Việt Nam cần 150 triệu USD để đăng cai Asiad 2019

Đó là thông tin từ ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, người chấp bút đề án đăng cai Asiad 2019 tại Việt Nam.

Theo ông Giang, trong vài ngày tới Bộ VH-TT&DL sẽ gửi đề án xin ý kiến các bộ ngành liên quan, sau đó xin ý kiến Chính phủ trước khi gửi hồ sơ đăng cai đến Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vào ngày 15/5 (tên quốc gia giành chiến thắng sẽ được công bố vào tháng 11). Việt Nam có 3 đối thủ chính trong cuộc đua đăng cai Asiad 2019 là Đài Loan, Indonesia và UAE. Hiện các bộ ngành, UBND TP Hà Nội ủng hộ, chỉ còn Bộ Tài chính băn khoăn về lợi ích của Việt Nam khi tổ chức đăng cai Asiad 2019.

Ông Giang cũng cho biết,đến thời điểm này đề án đã được xây dựng xong, chỉ thiếu sự phê duyệt của các Bộ, ngành và Chính phủ. Việt Nam sẽ tổ chức 5 môn theo thỏa thuận lựa chọn với OCA: bóng chày, cầu mây, wushu, kabaddi, karatedo; 4 môn của Việt Nam là: vovinam, đá cầu, cờ và squash (để tận dụng phiếu của các nước ủng hộ VN). Ngoài ra, chúng ta sẽ tổ chức 26/28 môn Olympic, hai môn Olympic VN không tổ chức là đua ngựa và năm môn phối hợp hiện đại (trong đó có môn đua ngựa) vì những môn này không thể phát triển được ở Việt Nam.

Theo đề xuất ban đầu, mức đầu tư cho tổ chức Asiad 2019 dự kiến vào khoảng 150 triệu USD do phải xây dựng thêm một nhà thi đấu đa năng tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với khoảng 10.000 chỗ ngồi, đây sẽ là nơi tổ chức bế mạc của Asiad. Nhà thi đấu đa năng này sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu USD. 100 triệu USD còn lại sẽ xây dựng đường đua xe đạp lòng chảo, khu đua thuyền hồ Tây, các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, TP HCM... nâng cấp các nhà thi đấu nơi diễn ra các môn tại đại hội. Riêng Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình hiện nay nguyên tiền nâng cấp dự kiến cũng tiêu tốn khoảng 7 triệu USD.

Ông Giang cũng cho rằng, việc tổ chức Asiad 2019 là “ăn theo” quy hoạch của Chính phủ với Hà Nội rất nhiều. Hiện nay chúng ta chưa sử dụng hết công năng của khoảng 10 nhà thi đấu. Việt Nam chỉ phải xây dựng nhà thi đấu của một vài môn chưa có như: bóng chày, bóng bầu dục, squash... Tính đến năm 2019, ít nhất chúng ta cũng thu được 80-100 triệu USD, và được hưởng 70% trong tổng số tiền thu về (hơn 30 triệu USD), số còn lại là của OCA./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên