Thượng đỉnh Trung - Triều: Những tín hiệu tích cực
VOV.VN - Dư luận có đánh giá “tích cực” về chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim và kỳ vọng vào 1 năm ngoại giao “đầy bận rộn” của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tại hội nghị thượng đỉnh Trung – Triều lần thứ 4 vừa mới diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un một lần nữa khẳng định ý chí muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn, để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước. Dư luận đã có những đánh giá ban đầu “tích cực” về chuyến công tác đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong năm 2019, kỳ vọng vào 1 năm ngoại giao “đầy bận rộn” của ông Kim Jong Un, với mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định cho bán đảo.
Dư luận có đánh giá “tích cực” về chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim và kỳ vọng vào 1 năm ngoại giao “đầy bận rộn” của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Như 3 lần trước, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Trung Quốc đã diễn ra một cách bất ngờ và bí mật. Sau 2 ngày hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nội dung nghị sự hôm nay mới được công bố trước báo giới.
Sáng 10/1, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc có đăng tải nội dung chính thức về cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Triều hôm 8/1 vừa qua. Theo đó, hai nhà lãnh đạo Trung – Triều đã cùng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương tốt đẹp sau 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cam kết sẽ viết tiếp một “tương lai huy hoàng hơn” cho mối quan hệ này, nhằm góp phần tích cực hơn nữa cho tiến trình giải quyết những căng thẳng tồn tại trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Theo hãng thông tấn KCNA, tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ sự quan ngại về “thế bế tắc” trong quá trình đàm phán về phi hạt nhân hóa, với Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un hi vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà hai bên đang chuẩn bị, sẽ đạt được kết quả mà “cộng đồng quốc tế đều sẽ hoan nghênh”.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018, kêu gọi các bên tiếp tục các nỗ lực đàm phán để tìm ra một giải pháp lâu dài cho vấn đề. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết:
“Chúng tôi luôn tin rằng sự liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như các bên liên quan trực tiếp tới tình hình bán đảo Triều Tiên là điều rất ý nghĩa. Đó là lý do Trung Quốc luôn ủng hộ Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đàm phán để có được một kết quả tích cực.”
Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời mời thăm Triều Tiên của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Phản ứng về chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 10/1 cho rằng, chuyến thăm là một dấu hiệu cho thấy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 sẽ sớm diễn ra và nó sẽ có tác động tích cực đến thành công của hội nghị này. Theo Tổng thống Hàn Quốc, Trung Quốc đóng nhiều vai trò trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo. Thêm vào đó, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 và chuyến thăm Hàn Quốc tới đây của nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ củng cố “vững chắc” nền hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.
Một số nguồn tin Hàn Quốc nhận định, chuyến thăm Trung Quốc là một phần chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ – Triều, vốn đang được cả thế giới mong đợi.
Khác với phản ứng đầy lạc quan từ phía Hàn Quốc, dư luận Mỹ vẫn thận trọng khi đánh giá về chuyến thăm Bắc Kinh lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức, còn truyền thông Mỹ thì coi chuyến thăm như là "quân bài" mà Trung Quốc đem ra đàm phán với Mỹ trong những tranh chấp thương mại. Tờ Bưu điện Washington cho rằng, chuyến thăm một lúc bắn 2 “mũi tên” hướng vào Mỹ. Một là Triều Tiên muốn giành thế chủ động trong quá trình đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân, trong khi Bắc Kinh lại muốn biến vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng làm đòn bẩy trong đàm phán thương mại với Washington./.
Ảnh: Đoàn tàu chở Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rời Bắc Kinh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc - chuyến thăm gây nhiều chú ý