Những chuyện không liên quan đến trái bóng

Từ ĐT Anh đến V-League của Việt Nam, hay bóng đá ở bất cứ đâu trên thế giới, đều có vấn đề chung cần quan tâm là đạo đức và tư cách của cầu thủ

Trước trận đấu giao hữu giữa đội tuyển Anh và Ai Cập, HLV trưởng đội tuyển Anh Fabio Capello đã nói rằng, chính những đồng tiền kiếm được quá dễ dàng trên sân bóng khiến cầu thủ tha hóa về đạo đức.

Từ chuyện “trời tây”...

Trong lần tập trung này, ngoài việc phải lo lắng về sự xuống phong độ của hàng loạt trụ cột, HLV trưởng của Tam sư còn phải đau đầu về những chuyện chẳng dính dáng gì đến trái bóng. Hàng loạt những bê bối bị phanh phui và điều đó khiến cho nội bộ ĐT Anh dậy sóng.

Đội trưởng John Terry mất băng thủ quân và không còn nhận được sự tôn trọng mà anh có bấy lâu nay sau khi bị phát hiện đã lén lút quan hệ với bạn gái của Wayne Bridge. Hậu vệ Asley Cole bị phanh phui hàng loạt vụ lăng nhăng với đủ loại đối tượng, và cuộc tình lãng mạn bấy lâu nay của anh với cô vợ Cheryl đang đứng trên bờ vực thẳm. Những vụ cầu thủ nhậu nhẹt, chơi bời thác loạn ở hộp đêm, dính vào những rắc rối bị cảnh sát “hỏi thăm” thì nhiều vô số.

HLV đội tuyển Anh Capello

Ông Capello đã phải làm ngay một điều trước khi đưa các học trò ra sân tập bóng, là triệu tập cả ĐT lại và “lên lớp” về đạo đức. “Các cầu thủ là những tấm gương cho lớp trẻ, cho mọi CĐV và họ phải biết cách ứng xử đúng mực”, nhà cầm quân đầy kinh nghiệm này phát biểu. Ông Capello khẳng định: “Bóng đá giờ đây được coi trọng, bóng đá đem lại những khoản tiền lớn cho mỗi cầu thủ, và chính những đồng tiền kiếm được quá dễ dàng này làm cho đạo đức cầu thủ suy đồi”.

... đến chuyện “trời ta”

Những lời phát biểu của ông HLV ở xứ sở sương mù xa xôi xem ra lại rất gần, rất đúng với những gì đang xảy ra ở bóng đá Việt Nam. Vụ việc cầu thủ Molina của Bình Dương đột tử vì sử dụng chất kích thích quá liều trở thành hồi chuông báo động về nhân cách cầu thủ. Những ông Tây đá bóng đã dễ dàng kiếm được những khoản tiền lớn ở một môi trường như bóng đá Việt Nam, và từ đó, hàng loạt ngoại binh đi đến con đường ngập sâu vào đủ loại tệ nạn.

Không chỉ có ông Capello mới nói như vậy, những HLV lão làng của Việt Nam như ông Lê Thụy Hải hay Nguyễn Văn Vinh cũng đã từng lên tiếng cảnh báo về đạo đức cầu thủ. Cũng không chỉ có ngoại binh như Molina, hàng loạt cầu thủ nội binh cũng dính vào tệ nạn, khi họ đột nhiên trở nên giàu có. HLV Huỳnh Đức từng nhiều lần phải gọi điện nhắc nhở cầu thủ khi họ đang “bay lắc” ở trên sàn, hay phải trực tiếp đi “bắt” cầu thủ đánh bạc. Chuyện cầu thủ Việt Nam dính vào cờ bạc, ma túy, ẩu đả ngoài xã hội đã được nhắc đến nhiều lần. Đã từng có người tự tử vì nợ nần, có người bị đâm trọng thương khi lên sàn, còn chuyện một số cầu thủ dính vào chất kích thích vẫn cứ hàng tuần ra sân đá V-League đã chẳng còn xa lạ.

Bóng đá đã giúp những cầu thủ trở thành những tỷ phú có thu nhập gấp hàng chục lần những người lao động bình thường khác. Gắn cuộc đời với quả bóng, việc được học hành tử tế và được giáo dục về đạo đức cũng trở thành điều mà không phải ai cũng may mắn có được. Đồng tiền làm con người ta tha hóa, và trong môi trường bóng đá, điều ấy càng trở nên dễ dàng hơn.

Từ ĐT Anh đến V-League của Việt Nam, hay bóng đá ở bất cứ đâu trên thế giới, đều có vấn đề chung cần quan tâm là đạo đức và tư cách của cầu thủ. Một vấn đề đã cũ, nhưng chẳng bao giờ là thừa khi nhắc đến. Bóng đá không bao giờ “giết chết” ai cả, chỉ có người ta tự đưa mình đến cái chết, nếu không biết giữ mình khi để đôi chân làm bạn với quả bóng nhưng cũng đồng hành cùng tệ nạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên