Thể chế hay Con người?

VOV.VN -Nhiều người cho rằng thể chế quyết định sự tiến bộ phát triển của xã hội, điều đó có đúng không hay mọi sự do Con người quyết định.

Bấy lâu nay, không ít người cho rằng định chế xã hội, chính sách luật lệ sinh ra ở một hình thái xã hội nào đó quyết định sự tiến bộ phát triển của xã hội. Điều đó đúng, rất đúng, song có lẽ chỉ đúng một phần. Nó, sự nói như vậy là Cần mà chưa Đủ.

Nhìn lại lịch sử phát triển của xã hội loài người, ai qua môn duy vật lịch sử đều thấy rõ, sự phát triển của loài người đã từ thấp lên cao, rõ ràng là sự phát triển luôn gắn bó với sự phát triển của các hình thái xã hội. Trái đất này ai cũng rõ rằng loài người đã từ chế độ nô lệ nguyên thủy đến xã hội phong kiến rồi tiến tới tiền tư bản và tư bản.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. (Ảnh: Vũ Toàn)

Ngay cả hôm nay ở các nước phương Tây, xã hội mà gọi là Kinh tế thị trường phát triển, chi phối xã hội nhiều mặt tiến bộ, song cũng chỉ là sự chuyển động có tính sửa sai của nó, những mâu thuẫn kìm hãm sự tiến bộ của xã hội, khi mà bản chất gốc của xã hội tư bản, là sự tư hữu về tư liệu sản xuất vẫn không đổi. Thay vì để giảm đi mâu thuẫn sinh ra từ quyền lợi giai cấp đối kháng, dẫn tới xung dột đẫm máu (mà Karl Marx đã vạch rõ trong Tư Bản Luận), các nước thuộc chủ nghĩa tư bản đều lần lượt tiến hành chú ý nâng cao nguồn Phúc lợi xã hội và cổ phần hóa xí nghiệp tư bản trong xu hướng khuyến khích tất cả các thành phần trong xí nghiệp tham gia cổ phần. Đó là hai biện pháp quan trọng chữa cháy, hóa giải mâu thuẫn giai cấp đối kháng trong lòng tư bản chủ nghĩa.

Nhưng dù cho có như thế, khi thấu hiểu Tư Bản Luận - những nguyên lí mà Karl Marx đã vạch ra, các nước tư bản vẫn phát triển không đồng đều. Ngay cả trong một nước, ở một thể chế nào đó, thì sự phát triển trong quá trình lịch sử của nó vẫn không  mang lại một kết quả giống  nhau. Đấy là chưa kể một số nước vẫn duy trì hình thái một nhà nước tư bản và phong  kiến kết hợp. Vua hay Hoàng tộc vẫn có vai trò lớn và được sùng bái.

Một số nhà dân chủ kêu gọi tha thiết việc Tam quyền phân lập, áp dụng môt thể chế nhà nước như phương Tây. Đấy là điều quá nhấn mạnh về thể chế hay cơ chế mà không chú ý tới một vấn đề lớn, rất quan trọng trong việc xây dựng kiến tạo một xã hội: Con Người. Đây cũng là một sự nhìn nhận thiếu thực tế và biện chứng, ví dụ như, ở nước ta trước 1975, chế độ Việt Nam cộng hòa II rõ ràng  là áp dụng một hình thái nhà nước dân chủ phương Tây đấy, nhưng nhà nước Việt Nam cộng hòa lần thứ II ấy vẫn không mạnh và thực sự thối nát để dân chúng bất bình, nội bộ chia rẽ, dẫn tới đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến chế độ Việt Nam cộng hòa II thua trong cuộc chiến, kể cả khi có nước Mỹ và quân đội nhiều nước khác cùng can dự.

Ở nhà nước CHXHCN Việt Nam, chúng ta cũng đều nhận ra rằng, khi kiên định  XHCN mà hệ thống  pháp luật, định chế để quản lí còn bấp cập, đã và sẽ là kẽ hở để sinh ra tiêu cực, tham ô, tham nhũng. Đây là điều cũng không sai! Nhưng cũng vẫn cơ chế ấy, đâu phải tất cả mọi quan chức cao cấp đều  “Thú vị“ như ông Đinh La Thăng để cơ nhỡ, phạm tội mà nằm khám? Rất nhiều tướng lĩnh của công an, quân đội sa vào thiên la địa võng cùa luật pháp, từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giương cao ngọn cờ chống tham nhũng; nhưng đâu phải các cán bộ cao cấp trong hai ngành quan trọng Công an và Quân đội, đều hư đốn bẩn thỉu như những người đã bị xử lí? 

