Tổng thống Ba Lan ký dự luật Holocaust bất chấp Israel phản đối
VOV.VN - Ngay lập tức, Mỹ cùng Israel đã lên tiếng chỉ trích và đề nghị phía Ba Lan sửa đổi đạo luật.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vừa quyết định ký một đạo luật trừng phạt hoặc bỏ tù bất cứ ai lên tiếng cáo buộc Ba Lan dính líu tới nạn diệt chủng người Do Thái do phát xít Đức gây ra trong Thế chiến II (1939-1945) - còn gọi là thảm sát Holocaust.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ký dự luật Holocaust. Ảnh: AP
Trong một tuyên bố tối 6/2, ông Krzysztof Łapiński-người phát ngôn của Tổng thống Ba Lan cho biết, Tổng thống đã đưa ra một quyết định rất khó khăn khi đặt bút ký dự luật, nhưng ông làm điều đó vì trách nhiệm của mình, cũng như vì quyền lợi của đất nước và người dân Ba Lan.
Người phát ngôn Krzysztof Łapiński cũng nói rằng, Tổng thống cũng sẽ chuyển đạo luật mới tới Tòa án Hiến pháp Ba Lan để đánh giá xem những quy định mới có phù hợp với Hiến pháp hay không.
Quyết định của Tổng thống Ba Lan vấp phải sự chỉ trích từ phía Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ sự thất vọng và cho rằng việc ban hành luật ảnh hưởng bất lợi tới quyền tự do ngôn luận và yêu cầu học vấn. Mỹ tin tưởng rằng cách thức tốt nhất để vượt qua rào cản là thông qua các cuộc tranh luận cởi mở hay giáo dục.
Phía Mỹ cũng cảnh báo rằng đạo luật mới có thể gây tổn hại tới quan hệ và lợi ích chiến lược giữa Ba Lan và Mỹ cũng như với Israel.
Còn chính phủ Israel nói rằng họ vẫn trông đợi quyết định của Tòa án Hiến pháp Ba Lan đưa ra những thay đổi và đính chính thông tin trong luật. Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, chính phủ Israel cho rằng cả Israel và Ba Lan đều phải có chung trách nhiệm nghiên cứu và bảo tồn các giá trị lịch sử của thảm họa diệt chủng Holocaust trước đây.
Trước đó, hai viện của Quốc hội Ba Lan đã thông qua dự luật cho phép giới chức Ba Lan trừng phạt hoặc bỏ tù tới 3 năm bất cứ ai, kể cả người nước ngoài, nếu sử dụng cụm từ như “Trại tử thần Ba Lan” khi nói tới thảm họa diệt chủng Holocaust trước đây. Động thái trên đã gây tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Ba Lan và Israel.
Phía Ba Lan bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng dự luật trên là cần thiết để ngăn chặn các chiến dịch bôi nhọ nhằm vào nước này, còn phía Israel cho rằng Ba Lan đang cố tình chối bỏ sự thật lịch sử, trong đó người dân Ba Lan nghi ngờ có dính líu tới các vụ thảm sát Holocaust.
Theo thống kê, có khoảng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có gần 3 triệu người gốc Do Thái, đã bị phát xít Đức giết hại trên phần lãnh thổ của Ba Lan trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai./.
Youtube công khai xin lỗi Thủ tướng Ba Lan vì lỗi dịch thuật