Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thăm Nga: Chuyến đi bất trắc khó dự đoán
VOV.VN - Ngay sau khi tham dự cuộc gặp của các Ngoại trưởng G-7 về vấn đề Syria, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến thăm Nga 2 ngày.
Chuyến thăm Nga lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ đang là tâm điểm chú ý của dư luận bởi chắc chắn ông sẽ đề cập những vấn đề nóng như Syria và quan hệ Nga – Mỹ.
Vậy khả năng đạt kết quả của cuộc gặp giữa 2 nhà Ngoại giao Nga – Mỹ sẽ thế nào?
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ Tillerson (phải) tươi cười khi gặp nhau tại hội nghị G20 ở Bonn tháng 2/2017. Nhưng cuộc gặp giữa 2 nhà ngoại giao Nga - Mỹ tại Moscow lần này hứa hẹn sẽ gai góc. Ảnh: TASS. |
Theo các nhà phân tích Nga, lẽ ra chuyến thăm Nga lần đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải là một bước tiến rất lớn cho việc giảm đối đầu và căng thẳng giữa Nga và Mỹ suốt thời gian qua, dưới sự cầm quyền của Tổng thống Barack Obama…
Thế nhưng, sau khi phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria, Mỹ đã làm cho dự đoán này thay đổi hoàn toàn.
Giờ đây, điều mà mọi người, nhất là dư luận Nga, dự đoán sẽ là một cuộc trao đổi căng thẳng và không chắc đã tìm được lối thoát nào giữa 2 vị Ngoại trưởng Nga – Mỹ trong cuộc gặp chính thức diễn ra ngày 12/4.
Quan hệ Nga – Mỹ trong thời gian tới sẽ còn diễn biến rất phức tạp, nhất là khi người nắm quyền “tối thượng” của nước Mỹ là ông Donald Trump, một vị Tổng thống có cách lãnh đạo của một doanh nhân theo trường phái “linh cảm”. Chính ông Trump cũng từng tự hào về điều này.
Chính vì thế, nếu ông Trump vẫn coi bảo bối “linh cảm” là hành trang số một trong vai trò Tổng thống của cường quốc số Một thế giới thì chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ lần này và mai sau có thể vẫn là ẩn số không có lời giải.
Quan hệ Nga – Mỹ đang ở giai đoạn khó đoán chưa từng thấy.
Sau giai đoạn quan điểm “thân Nga” của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị nhiều chính trị gia trong nước phản ứng dữ dội, dư luận tưởng rằng Nga và Mỹ sẽ có cơ hội cải thiện quan hệ khi chính quyền Washington không còn coi sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là ưu tiên nữa, mà đây vốn là điều hợp ý Nga.
Thế nhưng vụ tấn công “có yếu tố vũ khí hóa học” do Chính phủ Syria tiến hành ở Idlib (theo kết luận của Mỹ và phương Tây) và màn “răn đe” bằng gần 60 quả tên lửa Tomahawk của Mỹ nhằm vào căn cứ của quân đội Syria ở Homs đã khiến mối quan hệ Nga – Mỹ trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Khó có thể nhận định Tổng thống Donal Trump, với những kinh nghiệm và “tiểu xảo” trong kinh tế, có thể biến những dự định của mình thành hiện thực hay không. Bởi thế, lúc này mọi khả năng vẫn có thể xảy ra sau cuộc gặp mặt giữa hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ./. Vượt “giới hạn đỏ” ở Syria, liệu quan hệ Nga – Mỹ có thể cứu vãn?
Ba kịch bản quan hệ Nga-Mỹ: Đụng độ vũ trang?