Vậy yếu tố nào quan trọng nào nữa quyết định sự thành hay bại của Một Thể chế Nhà nước?

Tôi cho rằng Con Người vẫn là cái mấu chốt quan trọng nhất để xác lập cho con tàu nhà nước có trật bánh hay đi đúng trên một đường ray đã mặc định.
Ở các nước Phương Tây đã thành công, lớn hay nhỏ đều do ai đã lãnh đạo đất nước ấy. Người nào đã làm Tổng thống hay Bộ trưởng? Ở chế độ Việt Nam Cộng hòa II chế độ sập đổ cũng vì những con người như Nguyễn Văn Thiệu  lãnh đạo một thể chế gọi là Đa đảng, Dân chủ nhưng bản chất lại độc tài. Chính trị có sự tử tế và tốt đẹp của nó, trong vấn đề cốt lõi khi dùng Chính trị nhân ái sáng suốt quyết định chủ trương chăm sóc cho đất nước và muôn dân. Nhưng Chính trị cũng làm người ta ghê tởm khi cá nhân hay phe nhóm cầm quyền đầy thủ đoạn, mưu mô đến bẩn thỉu. Điều để người ta nhận ra mặt không ổn của nó không phải do cụ thể một ai đó, một Tập đoàn thống trị nào đó hoạch định ra sao?

Nhìn ngược lại lịch sử rõ ràng có những thể chế cũ và lạc hậu như chế độ phong  kiến, nhưng nước ta cũng có những giai đoạn phát triển rực rỡ và muôn dân no ấm, đều nhờ ở Vua sáng, Tôi hiền đó sao!

Như vậy, cũng có thể ví như trong một cuộc chiến, vũ khí là vấn đề cực kì quan trọng để áp chế đối phương mà chiến thắng, nhưng ai cầm vũ khí ấy lại là vấn đề Đảng ta, Bác Hồ của chúng ta từ tiền khởi nghĩa đến cuộc kháng chiến dai dẳng chống một đế quốc mạnh như Mỹ đã rất được coi trọng. Và thực tế là nhiều nước yếu và nhỏ như nước ta, trong bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đã đánh thắng nhiều đế quốc to, phải chăng là yếu tố Con người mới quyết định việc thành bại,  chẳng thấy sao.

Con Người điều hành ra sao? Con người tư cách, đạo đức như thế nào để không lợi dụng sơ hở của đất  nước có lẽ  là một vấn đề không còn nhỏ nữa, khi xem xét cả quá trình xây dựng  đất nước từ 1975 lại đây.

Các nhà chính trị mới là người trả lời đúng đắn nhất câu hỏi này trong việc có những biện pháp tốt nhất chọn người xứng đáng, đủ tài đức đứng ở các vị trí then chốt của  bộ máy nhà nước.

Với tư cách nhà văn tôi không thể đưa ra những biện pháp cụ thể để tìm ra con người thế nào cho Yếu tố Con Người được như nhân dân và cá nhân tôi mong chờ. Tôi đã ủng hộ hết sức công việc đốt lửa thiêu rụi những kẻ tham ô hại dân hại nước của Đảng bấy nay, mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiên phong, nhưng tôi cũng băn khoăn e ngại rằng, sau việc dẹp tham nhũng đang tiến hành, nếu không thực sự tìm cách chọn người hiền tài cho sự phụng sự non sông gấm vóc này, nhất là dám loại bỏ những cán bộ bất tài nhiều khuyết điểm không được nhân dân tín nhiệm trong thực tế điều hành bấy nay, thì chúng ta không  giải quyết tận gốc rễ những vấn nạn của quốc gia ngày hôm nay và cả tương lai cho đất nước yêu thương này.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo
Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo

VOV.VN - Sự cương quyết, kiên định trong việc thực thi các nghị quyết của Đảng gần đây đã mang lại hy vọng và niềm tin cho nhiều tầng lớp trong xã hội. 

Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo

Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo

VOV.VN - Sự cương quyết, kiên định trong việc thực thi các nghị quyết của Đảng gần đây đã mang lại hy vọng và niềm tin cho nhiều tầng lớp trong xã hội.