Lebanon: Mặt trận mới trong cuộc đua ảnh hưởng Saudi Arabia-Iran
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng, Lebanon đang đứng trước nguy cơ trở thành mặt trận mới trong cuộc đua ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran.
Cộng đồng quốc tế đang lo ngại nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh mới tại Lebanon sau quyết định từ chức bất ngờ của Thủ tướng Saad Hariri. Quyết định này không chỉ đẩy Lebanon chìm sâu hơn nữa vào khủng hoảng chính trị, diễn biến bất ngờ này còn “đổ thêm dầu” vào cuộc đua giành ảnh hưởng không kém phần quyết liệt kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai cường quốc khu vực là Saudi Arabia và Iran.
Vị trí của đất nước Lebanon trên bản đồ. Ảnh: Operation World.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun tới nay vẫn chưa chấp nhận tuyên bố từ chức của ông Hariri và đang đợi người đứng đầu nội các Lebanon trở về trước khi đưa ra quyết định.
Ông Michel Aoun hôm qua (11/11) đã tổ chức một cuộc họp, có sự tham dự của Đại biện Saudi Arabia tại Lebanon Walid al-Bukhari, cùng đại sứ các nước tại Lebanon, đại diện Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Liên đoàn Arab. Tại đây, người đứng đầu Nhà nước Lebanon kêu gọi Saudi Arabia nói rõ lý do khiến Thủ tướng Lebanon Hariri không thể trở về nước, đồng thời nhấn mạnh, việc ông này từ chức là "không thể chấp nhận".
Thông báo từ chức đột ngột của ông Hariri - một người Hồi giáo dòng Sunni làm dấy lên đồn đoán tại Lebanon rằng chính trị gia đồng minh của Saudi Arabia này đã bị kìm kẹp trong một cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực giữa Iran và Saudi Arabia và buộc phải từ chức.
Trên thực tế, cùng với quyết định từ chức được phát đi từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri cũng chỉ trích mạnh mẽ vai trò của Phong trào vũ trang Hezbollah trong nền chính trị nước này và điều quan trọng hơn đây lại là một đồng minh của Iran.
Thủ lĩnh Phong trào vũ trang Hezbollah Hassan Nasralla đã ngay lập tức đưa ra bình luận, trong đó khẳng định, việc từ chức này là dưới sức ép của Saudi Arabia.
Cả Iran và Saudi Arabia đều là những quốc gia Hồi giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực, nhưng mặt khác lại là đối thủ của nhau trong cuộc chạy đua vị trí thống trị. Iran có dân số chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite, trong khi Saudi Arabia phần lớn là người Sunni, thế nên bất đồng giữa hai nước luôn hiện hữu. Mỹ cảnh báo không nên lợi dụng tình hình tại Lebanon để gây xung đột
Trong quá khứ, xung đột giữa hai nước đã nhiều lần bùng phát rồi lắng dịu, thế nhưng lần này lại dồn dập và có phần phức tạp hơn. Chỉ trong vài năm trở lại đây, đối đầu giữa hai nước liên tiếp xảy ra, đầu tiên phải kể đến Yemen, sau đó là Syria và hiện nay Lebanon cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành mặt trận mới trong cuộc đua ảnh hưởng giữa hai ông lớn khu vực này.
Nhiều nhà phân tích có chung nhận định, vụ việc vừa qua cùng với những mâu thuẫn nội tại sẽ trở thành ngòi nổ mới cho xung đột trong khu vực. Một khi phát nổ nó sẽ gây phong ba bão táp không chỉ cho Lebanon, Iran hay Saudi Arabia, mà cả các nước láng giềng cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, việc đảm bảo sự thống nhất và ổn định cũng như duy trì hoạt động đối với các thể chế của Lebanon là vô cùng quan trọng bởi một cuộc xung đột mới sẽ gây ra “nhiều hậu quả tồi tệ” đối với khu vực.
“Đây là một vấn đề gây lo ngại lớn. Điều chúng ta muốn đó là duy trì hòa bình và ổn định tại Lebanon, là tránh xảy ra bất kỳ một cuộc xung đột mới nào tại khu vực. Chúng tôi thực sự rất lo ngại và hi vọng sẽ không phải chứng kiến một sự leo thang căng thẳng trong khu vực có thể dẫn tới những hậu quả tồi tệ”, ông Guterres nói.
Những ngày qua, ông Guterres đã liên tục tiến hành các cuộc tiếp xúc ngoại giao và chính trị với Saudi Arabia, Lebanon, cũng như “các nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực”.
Phủ Tổng thống Pháp mới đây cũng ra tuyên bố trấn an khi cho biết, Thái tử Saudi Arabia Mohammed ben Salmane đã khẳng định với Tổng thống Emmanuel Macron không muốn chiến tranh với phong trào Hezbollah và mong muốn duy trì sự ổn định của Lebanon. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ hôm qua (11/11) một lần nữa hối thúc tất cả các nước và các bên tôn trọng chủ quyền của Lebanon, đồng thời cảnh báo các nước không lợi dụng tình hình tại Lebanon để tạo ra các cuộc xung đột./.
Lebanon - Ngòi nổ xung đột mới tại Trung Đông thời kì hậu IS