S&P đe dọa tiếp tục hạ mức tín nhiệm tín dụng của Pháp

Đây là lời đe dọa mà bất cứ ứng cử viên nào cũng phải cân nhắc cho chương trình tranh cử của mình trong thời điểm chỉ còn 100 ngày nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống.

Sau khi tuyên bố hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ AAA xuống còn AA+ vào ngày 13/11, tổ chức xếp hạng S&P tiếp tục cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp trong năm nay nếu tình hình kinh tế của nước này không được cải thiện.

Trong thông cáo của mình, S&P nhấn mạnh, triển vọng của trái phiếu dài hạn của Pháp là không khả quan. Và điều này cho thấy Pháp sẽ chỉ còn hai phần ba cơ hội để tránh việc bị S&P hạ mức xếp hạng tín nhiệm thêm một lần nữa trong năm 2012 hoặc 2013.

S&P cũng đưa ra một vài điều kiện cụ thể để Pháp không bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm thêm một lần nữa như tiếp tục thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, vì các biện pháp hiện nay không đủ để đảm bảo mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm 2012 và 2013, khi mà tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm nay dự kiến chỉ đạt từ 1-2%. Đồng thời, tổ chức này đề nghị Pháp phải thực hiện những cải tổ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc Pháp bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm đang trở thành cái cớ nóng hổi cho các ứng cử viên công kích đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và Chính phủ của ông nhằm thu hút sự chú ý của cử tri Pháp. Ứng cử viên François Hollande của đảng Xã hội nói:Chính sự tín nhiệm đối với chiến lược mà Tổng thống Sarkozy tiến hành từ năm 2007 là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay, do thiếu sự gắn kết, sự nhất quán, sự minh bạch và trước hết là không có kết quả”.

Ứng cử viên François Bayrou của đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) cũng chỉ trích thất bại của Tổng thống Sarkozy và đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP): “Nguyên nhân của việc Pháp mất chỉ số xếp hạng tín dụng 3A là không thể tránh khỏi sau 5 năm cầm quyền của ông Sarkozy. Điều tồi tệ đã đi quá xa và chính phủ kế nhiệm, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, sẽ đều phải có trách nhiệm cải thiện tình trạng này. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, người dân Pháp chỉ có một lựa chọn, đó là trong giai đoạn này cần cân nhắc và tìm ra nhà lãnh đạo tương lai có thể vực dậy nền kinh tế của chúng ta”.

Các nhà phân tích và các doanh nghiệp Pháp lo ngại, việc bị mất hệ số tín nhiệm 3A sẽ khiến kinh tế Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc vay nợ tín dụng nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay và phục vụ các công trình phúc lợi. Tình trạng thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng do các doanh nghiệp bị hạn chế hơn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất; đặc biệt, thị trường chứng khoán của Pháp sẽ bị tác động mạnh do giá trị trái phiếu của Chính phủ và cổ phiếu của các doanh nghiệp Pháp giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên