Hội thảo chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020

Hội thảo bàn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, đặc biệt là ý kiến của An Giang.

Tại hội thảo, Phó giám đốc Sở VHTT&DL An Giang Phạm Thế Triều đã thẳng thắn phát biểu: Việc thể thao Việt Nam phấn đấu lọt vào top 3 ở các kỳ SEA Games là không thể chấp nhận được. Chỉ tiêu khiêm tốn này không tạo cột mốc phấn đấu cho thể thao Việt Nam.

Tiếp đó, ông Triều đã khiến hội nghị bàn tán sôi nổi qua việc áp dụng chế độ đãi ngộ cho các VĐV An Giang. Đó chính là việc thể thao An Giang chuẩn bị áp dụng chế độ đãi ngộ mới hấp dẫn thông qua tính điểm tích lũy thành tích của VĐV đạt được ở các giải trong nước, Đông Nam Á, châu Á, Olympic hay thế giới. Với cách tính này, khi nghỉ thi đấu, tùy điểm số tích lũy các VĐV sẽ nhận được 100, 200 đến 300 triệu đồng/người.

Cũng theo ông Triều, với chế độ đãi ngộ này, ngoài việc kích thích nỗ lực tập luyện, các VĐV sẽ không ra đi do sợ để mất điểm tích lũy có được trước đó.

Về chế độ đãi ngộ cho VĐV trong chiến lược phát triển thể thao Việt Nam, bà Lê Nguyệt Nga - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học TDTT II - đặt vấn đề: “Chúng ta luôn vận động gia đình các VĐV cống hiến nhưng Nhà nước đã hỗ trợ lại họ như thế nào? Ngoài ra, chế độ đãi ngộ và đầu ra cho các VĐV vẫn chưa được thực hiện một cách chu đáo để các VĐV có thể yên tâm cống hiến”. Tiếp đó, ông Huỳnh Trọng Khải - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TDTT TP.HCM - đề xuất cần phải có thêm phần chính sách trong chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020.

Có mặt tại hội thảo, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu, phát biểu: “Nếu không có đủ tiền để đầu tư cho thể thao vào lúc này thì chúng ta cũng phải đưa ra được những hướng đi cho tương lai. Tôi nói điều này bởi nếu chúng ta không thực hiện được vào hôm nay thì con cháu chúng ta sẽ thực hiện ở ngày mai”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên