Tổng thống Nga Putin ca ngợi quan hệ với Trung Quốc

VOV.VN -Chuyến thăm của ông Putin sẽ hỗ trợ mạnh cho cả Nga và Trung Quốc về chính trị, kinh tế trong bối cảnh cả hai  đang rất cần chỗ dựa.

Hôm 20/5, Tổng thống Vladimir Putin đã gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một động thái nhằm củng cố vị thế ngoại giao cho Nga, vốn đang bị phương Tây tìm cách cô lập sau vụ Crimea.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồ hởi dón tiếp Tổng thống Nga Putin tại lễ đón tiếp chính thức dành cho ông tại Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh: AP)


Tuy nhiên phát ngôn viên của ông Putin cho biết hai bên chưa nhất trí về một thỏa thuận khí đốt trị giá nhiều triệu USD đã được dự đoán.

Tổng thống Putin gặp Chủ tịch Tập vào lúc khai mạc một cuộc họp hai ngày về an ninh châu Á cùng với các lãnh đạo Iran và Trung Á. Lãnh đạo Nga hy vọng mở rộng các thỏa thuận của nước mình với châu Á và đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu khí gas của mình, mà hiện thời chủ yếu là ở châu Âu.

Thỏa thuận khí đốt đàm phán cả thập kỷ

Trong hơn một thập kỷ qua, Nga và Trung Quốc đã đàm phán một thỏa thuận khí đốt có thời hạn 30 năm. Các quan chức cho biết họ hy vọng hoàn thành kịp công việc này để có thể ký kết một hợp đồng trong thời gian ông Putin ở thăm Thượng Hải. Tuy nhiên phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin cho hay, vào ngày 20/5 công việc chuẩn bị vẫn chưa xong.

Các cơ quan thông tấn Nga dẫn lời ông Peskov nói: “Đã đạt được các bước phát triển đáng kể về khí đốt, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết liên quan đến giá cả”. Theo ông này, hợp đồng có thể ký kết vào “bất cứ thời điểm nào”.

Một hợp đồng vào thời điểm này sẽ mang lại cho Moscow sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị vào thời điểm họ bị phương Tây trừng phạt. Áp lực lên Moscow được cho là sẽ giúp Bắc Kinh mặc cả giảm giá mua khí đốt.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew trong một chuyến thăm vào tuần trước đã kêu gọi Trung Quốc tránh thực thi các bước đi có thể làm giảm hiệu lực của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp dụng đối với Nga. Tuy vậy, các quan chức Mỹ vẫn phải thừa nhận Trung Quốc có nhu cầu rất mạnh về năng lượng.

Cả ông Putin và ông Tập đã dự buổi ký kết 49 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, vận tải và cơ sở hạ tầng, tuy nhiên chưa có chi tiết nào được công bố tại buổi lễ.

Giá khí đốt là điểm then chốt trong dự thảo thỏa thuận giữa công ty Gazprom thuộc sở hữu của chính phủ Nga và công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc.

Thỏa thuận dùng đường ống dẫn khí đốt từ Siberia vào vùng đông bắc Trung Quốc sẽ giúp Nga đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Nó cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng thiếu khí đốt ở Trung Quốc và sự phụ thuộc của nước này vào than đá.

Tổng thống Putin ca ngợi quan hệ với Trung Quốc

Trước chuyến thăm, Tổng thống Putin có nói với các phóng viên Trung Quốc rằng hợp tác Trung-Nga đã đạt tới mức cao nhất từ trước tới nay.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Putin nói: “Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy của chúng tôi. Mở rộng hợp tác với Trung Quốc, không nghi ngờ gì nữa, là ưu tiên ngoại giao của Nga”.

Cả ông Putin và ông Tập theo kế hoạch sẽ khởi động một cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước ở vùng phía bắc của Biển Hoa Đông.

Hai nước này đã phát triển quan hệ đối tác chiến lược sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Quan hệ này bao gồm các mối quan hệ gần gũi về chính trị, kinh tế và quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là ở vùng Trung Á.

Một thỏa thuận ký vào tháng 3/2013 kêu gọi Gazprom giao 38 tỷ (hoặc 60 tỷ) mét khối khí đốt mỗi năm, bắt đầu từ năm 2018.

>> Xem thêm: Viễn Đông Nga phụ thuộc nguồn vốn, nhân công Trung Quốc

Theo kế hoạch hai bên sẽ xây một đường ống nối miền đông bắc Trung Quốc với một tuyến dẫn khí từ tây Siberia tới cảng Vladivostok của Nga ở bờ Thái Bình Dương.

Một thỏa thuận khí đốt nếu được ký sẽ có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ là một “đồng minh trên thực tế với Nga”, Vasily Kashin – một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow đưa ra ý kiến.

Kashin viết rằng, để đổi lại, Moscow có thể dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc ở Nga và đối với các công nghệ quân sự xuất khẩu. “Trong một tương lai xa hơn, không thể loại trừ một liên minh quân sự đầy đủ giữa hai bên”.

>> Xem thêm: Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ chưa từng thấy

Tuy nhiên, ông này nói sẽ còn mất hàng năm để Trung Quốc có thể sánh được với vai trò của EU ở Nga. “Khi điều này đã đạt được thì cả Trung Quốc và Nga sẽ ít có nguy cơ bị tổn thương hơn trước bất cứ áp lực tiềm tàng nào của phương Tây, và dĩ nhiên, điều này sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của cả hai nước.”/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên