Thế giới bên bờ vực một cuộc khủng hoảng mới

Đã có nhiều cam kết nhằm đưa thế giới bước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay nhưng điều mà nhiều người trông đợi vẫn là những giải pháp cụ thể.

Cùng chung xu hướng với thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, trong phiên giao dịch ngày 26/9, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực châu Á đều giảm điểm. Chỉ số Nickey 225 trên thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm hơn 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đều có mức giảm mạnh trên 2%.

Hiện giới đầu tư vẫn hoài nghi về các kế hoạch mà giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, đang tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Một nhà đầu tư tại Hongkong (Trung Quốc) cho rằng: “Trong các cuộc họp cuối tuần qua, thực sự là không có các biện pháp cụ thể nào được đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Nhìn chung, môi trường kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Châu Á cũng không ngoại lệ”.

Trước đó, trong phiên giao dịch cuối tuần qua, các chỉ số chính trên sàn chứng khoán Mỹ, là Down John, Senfa 500 có mức tăng nhẹ trên 0,5%. Tuy nhiên, sự hồi phục này quá nhẹ, không đủ khiến thị trường giảm bớt những căng thẳng do các phiên giao dịch trước đó mang lại. Kết quả giao dịch trong tuần qua, Down John giảm 6,4%, Senfa 6,6%.

Sự bất ổn của nền kinh tế thế giới khiến nhiều người lo ngại (Ảnh: Reuters)

Trên thị trường vàng, tính đến đầu giờ chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao tháng 12 giảm gần 90 USD/oz. So với kết thúc phiên cuối tuần qua, xuống còn 1.570USD/oz. Đây là mức giảm theo ngày lớn nhất của vàng loại này kể từ tháng 6/2006 tới nay.

Cũng trong phiên chốt tuần, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 66 xu, tương ứng 0,8%, xuống còn 79,85 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York, Mỹ.

Đây là mức giá chốt thấp nhất của dầu loại này kể từ hôm 9/8 vừa qua, khi giá xuống 79,30 USD/thùng. 

Tình trạng bán đổ, bán tháo diễn ra mạnh mẽ và lan rộng trên khắp các châu lục, khiến ngay cả những nhà đầu tư từng có "thâm niên" trải qua khủng hoảng cũng không vững lòng và ngày càng tỏ ra thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định mua gì bán gì trong từng phiên giao dịch.

Trên thực tế, trong tuần qua, thế giới đã chứng kiến không ít cam kết của giới hoạch định chính sách toàn cầu.

Tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra từ 23 - 25/9 ở Washington, hai tổ chức tài chính này cam kết sẽ làm hết sức có thể để hỗ trợ các nước thành viên đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.

Thông cáo của WB và IMF, được đưa ra sau các cuộc họp chung, nêu rõ sự hỗn loạn hiện nay trên các thị trường tài chính toàn cầu và sự căng thẳng tài chính lan rộng đang gây rủi ro cho khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Trước đó ngày 23/9, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G20 cũng đã thông qua tuyên bố chung, trong đó cam kết thực thi mọi giải pháp cần thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu lan rộng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế-tài chính thế giới.

Tuy nhiên, những cam kết chưa phải là “bài thuốc đặc trị” cho các vấn đề hiện tại. Điều mà giới đầu tư và các thị trường đang quan tâm hiện nay là các biện pháp cụ thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên