Chuyện Lee Nguyễn ở Bình Dương

Chính sách “dụng nhân” của Bình Dương được cho là một trong những nguyên nhân khiến Lee Nguyễn từ “niềm hy vọng” trở thành “cục nợ”.

Ngày Lee Nguyễn đặt chân đến Việt Nam, làng bóng đá nước nhà được một phen mắt tròn mắt dẹt. Với bản thành tích cá nhân chói sáng: từng được gọi vào đội tuyển U20 Mỹ, đã thi đấu tại Hà Lan - nước có nền bóng đá hàng đầu châu Âu… cộng với “bài test chuyên môn” do chính ông bầu Đoàn Nguyên Đức mục sở thị, “đội bóng phố Núi” gián tiếp “thách thức” tất cả: rằng sở hữu Lee Nguyễn đồng nghĩa với việc HAGL sẽ tái chiếm vương miện.

Trong “dàn sao Tây Nguyên” bấy giờ, nhiều cầu thủ bất bình với phát ngôn của ông bầu nhưng không dám công khai bộc lộ. Không thể “đá” ông chủ, họ quay sang “đá” người đồng đội đến từ nửa vòng trái đất. Lee Nguyễn gần như bị cô lập trên sân. Anh buộc phải sắm cả hai vai, vừa kiến thiết cơ hội, vừa ghi bàn và… kiệt sức. Mùa giải ấy, đội bóng Gia Lai cứ lay lắt mãi với nửa cuối BXH và chỉ trụ hạng ở những vòng đấu cuối cùng. Lee Nguyễn đã không thể làm hài lòng những ai từng kỳ vọng về mình, thậm chí năng lực của anh còn bị dư luận đặt một dấu hỏi.

Rời “phố Núi”, Lee Nguyễn về “đất Thủ”. Ai cũng nói B.Bình Dương như “hổ mọc thêm nanh”. Song, báo giới cũng không ít lần cảnh báo Lee Nguyễn bởi nơi đội “Chelsea Việt Nam” đóng quân, chưa bao giờ được nhìn nhận là “đất lành”. Biết bao tên tuổi lừng danh (cả cầu thủ và HLV) từng đến rồi đi trong… uất ức.

Sau giai đoạn lượt đi V.League 2011, “người hùng hai quốc tịch” được chờ đợi dạo nào không còn được gửi gắm niềm tin như một cầu thủ lớn. Có người đã không ngần ngại nói ra cái điều chẳng mấy tế nhị là nếu không vượt qua được một Leandro đang ngày một lấy lại phong độ thì Lee Nguyễn đừng nghĩ tới chuyện ra sân, cứ ngồi trên ghế dự bị cho… thoải mái, không bị ai tranh chấp - chuyện ra sân với tư cách nội binh hay ngoại binh nào có quan trọng gì?

Nói cho hết nhẽ, chính sách “dụng nhân” của Bình Dương cũng là một trong những nguyên nhân khiến Lee Nguyễn từ “niềm hy vọng” trở thành “cục nợ”. Ở cái tập thể mà tất cả đều cho mình là số 1, đương nhiên chẳng dễ có đất cho Lee Nguyễn thi tài. Mà có riêng gì Lee Nguyễn, bao nhiêu cầu thủ giỏi khác về sân Gò Đậu cũng đang “chật vật” tìm lại mình đó thôi? Ngay cả Leandro, dù đã gắng khẳng định mình không phải bản hợp đồng “hớ”, nhưng những gì “hoàng đế” làm được vẫn còn thua xa thời khoác áo XM Hải Phòng!

Mỗi lần chuyển vùng là một lần thương hiệu Lee Nguyễn rớt giá. V.League bạc bẽo, hay Lee Nguyễn chưa đủ “khôn” khi không biết tìm cây mà đậu!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên