S&P hạ bậc tín nhiệm Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu

S&P tuyên bố sẽ khôi phục lại mức AAA nếu Quỹ này giành được những đảm bảo bổ sung.

Ngày 16/1, Cơ quan đánh giá tín nhiệm S&P - cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ đã hạ bậc tín nhiệm từ AAA xuống còn AA+, với triển vọng "tiêu cực" đối với Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), vốn được Liên minh châu Âu (EU) thành lập để hỗ trợ một số nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ công.

Cơ quan đánh giá tín nhiệm S&P
Theo các nhà phân tích, việc S&P quyết định hạ bậc tín nhiệm của Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu là hệ quả của việc hồi tuần trước, cơ quan này cũng đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của một loạt nước châu Âu, trong đó có một số nước có mức tín nhiệm cao nhất trong khu vực như Pháp và Áo, cũng là những nước đóng vai trò đảm bảo hàng đầu của Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu.

Cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng, Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu cần thêm tiền sau khi Quỹ này bị đánh tụt mức tín nhiệm cao nhất AAA.

Ông đồng thời cũng kêu gọi các nước thực hiện cam kết của mình: “Rất quan trọng nếu người đứng đầu chính phủ các nước thực hiện kịp thời và đầy đủ các cam kết  không chỉ liên quan đến quỹ bình ổn tài chính và cơ chế ổn định châu Âu (ESM)”.

Tuy nhiên, Cao ủy về vấn đề kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu Olli Rehn cho rằng, động thái này của S&P không làm ảnh hưởng đến khả năng tín dụng của Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu. Ông nói: “Qũy bình ổn Tài chính châu Âu hiện vẫn đang còn 440 tỷ euro, đủ để thực hiện các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp khó khăn”.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, việc Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu bị hạ bậc tín nhiệm đồng nghĩa với việc quỹ này sẽ rất khó khăn trong việc tìm các nguồn tín dụng lãi suất thấp nhằm bình ổn tình hình các nước Eurozone hiện đang chìm trong khủng hoảng nợ công.

Ngày 16/1, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã chỉ trích Cơ quan đánh giá tín nhiệm S&P hạ mức xếp hạng tín dụng đối với các nước châu Âu.

Tổng thống Sarkozy tuyên bố Pháp và Tây Ban Nha cho rằng, không phải các cơ quan đánh giá tín nhiệm, mà chính phủ mới có trách nhiệm quyết định chính sách kinh tế của đất nước.

Chính sách kinh tế của một nước không thể bị chao đảo bởi đánh giá của một cơ quan xếp hạng tín nhiệm nào đó, mà cần phải dựa trên nền kinh tế thực.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ họp vào ngày 30/1 tới để thảo luận về một hiệp ước tài chính mới nhằm phối hợp chương trình giảm thâm hụt và nỗ lực trấn an các thị trường trái phiếu, được coi là ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, Tổng thống Sarkozy cho biết, cuộc hội đàm dự kiến tổ chức vào ngày 20/1 tới giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy đã bị hoãn lại cho tới tháng 2./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên