Ukraine trước thời hạn chót giải quyết cuộc xung đột khí đốt với Nga

VOV.VN - Nếu cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài trong suốt mùa đông, các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, Ukraine lại phải đối mặt với một vấn đề khó khăn khác, đó là tranh cãi khí đốt với Nga. Chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn chót mà nước này phải thanh toán các khoản nợ khí đốt, nếu không Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine bắt đầu từ ngày 3/6 tới.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới Ukraine, vốn đang chìm trong các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng, mà còn tác động  mạnh  mẽ tới các nước Liên minh châu Âu vốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.  

Phát biểu tại một Hội nghị doanh nghiệp ở Thủ đô Athens, Hy Lạp, Giám đốc điều hành Tập đoàn khí đốt Gazprom Alexei Miller của Nga ngày 29/5 cho biết, ông hy vọng trong vài ngày tới sẽ đạt được một thỏa thuận với Ukraine nhằm giải quyết những tranh cãi về khí đốt, để vấn đề này không gây ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu.

Ông Alexei nói: “Trong vài ngày tới, chúng tôi hi vọng một thỏa thuận sẽ đạt được và Ukraine sẽ thanh toán các khoản nợ. Gazprom cũng đã sẵn sàng áp dụng hệ thống thanh toán trước từ tháng 6 tới và thời hạn chót để thanh toán các khoản nợ là vào ngày 2/6”.

Theo lộ trình mà châu Âu đề xuất ngày 26/5 vừa qua, đến ngày 29/5, Ukraine phải thanh toán trước 2 tỷ USD tiền nợ khí đốt từ tháng 11 năm ngoái cho Gazprom. Sau đó các cuộc đàm phán sẽ được nối lại về vấn đề giá khí đốt có thể áp dụng cho các đợt giao hàng tiếp theo.

Giai đoạn 2, tức là ngày 7/6, Ukraine sẽ phải thanh toán tiếp 500 triệu USD tiền nợ cho Gazprom. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực thi, bởi Ukraine từ chối mức giá khí đốt mà Nga đang áp dụng và tuyên bố sẽ chỉ thanh toán các khoản nợ sau các cuộc đàm phán về việc giảm giá khí đốt.

Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga hôm 29/5 một lần nữa nhắc lại rằng, Ukraine cần thanh toán nợ trước khi tính tới chuyện đàm phán giảm giá mua khi đốt. Vì thế, nếu đến hết ngày 2/6, các bên vẫn không đạt được sự thỏa hiệp, Gazprom có thể ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine.

Từ cuối tháng 4 vừa qua, sau chính biến tại Ukraine và việc nước này không thanh toán tiền mua khí đốt trong vài tháng qua, Nga đã quyết định hủy bỏ các ưu đãi đang áp dụng với nước này và đề xuất phương án cho Ukraine mua khí đốt theo phương thức trả trước. Theo Liên minh châu Âu (EU), tiền nợ khí đốt của Ukraine mua từ Nga đã chạm mốc 4 tỷ euro.

Với 1/4 lượng nhập khẩu khí đốt là từ Nga và được trung chuyển qua Ukraine, Liên minh châu Âu đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về hậu quả của những xung đột về khí đốt giữa Nga và Ukraine và phải đưa ra đề xuất về một khuôn khổ đàm phán. Việc cắt nguồn cung khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine vào đầu tháng 6 tới, thời điểm mùa hè đang tới gần, được xem là sẽ không gây hậu quả quá nghiêm trọng như căng thẳng giữa Nga và Ukraine hồi đầu năm 2009.

Tuy nhiên, điều này cũng không khỏi khiến châu Âu lo ngại. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barros, Liên minh châu Âu “vẫn rất dễ bị tổn thương”, bởi trong 1 thập kỷ qua, Liên minh châu Âu phải nhập khẩu tới 53% nhu cầu khí đốt của mình và nhà cung cấp chính lại là Nga. Vì thế, nếu cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ucriana tiếp tục kéo dài trong suốt mùa đông, các nước châu Âu sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Trong một phát biểu mới đây tại Thủ đô Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ lo ngại về vấn đề này và thúc giục các bên không nên gắn chính sách năng lượng với cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Ukraine.

Ông Steinmeier nói: “Những rối loạn về nguồn cung khí đốt có thể gây thiệt hại cho tất cả các bên và vì thế chúng ta cần nỗ lực để đảm bảo rằng, chính sách năng lượng hiện nay, cũng như nguồn cung năng lượng không bị gắn với cuộc xung đột chính trị giữa Đông và Tây, giữa Nga và Ukraine hay giữa Nga và Liên minh châu Âu”.

Trong ngày 30/5 sẽ diễn ra cuộc họp khẩn giữa Nga, Ukraine và các đại diện Ủy ban châu Âu để thảo luận về vấn đề này. Và tới ngày 26-27/6 tới, tại Brussels, Bỉ cũng diễn ra một Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu để thảo luận vấn đề an ninh năng lượng và các kế hoạch hành động nhằm giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên