Ban Dân nguyện cần gắn trách nhiệm xử lý đơn thư cho từng cán bộ
VOV.VN - Theo Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ban Dân nguyện cần gắn trách nhiệm xử lý đơn thư cho từng cán bộ, công chức làm căn cứ đánh giá kết quả công việc.
Sáng 6/1, tại Hà Nội, Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo hội nghị.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội nghị.
|
Đối với công tác xử lý đơn, thư của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại tổng số 12.928 đơn, thư của công dân và chuyển đến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi xem xét, nghiên cứu đối với các vụ việc có căn cứ xem xét lại, Ban Dân nguyện đã ban hành 63 công văn chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, 27 công văn đôn đốc việc giải quyết, hiện đã nhận được 61 công văn trả lời về các vụ việc cụ thể.
Qua công tác giám sát, Ban Dân nguyện đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 58 vụ việc cụ thể, trong đó có 21/58 vụ việc Đoàn giám sát nhất trí về kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương; 12/58 vụ việc Đoàn giám sát có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại; tham gia ý kiến đối với 24/58 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương có vướng mắc.
Toàn cảnh hội nghị. |
Năm 2016, Ban Dân nguyện cũng đã tiếp nhận 5.927 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp Quốc hội khoá XIII và chuyển các cơ quan có thẩm quyền. Kết quả là 100% các kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng trả lời đúng quy định, tỷ lệ các kiến nghị được xem xét, trả lời và giải quyết dứt điểm tăng so với thời gian trước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, năm 2017, đất nước ta có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, là năm Việt Nam đăng cai diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, trong khi đó tình hình hình kinh tế - xã hội nói chung còn nhiều khó khăn, dự báo số vụ việc khiếu nại tố cáo còn ở mức cao, tình hình an ninh trật tự xã hội, thiên tai còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Ban Dân nguyện cần bám sát thực tiễn, cụ thể hoá nội dung của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động.
“Các đồng chí cần quyết liệt, tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xử lý các lượng đơn thư, không được tồn đọng, phải cải tiến hình thức phân loại đơn, gắn trách nhiệm xử lý đơn cho từng cán bộ, công chức làm căn cứ đánh giá kết quả công việc và đánh giá phân loại cán bộ”, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh./.