“Số phận” đạo luật Bảo hiểm y tế Mỹ vẫn lơ lửng

9 thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao Mỹ và các luật sư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho vụ kiện lịch sử này.

Vấn đề quan trọng được đưa ra tại ngày làm việc thứ ba cũng là ngày làm việc cuối cùng trong đợt tranh luận của 9 thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao Mỹ đó là liệu trong trường hợp họ quyết định loại bỏ điều khoản được coi là quan trọng nhất, đồng thời cũng bị coi là vi hiến trong Đạo luật Bảo hiểm y tế của chính quyền Obama thì đạo luật này có tồn tại được không.

Điều khoản gây tranh cãi nhất trong đạo luật đó là bắt buộc hầu hết người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế nếu không họ sẽ bị phạt tiền.

Những người ủng hộ Đạo luật Bảo hiểm y tế của Tổng thống Obama bên ngoài Toà án Tối cao Mỹ hôm 28/3 (Ảnh: Reuters)

Những người ủng hộ đạo luật này cho rằng điều khoản bắt buộc mua bảo hiểm là cần thiết để chi trả bảo hiểm cho toàn bộ người dân Mỹ. Trong khi đó 26 bang của Mỹ cho rằng họ không phải bỏ tiền ra để trả phí y tế cho những người khác và đạo luật đó đã vượt quá quyền hạn của chính phủ liên bang. 

Nếu điều khoản đó bị Tòa án Tối cao Mỹ tuyên là vi hiến thì chính quyền Tổng thống Obama phải hủy toàn bộ đạo luật này. 

Ngay cả 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ cũng chia thành 2 phe, một phe phản đối đạo luật này cho rằng điều khoản này đã vi phạm quyền tự do cá nhân, nếu không kịp thời ngăn chặn thì chính quyền Tổng thống Obama sẽ đi xa hơn trong thời gian tới, có thể can thiệp vào cả việc mua ô tô và mua nhà của người dân. Trong khi đó, phe ủng hộ lại cho rằng thị trường bảo hiểm là hàng hóa đặc biệt, công dân Mỹ phải tham gia mua bảo hiểm và chính phủ có quyền điều tiết thị trường đó.

Cho đến khi kết thúc ngày tranh luận thứ 3 chưa phe nào đưa ra lập luận thuyết phục.

Tòa án Tối cao Mỹ sẽ  đưa ra phán xét cuối cùng vào tháng 6 tới. Tuy nhiên nếu Đạo luật Bảo hiểm Y tế của chính quyền Tổng thống Obama bị tuyên là vi hiến thì đây sẽ là một đòn chí mạng đối với đảng Dân chủ, cụ thể là đương kim Tổng thống Obama trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 45 vào tháng 11 tới, bởi lẽ đạo luật này đã từng được coi là thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống  Obama, do vậy nó có tác động chính trị rất lớn và ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín của ông Obama./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên