Khủng hoảng ngoại giao biến vùng Vịnh thành cái ao “đục nước béo cò”
VOV.VN - Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vừa qua, một câu hỏi được đặt ra là Mỹ ủng hộ hay chống lại Qatar, quốc gia có vị trí chiến lược tại đây.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước khu vực vùng Vịnh với Qatar bùng phát trong những ngày qua đã khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Mâu thuẫn giữa các nước ở đây xảy ra đã làm cho khu vực “điểm nóng” với đầy rẫy những cuộc xung đột này của thế giới càng thêm hỗn loạn. Tuy nhiên, sự xáo trộn ấy đồng thời đang tạo ra khả năng thay đổi cán cân lực lượng, xoay chuyển thế cờ tại khu vực, phục vụ cho những toan tính chính trị của các nước lớn.
Đất nước Qatar. Ảnh: CNBC.
Cuộc khủng khoảng ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh với Qatar không chỉ ảnh hưởng đến các nước liên quan trực tiếp, mà còn có tác động không nhỏ đối với thế giới. Quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và ngăn chặn các tuyến giao thông với Qatar đã tạo ra ảnh hưởng trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng của thế giới, trong đó, dễ nhận thấy nhất trong những ngày vừa qua là giá dầu mỏ và giá vàng liên tục leo thang. Mặc dù vậy, kinh tế chỉ là phần nổi dễ quan sát của một tảng băng ngầm đang dịch chuyển.
Tuy là một quốc gia nhỏ bé với diện tích chỉ bằng 1/30 diện tích Việt Nam, nhưng nhờ nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ đã giúp Qatar vươn lên mạnh mẽ trở thành một thế lực đáng kể trong thế giới Arab. Không chỉ nắm giữ trữ lượng dầu mỏ và khí đốt có thể làm thế giới chao đảo, Qatar còn nằm ở vị trí địa chính trị cực kỳ “đắc địa” tại vùng vịnh Persian. Chính bởi vậy, từ lâu Qatar luôn là đối tượng để các nước lớn trong khu vực cũng như trên thế giới lôi kéo, tác động, chi phối để tạo ra lợi thế chiến lược.
Vốn là quốc gia anh em trong khối Arab, Qatar từ lâu đã là đồng minh thân cận của Mỹ và phương Tây, đồng thời phục vụ đắc lực cho các hoạt động của Mỹ tại khu vực. Qatar phụ thuộc an ninh hoàn toàn vào Mỹ và ngược lại Mỹ cũng biết cách tận dụng quan hệ mật thiết đối với Qatar để đặt căn cứ không quân lớn nhất của mình tại đây.
Đất nước tý hon này luôn đóng vai trò tối quan trọng trong hầu hết các chiến dịch quân sự của Mỹ ở khu vực. Vì vậy, việc duy trì và tận dụng mối quan hệ với Qatar là điều chắc chắn Mỹ không bao giờ từ bỏ.
Nghi vấn đối với Mỹ
Một số ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng vừa qua giữa các nước Arab do chính Mỹ tạo ra và để phục vụ lợi ích của Mỹ tại đây. Thậm chí Tổng thống Donald Trump còn công khai lên tiếng ủng hộ quyết định của các nước Arab khiến sự nghi ngờ về vai trò của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng càng gia tăng.
Vụ cô lập ngoại giao: Mỹ cố gắng dàn hòa giữa Qatar và Saudi Arabia
Giáo sư Bora Bayraktar tại Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Đối với Mỹ, việc cô lập Qatar có thể sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong ván cờ ở khu vực và họ sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đối với Qatar khi nước này bị cô lập. Một Qatar suy yếu có thể có lợi cho Mỹ. Mặt khác, việc lợi dụng tình hình hiện nay cũng có thể giúp Mỹ thao túng và điều khiển các nước vùng Vịnh”.
Tuy nhiên, nếu đó là toan tính của Mỹ thì đây thực sự là một bước đi mạo hiểm bởi việc bị các nước láng giềng anh em cô lập vô tình sẽ đẩy Qatar vào vòng tay đang chờ sẵn của Iran.
Tiến sĩ Foad Izadi, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Tehran, Iran đánh giá: “Việc cô lập một nước có chủ quyền là một hình thức chiến tranh. Dân thường sẽ là những người phải hứng chịu hậu quả. Iran luôn tìm kiếm cơ hội cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Đây có thể là thời cơ để Iran có quan hệ tốt hơn với chính phủ Qatar bởi họ đang bị ngăn chặn từ phía Nam, phía Đông, phía Tây, con đường còn mở duy nhất cho họ là phía Bắc và đó là Iran”.
Nếu thành công trong việc “chiêu nạp” Qatar, Iran sẽ có thêm một đồng minh cực kỳ quan trọng phía bên kia bờ Vịnh để tạo điều kiện mở rộng tầm ảnh hưởng phục vụ tham vọng của mình. Ngay cả khi không lôi kéo được Qatar thì Iran vẫn sẽ là bên hưởng lợi khi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi thành lập.
Vị thế của Iran trong khu vực đang gia tăng đến nay lại gặp thêm thời cơ thuận lợi để nước này khẳng định vai trò khi đang đứng ra kêu gọi các nước láng giềng nối lại đối thoại để giải quyết bất đồng.
Không chỉ Iran, một loạt các nước lớn đang tích cực tận dụng cơ hội để tăng cường quan hệ với Qatar và sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải căng thẳng.
Ngay trong thời điểm lệnh ngăn chặn các tuyến giao thông với Qatar của Saudi Arabia có hiệu lực, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Quốc vương Qatar để bàn về việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại. Nhiều lãnh đạo từ các nước khác như Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lập tức lên tiếng kêu gọi hòa giải và sẵn sàng thể hiện vai trò.
Một Qatar bị các nước láng giềng cô lập đang trở thành miếng mồi béo bở cho các “ngư ông đắc lợi”./.