Vén bức màn bí ẩn sau vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei
VOV.VN - Cuộc điều tra của Mỹ đối với Huawei xoay quanh mối liên hệ đáng ngờ của tập đoàn này với hai công ty viễn thông khác liên hệ với Iran và Syria.
Hãng tin Reuters vừa cho biết, vụ kiện của Mỹ đối với bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, Trung Quốc xoay quanh mối liên hệ đáng ngờ giữa tập đoàn này với công ty bán thiết bị viễn thông Skycom hoạt động tại Tehran và công ty chủ quản của Skycom là Canicula đăng ký kinh doanh tại Mauritius.
Bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Reuters. |
Nhà chức trách Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu đã lừa dối các ngân hàng quốc tế để thực hiện giao dịch với Iran bằng cách thông báo hai công ty nêu trên tách biệt hoàn toàn với Huawei, trong khi trên thực tế, Huawei lại điều phối cả hai công ty này. Hồ sơ doanh nghiệp và các tài liệu khác do Reuters phát hiện cho thấy Huawei có mối liên hệ rất chặt chẽ với Skycom và Canicula. Theo những tài liệu này, Huawei dường như đã chỉ định 1 nhân vật điều hành cấp cao của tập đoàn làm giám đốc Skycom tại Iran. Thêm vào đó, ít nhất 3 người Trung Quốc có quyền ký tài khoản ngân hàng của Huawei và Skycom tại Iran. Một luật sư Trung Đông còn tiết lộ Huawei hoạt động ở cả Syria thông qua Canicula.
Những mối liên hệ chưa từng được tiết lộ giữa Huawei với Skycom và Canicula có thể gây bất lợi cho bà Mạnh Vãn Chu bởi nó đi ngược lại tuyên bố của Huawei rằng Skycom chỉ đơn thuần là đối tác kinh doanh và hoạt động độc lập với tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc này.
Chính quyền Mỹ cáo buộc Huawei đã nắm quyền kiểm soát Skycom, sử dụng công ty này để bán thiết bị viễn thông cho Iran và chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Kết quả là sự lừa dối này đã khiến các ngân hàng thực hiện những giao dịch trị giá hàng trăm triệu USD, vi phạm biện pháp trừng phạt của Mỹ với những công ty làm ăn với Iran. Hiện bà Mạnh Vãn Chu và phía tập đoàn Huawei vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào đối với các thông tin trên, trong khi người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ cũng từ chối bình luận.
Bà Mạnh Vãn Chu đã được tại ngoại vào ngày 11/12/2018 với 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh và hiện giờ vẫn ở Vancouver, Canada, trong lúc chờ phiên tòa dẫn độ về Mỹ. Tại Mỹ, bà Mạnh sẽ phải đối mặt với các tội danh liên quan đến cáo buộc âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính. Mức án tối đa cho mỗi tội danh là 30 năm tù.
Giao dịch ngầm với Iran
Reuters cho biết, Skycom đã đề xuất bán linh kiện và trang thiết bị của dòng máy tính HP trị giá khoảng 1,3 triệu USD - vốn nằm trong lệnh cấm vận của Mỹ, cho nhà điều hành mạng điện thoại di động lớn nhất của Iran vào năm 2010. Ít nhất 13 trang trong đề xuất được đánh dấu là “tài liệu tuyệt mật của Huawei” và mang logo của tập đoàn. Tuy nhiên, Huawei cho biết cả tập đoàn này và công ty Skycom đều không cung cấp linh kiện của Mỹ cho Iran.
Reuters cho biết thêm, có rất nhiều mối liên hệ về tài chính và nhân sự giữa Huawei với Skycom, trong đó có cả thông tin bà Mạnh Vãn Chu đã làm việc trong ban giám đốc điều hành Skycom từ tháng 2/2008 đến tháng 4/2009. Song các nhà điều tra Mỹ cho rằng, khi trả lời, bà Mạnh và các nhân viên khác của Huawei đã nhiều lần nói dối về mối quan hệ của Huawei với Skycom, không hề tiết lộ thông tin về việc Skycom hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc này. Phía Mỹ cho biết, tại cuộc gặp riêng với giám đốc điều hành một ngân hàng vào tháng 8/2013, bà Mạnh Vãn Chu nói rằng Huawei đã bán cổ phẩn của tập đoàn cho Skycom, nhưng không tiết lộ bên mua chính là “công ty do tập đoàn này kiểm soát”.
Còn theo tài liệu của tòa án, đại diện Huawei đã nói với vị Giám đốc kia rằng tập đoàn này đã bán cổ phần ở Skycom vào năm 2009 – cùng thời điểm bà Mạnh Vãn Chu rời bỏ vị trí trong Hội đồng quản trị của Skycom. Bên mua cổ phần không được nêu rõ trong tài liệu.
Tuy nhiên, hồ sơ của Skycom nộp tại Hong Kong – nơi công ty đăng ký kinh doanh cho thấy, cổ phần của công ty này đã được chuyển giao cho Canicula vào tháng 11/2007 và Canicula tiếp tục nắm cổ phần của Skycom trong khoảng 10 năm sau đó.
Liên hệ với Syria
Canicula từng có một văn phòng ở Syria – quốc gia đang phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu, khoảng 2 năm về trước. Vào tháng 5/2014, một trang web kinh doanh ở Trung Đông có tên Aliqtisadi.com đã đăng một bài viết ngắn về việc giải thể một công ty của Huawei ở Syria chuyên về thiết bị máy rút tiền tự động (ATM). Osama Karawani, luật sư của công ty này ngay lập tức đã viết thư yêu cầu trang mạng trên sửa lại thông tin và nói rằng bài báo đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Huawei.
Theo ông Osama Karawani, bài báo trên đưa tin tập đoàn Huawei và công ty con chuyên về thiết bị ATM bị giải thể nhưng thực tế, Huawei vẫn đang hoạt động. “Huawei đã và đang hoạt động tại Syria thông qua một vài công ty như công ty Công nghệ Huawei và công ty Canicula”. Một nhân vật thân cận với cuộc điều tra cho biết, các nhà điều tra Mỹ đã nhận thấy sự liên kết của Canicula với Syria.
Theo nguồn tin này, khách hàng của Canicula có 3 công ty, trong đó có MTN Syria, công ty con của tập đoàn MTN Nam Phi – chuyên kinh doanh điện thoại di động tại Syria và Iran. Một nguồn tin khác cho biết, chính MTN đã khuyên Huawei nên thành lập văn phòng của Skycom tại Iran và “Skycom chỉ là bình phong cho Huawei”. Vào tháng 12/2017, báo chí Syria đăng tải thông báo của giám đốc điều hành chi nhánh của Canicula tại Syria cho biết, Canicula đã hoàn toàn ngừng hoạt động tại Syria khoảng 2 tháng về trước./.
Huawei giáng chức nhân viên vì đăng Twitter bằng iPhone
Sau vụ Giám đốc Huawei, Trung Quốc bắt giữ 13 công dân Canada
Mỹ tính cấm cửa thiết bị từ Huawei và ZTE, Trung Quốc phản ứng ra sao?
Séc quan ngại sản phẩm của Huawei đe dọa an ninh quốc gia