"Đi hay ở"- Tổng thống Assad chỉ nghe quyết định của dân Syria
VOV.VN -Tổng thống Assad: “Về việc nên ở hay đi, tôi chỉ nghe người dân Syria và không quan tâm tới những gì LHQ đưa ra hay bất kỳ ai khác ngoài Syria.”
“Ưu tiên hàng đầu của Syria hiện nay là chống khủng bố. Không thể bàn về vấn đề chính trị trong khi nguy cơ khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, người dân Syria có quyền lựa chọn người đứng đầu của họ trong tương lại. Đó là khẳng định của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây tại thủ đô Damas hồi đầu tuần này.
Tổng thống Assad cho biết, mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ Syria phải đối mặt với khủng bố ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ.
Tổng thống Assad (trái) phát biểu trong cuộc phỏng vấn của truyền hình Trung Quốc (Ảnh: Reuters). |
Người dân Syria đang gặp phải nguy hiểm. Ông Assad cho rằng, khủng bố, cực đoan ở Syria có sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên ngoài.
Iran và Nga đã hỗ trợ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Syria và đã đạt được một số thành công.
Một số quan điểm cho rằng, để đạt được một nền hòa bình cần thực hiện các bước chuyển tiếp chính trị với sự ra đi của ông Assad.
Vấn đề này, Tổng thống Syria cho hay: “Trước hết người dân Syria có quyền lựa chọn người đứng đầu của họ, đồng thời là người chịu trách nhiệm cho bất kỳ cuộc xung đột hay các vấn đề chứ không phải Liên Hợp quốc. Một số quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ như Pháp, Anh, Mỹ đang sử dụng LHQ trong các chương trình nghị sự nhất là vấn đề chính trị và thay đổi các chính phủ khác khi họ không tuân thủ hay đáp ứng các yêu cầu của họ. Về việc nên ở hay đi, tôi chỉ nghe người dân Syria và không quan tâm tới những gì LHQ đưa ra hay bất kỳ ai khác ngoài Syria.”
Trả lời câu hỏi cá nhân ông và các thành viên Chính phủ Syria có cảm thấy hối hận trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua hay không và nếu phải thay đổi, ông sẽ làm gì?
Tổng thống Bashar al-Assad trình bày: “Trước hết cần phân biệt giữa các ý kiến của Tổng thống hoặc trách nhiệm và các nhiệm vụ… được quy định trong Hiến pháp. Chính phủ Syria cũng như các quan chức phải bảo vệ đất nước mình. Chúng tôi cảm thấy tội lỗi và hối tiếc khi không bảo vệ được đất nước của mình. Thứ hai, đối thoại giữa các phe phái ở Sria một cách cởi mở bởi vì không có một nước hay một chính phủ nào có thể đối thoại với các phần tử khủng bố. Nhưng trong trường hợp này, chúng tôi đối thoại với tất cả để có ổn định và không đổ máu. Vậy thì làm sao lại hối tiếc? Còn hối tiếc về những sai sót trong từng chính sách cam kết thực hiện là một vấn đề khác. Tôi cho rằng nếu có sai sót thì phải sửa để không cảm thấy hối hận vì những sai lầm đó. Nhưng vấn đề là khủng bố từ đâu ra, ai ủng hộ và bảo trợ cho các hoạt động khủng bố ở Syria? Đó mới là người phải hối hận”.
Về tương lai của Syria sau cuộc khủng hoảng này, Tổng thống Bashar al-Assad nhấn mạnh, cuộc chiến ở Syria còn rất khó khăn và là bài học cho bất kỳ đất nước nào. Tuy nhiên, sau thất bại phải là thành công vì đã có những bài học.
Sau cuộc khủng hoảng này, hệ thống chính trị, quân sự hay cơ cấu tổ chức… phải hoạt động theo Hiến pháp Syria và trên cơ sở trưng cầu ý kiến người dân về các điều khoản của Hiến pháp./.
Cuộc chiến Syria vẫn là vòng luẩn quẩn của bế tắc