Hà Nội: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm
VOV.VN -Sau gần 9 tháng triển khai, toàn Thành phố mới giải ngân được 29,9% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 9 tháng khoảng 34%.
Báo cáo tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã vào sáng nay (26/9) về tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư của Hà Nội đến thời điểm này cơ bản là chậm, nhất là ở cấp thành phố.
Giải phóng mặt bằng chậm cũng là nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân. |
Cụ thể, năm 2019, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư công của toàn Thành phố Hà Nội là 52.525 tỷ đồng, trong đó chi cấp Thành phố 31.490 tỷ đồng, chi cấp huyện 21.035 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, sau gần 9 tháng triển khai, toàn Thành phố mới giải ngân được 29,9% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 9 tháng khoảng 34%.
Mức giải ngân này đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,64%) và thấp hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước (49,14%).
Về tình hình thực hiện các dự án đầu tư cấp TP: Các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp TP có tổng số 223 dự án. Trong đó, có 86 dự án chuyển tiếp và 137 dự án khởi công mới. Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 126/137 dự án khởi công mới năm 2019. Đối với các dự án xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông: Năm 2019, bố trí vốn đầu tư 1 dự án chuyển tiếp là Dự án xây dựng cầu Bắc Linh Đàm đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn đối với các dự án đầu tư theo cơ chế đặc thù từ nguồn tiền sử dụng đất thì năm 2019 đã bố trí vốn cho 5 dự án. Hiện đang tổ chức thi công xây dựng 3 dự án; đang thực hiện công tác GPMB 1 dự án và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng 1 dự án.
Nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân vốn chậm kế hoạch đầu tư công năm 2019 là do các dự án khởi công cuối năm 2018 đã tạm ứng hợp đồng, sang đầu năm 2019, chủ đầu tư và nhà thầu phải thực hiện hoàn trả khối lượng đã ứng.
Đối với các dự án khởi công mới, mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt, dẫn đến mở thầu và khởi công chậm tiến độ.
Công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, cụ thể còn 21 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng và 18 dự án vướng mắc thủ tục đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, trách nhiệm chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của thành phố chậm chính là do các cơ quan, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm./.
Hà Nội đề nghị duyệt 30 dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm