Sau khi được tìm thấy, đội bóng Thái Lan đối mặt với nguy cơ gì?

VOV.VN - Việc phải chờ đợi giải cứu trong thời gian dài sẽ khiến động bóng thiếu niên Thái Lan gặp nhiều vấn đề về tâm lý cũng như thể chất.

Đội bóng thiếu niên Thái Lan gồm 12 thành viên từ 6 đến 11 tuổi và 1 huấn luyện viên được tìm thấy an toàn trong hang Tham Luang sau khi mất tích trong 9 ngày. Theo các chuyên gia, do hang động có địa hình phức tạp cùng với mực nước tăng cao nên việc đưa họ ra ngoài vào lúc này chưa thể thực hiện được. Nhiều khả năng họ phải ở lại đây cho tới tháng 10 chờ nước lũ rút dần. Đây sẽ là khoảng thời gian đầy khó khăn thử thách vì họ phải đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý cũng như thể chất.

Lính đặc nhiệm Hải quân Hoàng gia Thái Lan nỗ lực giải cứu đội bóng bị mắc kẹt trong hang Tham Luang. Ảnh: The Nation.

Các nạn nhân dễ bị sang chấn tâm lý

David Paterson, một nhà tâm lý học tại Đại học Oxford cho biết, những thách thức mà các nạn nhân đang phải đối mặt sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ. “Việc phải sống trong không gian chật hẹp, không có ánh sáng tự nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến họ. Sự vững vàng về tinh thần trong tình huống này đóng vai trò rất quan trọng”.

Ông Paterson cũng so sánh các điều kiện trong hang động với sự cô lập mà các phi hành gia phải trải qua trong không gian. Các nghiên cứu cho thấy, duy trì liên lạc tốt với những thành viên trong nhóm, nhận thức được tình hình, bám sát chu kỳ ngày và đêm sẽ giúp phi hành gia duy trì tinh thần khỏe mạnh. Áp dụng vào tình huống hiện tại, việc giữ liên lạc thường xuyên với các nhân viên cứu hộ và thành viên trong gia đình sẽ giúp cải thiện tâm trạng của các thành viên trong đội bóng, khiến họ có nhiều động lực hơn.

Sandy Capaldi, nhà tâm lý học tại Trường Đại học Pennsylvania cho biết, bị mắc kẹt trong một không gian hẹp nhiều ngày có thể dẫn đến sự sợ hãi, lo lắng, bất lực và tuyệt vọng. Ảnh hưởng về tâm lý đối với trẻ em cũng khác biệt nhiều so với người trưởng thành. “Người trưởng thành có thể phân tích tình hình hợp lý hơn. Họ sẽ luôn tự nhủ rằng trước hay sau thì đội cứu hộ cũng sẽ đến bởi mọi người sẽ tìm kiếm họ. Nhưng trẻ em thì không như vậy và các em sẽ có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn”.

“Thậm chí khi đã gặp được đội cứu hộ, thì sự thật rằng bạn phải chờ đợi nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới được giải cứu cũng gây ra nỗi sợ hãi”, Sandy nói. Các ảnh hưởng về tâm lý cũng có thể kéo dài sau khi con người thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm. Họ sẽ gặp ác mộng, khó chợp mắt, quá cảnh giác hoặc mất tập trung. Theo Sandy, đối với một số người, những phản ứng này giảm dần theo thời gian nhưng với một số người khác chúng sẽ kéo dài, thậm chí dẫn đến rối loạn hay sang chấn tâm lý”.

Sandy Capaldi  cho rằng, với trẻ em và thanh thiếu niên, khi trải qua một sự kiện đau thương hay vô cùng sợ hãi sẽ dễ dàng mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (gọi tắt là PTSD).

Đội bóng thiếu niên Thái Lan. Ảnh: CNN.

Ảnh hưởng đến thể chất?

Tiến sĩ Paul Auerbach, một chuyên gia y tế tại Đại học Stanford cho rằng,  bị mắc kẹt trong hang động hay một nơi nào đó trong tự nhiên có thể đe dọa sức khỏe của con người, chẳng hạn như dễ bị các loại động vật có nọc độc như rắn hay bọ cạp tấn công, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Thêm vào đó, sự thay đổi nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của cơ thể. Hạ thân nhiệt hay tăng thân nhiệt đều nguy hại.

Ông Paul Auerbach nói thêm: “Các nạn nhân có thể bị mất nước, suy dinh dưỡng cấp tính vì vậy cần được hỗ trợ rất nhiều để đảm bảo an toàn. Việc điều trị y khoa sẽ gồm các bước như bù nước, bù điện giải qua đường tiêm tĩnh mach hoặc đường uống. Do hệ thống tiêu hóa hoạt động kém vì thiếu thức ăn nên cần phải cung cấp glucose và những loại thức ăn dễ tiêu”.

Làm sao giúp đội bóng sống sót trong hang thời gian dài?

Theo ông Narongsak Ostanakorn, thống đốc khu vực Chiang Rai, không ai trong các nạn nhân bị mắc kẹt trong tình trạng nguy kịch, nhưng một số người có thể đã bị thương. Họ đã được cung cấp thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh để dùng trong trường hợp cần thiết.

Mike Tipton, nhà sinh lý học tại Đại học Portsmouth, Anh cho biết, để có thể sống được trong những điều kiện khắc nghiệt phụ thuộc vào một số yếu tố chính như oxy, nhiệt độ ổn định và phù hợp với điều kiện sống, có lương thực và nước uống. Xét về hai đặc tính đầu tiên thì hang động có các điều kiện thích hợp như đủ oxy và nhiệt độ vừa phải để con người có thể sống được.

Theo CNN, nhiệt độ trong hang được cho là từ 20 đến 25 độ C, tức là vẫn khá ấm. Thêm vào đó, cấu tạo đá vôi lỗ chỗ của hang khiến không khí và oxy sẽ vào được bên trong, cho dù có một số hang động ở khu vực được biết đến là nơi có các túi khí độc, carbon dioxide.

Một số báo cáo cho biết, các thành viên trong đội bóng đã sống sót bằng cách uống nước từ các khối thạch nhũ trong hang động. Giờ thợ lặn đã liên lạc được với họ và cung cấp thực phẩm cũng như nước uống sạch cho các nạn nhân.

Các thành viên bị mắc kẹt có thể phải ở lại trong hang nhiều tháng. Vấn đề nan giải là làm thế nào cung cấp đủ lượng thức ăn cho họ trong suốt một thời gian dài. Điều này đang được nhà chức trách Thái Lan cân nhắc. Mike Tipton  cho biết: “Tỉ lệ sống sót sẽ cao hơn khi cơ thể được tích trữ chất béo và đường. Cần phải tránh nạp quá nhiều protein vì protein sẽ làm gia tăng tình trạng háo nước”.

Câu hỏi tiếp theo là làm sao để duy trì đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể trong bóng tối. Sự gián đoạn nhịp sinh học có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe một người. Chu kỳ sinh học 24 giờ được thể hiện đồng bộ thông qua tiếp xúc với ánh sáng, vì vậy cần phải giúp các thành viên trong đội bóng duy trì nhịp sinh học của họ. Không phải ngẫu nhiên mà các thí nghiệm ban đầu về nhịp sinh học được thực hiện trong hang động.

“Nhưng ánh sáng không phải là yếu tố duy nhất, bạn có thể thiết lập lại nhịp sinh học bằng cách đặt khoảng thời gian giữa các bữa ăn”, Tipton nói.

Huấn luyện viên sẽ bị truy cứu trách nhiệm?

Huấn luyện viên của đội bóng thiếu niên nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm khi đã tự ý dẫn các thành viên vào hang và khiến các em gặp nguy hiểm. Tờ Bưu điện New York cho biết, nhà chức trách Thái Lan đang xem xét có hay không truy cứu trách nhiệm của Ekapol Chanthawong, 25 tuổi, huấn luyện viên đội bóng Wild Boars. Khi trả lời câu hỏi liệu huấn luyện viên  này có bị cáo buộc bất cứ tội danh gì hay không, cảnh sát trưởng đồn cảnh sát Mae Sai cho biết: “Chúng tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề”.

Nhiều người dân cho rằng, Ekapol Chanthawong nên thận trọng hơn khi dẫn đội bóng của mình đi tham quan hang động trong điều kiện thời tiết như vậy. Một người dân viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Huấn luyện viên nên cẩn thận khi dẫn trẻ em tới những nơi này. Anh ta phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chúng”. Tuy nhiên luật sư  người Thái Lan Chanthawong cho rằng, huấn luyện viên này không thể lường trước được tình huống lũ lụt xảy ra khiến anh và các thành viên đội bóng bị mắc kẹt trong nhiều ngày.

“Anh ấy không có động cơ gì. Trước khi họ vào trong hang động thì trời vẫn chưa mưa. Họ đã đến đó thường xuyên nên nghĩ rằng sẽ không có vấn đề gì".

Gia đình các nạn nhân cho biết, cả đội thường xuyên cùng nhau đi dã ngoại và tham gia các hoạt động ngoài trời như đạp xe trên các con đường núi, bơi ở thác nước hay khám phá hang động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ảnh: Toàn cảnh nỗ lực giải cứu đội bóng Thái Lan đầy cam go
Ảnh: Toàn cảnh nỗ lực giải cứu đội bóng Thái Lan đầy cam go

VOV.VN - Bất chấp khó khăn, lực lượng cứu hộ vẫn dốc sức giải cứu 13 người trong đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mất tích tại hang động Tham Luang.

Ảnh: Toàn cảnh nỗ lực giải cứu đội bóng Thái Lan đầy cam go

Ảnh: Toàn cảnh nỗ lực giải cứu đội bóng Thái Lan đầy cam go

VOV.VN - Bất chấp khó khăn, lực lượng cứu hộ vẫn dốc sức giải cứu 13 người trong đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mất tích tại hang động Tham Luang.

Cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt: Chờ nước rút hay dạy kỹ năng lặn?
Cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt: Chờ nước rút hay dạy kỹ năng lặn?

VOV.VN - Việc đưa 13 thành viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan ra khỏi hang động không hề dễ dàng do địa hình trong hang hiểm trở, lối đi lại rất hẹp.

Cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt: Chờ nước rút hay dạy kỹ năng lặn?

Cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt: Chờ nước rút hay dạy kỹ năng lặn?

VOV.VN - Việc đưa 13 thành viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan ra khỏi hang động không hề dễ dàng do địa hình trong hang hiểm trở, lối đi lại rất hẹp.

Những hình ảnh đầu tiên của đội bóng thiếu niên Thái Lan sau 9 ngày mất tích
Những hình ảnh đầu tiên của đội bóng thiếu niên Thái Lan sau 9 ngày mất tích

VOV.VN - Đội bóng thiếu niên Thái Lan gồm 12 cầu thủ trẻ và huấn luyện viên đã được tìm thấy an toàn sau 9 ngày mất tích trong hang động.

Những hình ảnh đầu tiên của đội bóng thiếu niên Thái Lan sau 9 ngày mất tích

Những hình ảnh đầu tiên của đội bóng thiếu niên Thái Lan sau 9 ngày mất tích

VOV.VN - Đội bóng thiếu niên Thái Lan gồm 12 cầu thủ trẻ và huấn luyện viên đã được tìm thấy an toàn sau 9 ngày mất tích trong hang động.