Syria trấn áp phiến quân, Mỹ do dự

Lục quân Syria pháo kích dữ dội thành phố Douma và nhiều vị trí khác trên lãnh thổ nước này hôm 3/7 nhằm trấn áp phe nổi loạn.

Nhiều người dân đã phải sơ tán khỏi các thành phố Douma, Aleppo, Homs, hay thị trấn Saqlin gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để tránh tên bay đạn lạc. Theo nhân chứng Abu Rami ở Homs, những người kẹt lại đang trong tình cảnh khó khăn vì thiếu nước và lương thực.

Chiến sự diễn ra ác liệt đã khiến nước láng giếng Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần phải cho chiến đấu cơ F16 xuất kích sau khi phát hiện các trực thăng vận tải của Syria lượn gần khu vực biên giới hai nước dù chưa xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Khu vực tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới 2 nước đã trở thành nơi ẩn náu của các phiến quân và kẻ đào tẩu khỏi quân đội Syria. Hiện có hơn 35.000 người Syria tị nạn ở vùng nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp việc một nhóm 85 quân nhân Syria, gồm 1 vị tướng và một số sĩ quan, đào tẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/7, Tổng thống Assad vẫn nắm chắc chính quyền, quân đội, và lực lượng an ninh.

Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cả chính quyền ông Assad lẫn lực lượng đối lập chịu nhượng bộ, khiến tình trạng thù địch ngày càng gia tăng giữa người Hồi giáo Sunni chiếm đa số và người thiểu số của Tổng thống Syria.

Ông Assad tuyên bố chỉ ra đi khi nào nhân dân, chứ không phải phe đối lập, thực sự muốn vậy.

Tham mưu trưởng Syria, Tướng Fahd Jassem al-Freij, nói rằng Syria đang chiến đấu với những kẻ âm mưu hủy diệt nước này.

Khói cuộn lên ở thành phố Homs của Syria (Ảnh trích từ clip trên mạng Youtube)

Liên quan đến nhóm vũ trang nổi dậy, Moscow đồng quan điểm với Damascus, cho rằng đó đều là các chiến binh Hồi giáo. Ngay cả Hoa Kỳ cũng dè dặt về việc chống lưng cho lực lượng này, mà theo Washington là thiếu tổ chức và có một số liên hệ nhất định với al Qaeda.

Một số phần tử bất đồng chính kiến Syria cho rằng các chiến binh Hồi giáo sẽ là lực lượng chính ra tay hành động nếu thế giới ‘phó mặc’ Syria cho ông Assad.

Còn Iran, đồng minh của đương kim Tổng thống Syria, thì khẳng định cái mà Damascus cần là cải cách chứ không phải can thiệp từ nước ngoài hay các hoạt động ‘khủng bố’.

Trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao tỏ ra chưa hiệu quả, Mỹ đứng trước sức ép từ phía các nước Arab, đặc biệt là Saudi Arabia và Qatar, phải giúp đỡ phe nổi dậy khi diễn đàn ‘Những người bạn của Syria’ nhóm họp ở Paris vào thứ 6 tới.

Nga chỉ trích nhóm ‘Những người bạn’, coi nhóm này là thiên vị, và từ chối tham gia cuộc họp trên.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, các lãnh tụ phe đối lập của Syria sẽ hội đàm ở Moscow vào tuần tới nhưng không rõ liệu những lãnh tụ này có bao gồm các thành viên của Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) do phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hay không.

Nga cho rằng, Thỏa thuận Geneva không hàm ý ông Assad sẽ phải rời bỏ chính trường trong khi các cường quốc phương Tây khăng khăng ông Assad phải ra đi.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong muốn hạ bệ Tổng thống Assad song khuyên phe đối lập nên làm theo đề xuất của đặc phái viên Kofi Annan đã được quốc tế phê chuẩn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên