của Rio+20 cũng tập trung cải thiện bình đẳng giới, thừa nhận tầm quan trọng của cam kết tự nguyện về phát triển bền vững, nhấn mạnh nhu cầu tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và hội nhập khoa học vào chính sách.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng Thư ký Hội nghị Rio+20 Sha Zukang nhấn mạnh: “Tổng cộng có 692 cam kết đã được ghi nhận, nâng tổng giá trị các cam kết ước đạt 513 tỷ USD. Đây là một thành quả to lớn. Như chúng ta đã nói, Hội nghị Rio+20 là sự thực hiện, là hành động, và đó là hành động cụ thể. Những cam kết được chia sẻ tại Rio+20 cho thấy các chính phủ, hệ thống Liên Hợp Quốc và 9 nhóm tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế quan trọng đã có những hành động nghiêm túc”.

Ngoài ra, Hội nghị Rio+20 cũng đưa ra một loạt cam kết, bao gồm trồng 100 triệu cây xanh, trao quyền cho 5.000 nữ doanh nhân trong các doanh nghiệp kinh tế xanh ở châu Phi, mỗi năm tái chế 800.000 tấn nhựa PVC - một trong những loại chất dẻo được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay...

Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Achim Steiner nói: “Chúng ta cũng đã giải quyết được một số việc mà tôi cho là quan trọng. Sự phát triển bền vững không thể chỉ là một số vấn đề mà số ít các nước tập trung vào. Giờ đây chúng ta đã có một cam kết đó là tất cả các nước vào năm 2015 sẽ chung sức và gánh vác trách nhiệm về sự bền vững trên hành tinh này. Đó là một tín hiệu tốt”.

Dư luận thế giới đã có những phản ứng khác nhau về kết quả Hội nghị. Trong một thông cáo báo chí đăng trên trang web của Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết, ông được khích lệ bởi gần 700 cam kết chính trị mạnh mẽ của các chính phủ các nước thành viên Liên Hợp Quốc, khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế khác.

Tuy nhiên, ông Kumi Naidoo, đại diện của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) lại cho rằng các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đã thất bại, thậm chí là trong việc tranh luận những điểm mấu chốt của thỏa thuận: “Gần 100 nguyên thủ quốc gia đã có mặt tại đây và thậm chí họ đã không dành một giờ trong các cuộc đàm phán với các nguyên thủ khác. Toàn bộ tiến trình này đã được đẩy cho các nhân viên dân sự và các nhà ngoại giao để đàm phán về một thỏa thuận. Điều đó là không đủ, chúng ta cần có nhiều tham vọng và hành động mạnh mẽ hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên