Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Lỗ hổng trên “con tàu vỏ thép 67”
VOV.VN - Từ sự việc những con tàu của ngư dân mới đóng đã hỏng, để lộ ra những lỗ hổng trong quá trình đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển theo nghị định 67.
Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam đăng tải 2 bài của loạt phóng sự “Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Đẩy khó xuống ngư dân” nêu thực trạng hàng loạt con tàu vỏ thép sử dụng vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa đóng mới đã hỏng, tàu nằm bờ, ngư dân phản đối cơ sở đóng tàu không giữ chữ tín.
Từ sự cố này lộ ra những lỗ hổng trong quá trình đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển mà bà con thường gọi là “tàu vỏ thép 67”.
Tàu vỏ thép mới đóng đã nằm bờ sửa chữa, ngư dân ôm nợ ngân hàng. |
Thế nhưng, thực tế nhiều chủ tàu không nhận được sự hợp tác từ các cơ sở đóng tàu. Ngư dân Mai Trường, ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phàn nàn, ngư dân ở xa cơ sở đóng tàu cả ngàn cây số, lại không có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, yêu cầu dân giám sát khác nào đánh đố chúng tôi.
Một trong 2 máy phát điện trên tàu của ông Trần Minh Vương bị hỏng. |
Máy phát điện trị giá tiền tỷ giờ thành cục sắt. |
"Giám sát thì ngư dân chúng tôi một tháng hay nửa tháng mới ra một lần vì còn lo đi làm để kiếm tiền. Sắt thì ngư dân chỉ biết sắt thôi chứ đâu có biết sắt tốt hay sắt xấu. Còn sơn thì hợp đồng nói phun cát, sơn 5 lớp nhưng mà sơn có chỗ 2 lớp, có chỗ 1 lớp. Khi làm xong con tàu có đăng kiểm, kiểm tra. Bây giờ giữa công ty với cơ quan đăng kiểm chứ ngư dân chúng tôi làm sao biết" - ông Mai Trường bày tỏ.
Thực hiện đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt và công bố 21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Theo đó, ngư dân có quyền lựa chọn mẫu thiết kế và được miễn phí thiết kế đóng tàu.
Thiết kế hệ thống cần cẩu chữ A quá yếu, ngư dân phải tự bỏ tiền gia cố thêm mới đảm bảo an toàn. |
Trụ sắt chống đỡ ở giữa do ngư dân Trần Minh vương tự bỏ tiền hàn gắn thêm mới đảm bảo an toàn. |
Ngư dân Thái Văn Duyệt, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có tàu cá BĐ-99160-TS hành nghề vây khơi do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng mới cho biết, khi triển khai đóng tàu, thấy thiết kế không hợp lý, ông đề nghị cơ sở đóng tàu điều chỉnh nhưng không được. Đến lúc tàu hạ thủy, ra khơi đánh bắt 2 chuyến thì lưới quấn vào chân vịt, cắt đứt lưới. Bây giờ phải tốn thêm nhiều tiền và mất thời gian để chuyển sang nghề khác.
Sau nhiều lần làm việc với các ngư dân có tàu vỏ thép bị hỏng, nằm bờ, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) hứa sẽ thực hiện đúng cam kết, khắc phục sự cố máy hỏng. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, đơn vị đóng tàu cố tình trì hoãn rồi đá quả bóng trách nhiệm cho nhà phân phối máy tàu.
Tàu mới nhận về nhưng ngư dân phải tự thuê thợ về thay thép tốt hơn và sơn sửa lại vì gỉ sét. |
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rõ, đây là kẻ hở, lỗ hổng trên “con tàu vỏ thép 67” mà tới đây cần phải xem xét lại: "Một cái tàu từ 15-20 tỷ đồng coi như là 1 dự án đầu tư, phải có các chi phí, trong đó cả chi phí xây lắp, giám sát cơ cấu vào tổng mức đầu tư của dự án. Thì trách nhiệm giữa cơ sở đóng tàu và ngư dân rõ ràng. Chứ bây giờ cơ sở đóng tàu bàn giao xong, rồi dân sử dụng hư hỏng thì đổ qua đổ lại. Cơ sở đóng tàu đổ lỗi cho ngư dân không biết cách sử dụng hư máy móc, vỏ gỉ sét cũng đổ thừa cho ngư dân là không được".
Theo ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định thì sự cố “tàu vỏ thép 67” mới đóng đã hỏng gây mất niềm tin của người dân trong quá trình hiện đại hóa tàu cá. Năm ngoái, lường trước được chuyện này, Ngân hàng đã kiến nghị với tỉnh và các cơ quan Trung ương cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đối với trường hợp rủi ro như: sự cố tàu mới đóng đã hỏng phải nằm bờ dài ngày để sửa chữa hoặc điều chỉnh thiết kế nhưng không được chấp nhận.
Tàu vỏ thép BĐ - 99004 - TS mới đóng đã hư hỏng. |
Ông Phan Phú Hải đề nghị, cần có đơn vị tư vấn giám sát độc lập trong quá trình đóng tàu, Nhà nước nên bảo hộ cho ngư dân, chi phí giám sát không nên bắt dân chịu.
"Bây giờ phải thông tin lên các cơ sở đóng tàu nào đủ năng lực về kỹ thuật và về năng lực tài chính chứ không phải cứ ký tràn lan rồi cuối cùng giải ngân vốn, không đầu tư vào đóng tàu cho người ta mà sử dụng nguồn vốn đó đi làm chuyện khác. Về đóng tàu cũng như xây nhà vậy thôi, phải có người chuyên môn về tư vấn giám sát độc lập, chi phí đó không nên bắt dân phải chịu mà nhà nước phải hỗ trợ" - ông Phan Phú Hải nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tình trạng tàu vỏ thép của ngư dân mới hạ thủy đã hỏng máy, tàu không đảm bảo chất lượng phải nằm bờ cần tiến hành xem xét trách nhiệm của mỗi bên, đánh giá từng con tàu cụ thể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu tỉnh Bình Định và các địa phương có cơ sở đóng tàu phải kiểm tra, xem xét trách nhiệm thuộc về ai. Theo ông Vũ Văn Tám, các cơ sở đóng tàu ngoài việc đảm bảo đúng cam kết chất lượng và yêu cầu về thiết kế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước thì phải đảm bảo việc vận hành con tàu đó, tức là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng như đào tạo bồi dưỡng cho chủ tàu theo các vị trí vận hành trên tàu vỏ thép.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm: "Đối với cơ quan đăng kiểm cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Cụ thể là Tổng cục Thủy sản. Chúng tôi đang xem xét và rà soát lại xem trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm đến đâu trong việc giám sát đảm bảo tuân thủ thiết kế kỹ thuật cũng như toàn bộ quy trình đóng tàu và trách nhiệm chứng nhận an toàn cho tàu cá, tức là đăng kiểm".
Theo thiết kế, những con “tàu vỏ thép 67” phải đảm bảo hoạt động trên biển hàng chục năm. Thế nhưng, mới đi vài chuyến biển, hàng loạt tàu vỏ thép hỏng máy, vỏ tàu hoen rỉ, bong tróc, xuống cấp, việc đánh bắt kém hiệu quả, chủ tàu than ngắn thở dài.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, địa phương này đã có 44 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đi vào hoạt động. Đến nay, có 24 tàu vỏ thép sản xuất đạt hiệu quả khá, chiếm tỷ lệ gần 55%; 5 tàu hòa vốn, chiếm tỷ lệ hơn 11% và 15 tàu bị thua lỗ, chiếm tỷ lệ 34%. Kết quả này cho thấy, số tàu vỏ thép vươn khơi hòa vốn và thua lỗ còn khá lớn, nhiều ngư dân “ôm nợ” ngân hàng. Nhiều người lo lắng về hiệu quả đánh bắt, khả năng trả nợ ngân hàng, tính mạng của ngư dân có được đảm bảo hay không khi đi trên những con tàu kém chất lượng giữa biển cả mênh mông vơi nhiều hiểm họa, rủi ro luôn rình rập./.
Sự cố tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ là hồi chuông cảnh báo để các bộ ngành, địa phương cùng bà con ngư dân khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện quá trình triển thực hiện Nghị định 67, khắc phục lỗ hổng từ các khâu thẩm định năng lực cơ sở đóng tàu, quy trình giám sát thi công, điều chỉnh lỗi thiết kế và các quy định khác...
Có như vậy, một chủ trương đúng đắn của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản mới đạt được hiệu quả như mong đợi.
Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Tại nước biển... mặn
Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Đẩy khó xuống ngư dân?