Cử tạ Việt Nam sang Bulgaria tập huấn

Gương mặt số 1 ở nhà

Do bận học văn hoá cùng nhiều lý do khác, gương mặt số 1 của cử tạ Việt Nam Thạch Kim Tuấn sẽ không có mặt trong chuyến tập huấn này

Cuối tháng 8 này, 2 đại diện của cử tạ Việt Nam sẽ lên đường sang Bulgaria tập huấn trong khoảng 3 tháng để chuẩn bị cho 2 giải đấu rất quan trọng vào cuối năm là giải Vô địch thế giới và SEA Games 26. Đáng chú ý, gương mặt đang được đánh giá là số 1 của cử tạ Việt Nam, Thạch Kim Tuấn không có tên trong danh sách và chỉ có Trần Lê Quốc Toàn và Nguyễn Thị Lợi.

“Tuấn sẽ chỉ tập luyện ở nhà”

Lý giải về chuyện này, Trưởng bộ môn cử tạ, Tổng cục TDTT, ông Đỗ Đình Kháng cho biết: “Sở dĩ Tuấn không có tên là vì một số lý do riêng. Trong đó có cả lý do Tuấn bận học văn hoá”.

Ai cũng biết, Bulgaria vốn là đất nước rất mạnh về cử tạ, lại là quê hương của chuyên gia Danikov, người đang được Tổng cục TDTT mời huấn luyện đội cử tạ QG. Liên tục mấy năm trước đây, “đàn anh” Hoàng Anh Tuấn cũng từng được cử sang đây tập huấn dài hạn và tấm HCB Olympic Bắc Kinh 2008 cũng một phần nhờ vào quá trình tập huấn ở đây với thày giỏi. Chính vì thế việc Thạch Kim Tuấn không có tên trong danh sách đi lần này khiến giới hâm mộ ít nhiều cảm thấy tiếc. Nhưng rõ ràng, việc Tổng cục TDTT không cử Tuấn ra nước ngoài tập huấn là có lý do riêng. 

Lâu nay, Thạch Kim Tuấn vốn không quen với việc ở xứ lạnh. Những tháng cuối năm tiết trời ở Bulgaria nhiệt độ khá thấp. Mà với việc thi đấu “ép cân” từ 58kg xuống còn 56kg như của Tuấn lại bị ảnh hưởng bởi thời tiết thì việc tập huấn sẽ không như ý.

Bằng chứng là tại giải trẻ thế giới vừa rồi, trời Malaysia có se lạnh thôi mà đầu gối của Tuấn đã không quen, dẫn đến sai sót ở khâu khởi động, không đạt thành tích như ý ở cả hai nội dung cử giật, cử đẩy, chỉ giành được 1 HCB và 2 HCĐ.  Còn chuyện học văn hoá, đó vẫn là ý nguyện của chàng lực sỹ TP.HCM vì thời gian qua, do hoàn cảnh gia đình và bận tập luyện, Tuấn đã bỏ ngang quá nhiều khi dừng ở mức học lớp 6.

Ngoài ra, cũng còn một số lý do khác nằm trong chiến lược của các nhà quản lý, nhất là sau khi có những thông tin băn khoăn về việc Tuấn “lớn quá nhanh” khiến lực sỹ này vất vả trong việc giữ cân để có thể thi đấu ở mức 56kg. Do vậy sau khi cân nhắc kỹ, các nhà chuyên môn đã quyết định để Thạch Kim Tuấn tập huấn “ở nhà”. Cũng theo ông Kháng, dù không đi Bulgaria, nhưng Tổng cục TDTT sẽ cử Tuấn tham dự một vài giải đấu quan trọng như giải vô địch châu Á, tổ chức vào tháng 9 tới tại Pattaya, Thái Lan để Tuấn có thêm cơ hội chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng hơn vào cuối năm nay.

Vẫn bí mật việc chọn ai cho mục tiêu kiếm vé dự Olympic

Trở lại hai trường hợp được cử tới Bulgaria tập huấn lần này, cả Quốc Toàn và Nguyễn Thị Lợi hiện còn rất trẻ. Nếu như Nguyễn Thị Lợi đang được giới chuyên môn đặt nhiều hy vọng sẽ là người thế chỗ ở vị trí của nữ lực sỹ Nguyễn Thị Thiết (hạng 63kg) sau khi Thiết giã từ đội tuyển, thì trường hợp của Toàn lại khá đặc biệt bởi Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn cùng tranh ở hạng 56 kg.

Theo nhận xét của ban huấn luyện, 2 lực sĩ này khá đồng cân đồng lạng, trong đó Thạch Kim Tuấn mạnh về cử giật khi thường xuyên nâng ở mức 125 kg và cử đẩy là 150 kg, còn Toàn lại yếu hơn Tuấn ở cử giật (120 kg), nhưng lại mạnh hơn ở cử đẩy khi thường vượt qua mức 155 kg. Ngoài ra, hình thể và tố chất của Toàn phù hợp với hạng cân này hơn, trong khi Tuấn lại có sức trẻ (17 tuổi) và kinh nghiệm thi đấu...

Chính vì thế, để đưa ra quyết định cử Toàn và Tuấn tập huấn ở đâu hay tập trung vào giải nào, trong bối cảnh giải VĐTG và SEA Games diễn ra quá gần nhau (Giải VĐTG diễn ra tại Pháp từ ngày 5 - 13/11 còn SEA Games khai mạc từ 11 - 23/11) thời gian qua cũng là bài toán khó, khiến các nhà chuyên môn đau đầu không ít. Khả năng, phải đến tháng 9, thời điểm đoàn TTVN gút danh sách nộp cho BTC SEA Games 26, vấn đề này sẽ rõ ràng hơn.

Riêng ở SEA Games 26, nghe đâu, chuẩn bị cho sân chơi này, một vài nước trong khu vực như Myanmar, Singapore… đã bắt đầu nhập khẩu VĐV cử tạ từ Trung Quốc. Thế nên, cuộc chiến ở SEA Games 26 được dự báo sẽ rất căng thẳng. Trong tình hình lực lượng kế thừa còn mỏng cộng với phải phân chia cho 2 “mặt trận” nên cử tạ Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu 1 HCV./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên