Rác thải nhựa là rác thải hay tài nguyên?

VOV.VN - Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa. Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự báo tới năm 2050, toàn cầu sẽ sản xuất tới hơn 1.120 triệu tấn nhựa, nếu không thu gom tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa này một cách triệt để thì sẽ gây ra ô nhiễm trắng đối với môi trường toàn cầu.

Những bức ảnh lột tả tình trạng rác thải đổ ra biển tại Việt Nam, được trưng bày tại  Hội thảo Quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương.

Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines, có lượng rác thải nhựa lớn xả ra đại dương. Làm thế nào để giảm thiểu rác thải nhựa? Rác thải nhựa có phải là rác thải hay đó là nguồn tài nguyên chưa được xử lý đúng dẫn đến lãng phí?            

Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm; trong đó, 730 nghìn tấn nhựa thải trực tiếp ra môi trường. Chị Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) cho rằng, nằm trong top đầu những nước có lượng rác thải nhựa ra môi trường nhất thế giới, Việt nam đang phải đối mặt với một thực trạng thiếu kiểm soát đối với lượng rác thải nhựa hiện nay.

Với kết quả Việt Nam nằm trong top những nước thiếu kiểm soát rác thải nhựa ra biển thì đây cũng như là hồi chuông báo động đối với lãnh đạo cũng như người dân nước ta, vì đây là vấn đề toàn cầu, rất nhiều nước trên thế giới đã phải đối mặt với câu chuyện này, trong đó có Việt Nam. Nhựa là một sản phẩm có chi phí thấp, rẻ tiền và lại rất tiện ích nên việc người tiêu dùng sử dụng nhiều và xả thải cũng là hệ lụy tất yếu, gây ra một thực trạng đáng lo ngại về rác thải nhựa tại Việt Nam”, chị Hoa nhấn mạnh.

Đề xuất giải quyết thực trạng này, nhiều chuyên gia nghiên cứu về môi trường cho rằng, nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đã có những chính sách liên quan đến việc cấm sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần và Việt Nam nên tham khảo những mô hình đó. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, không phải mô hình nào trên thế giới cũng đúng đối với thực trạng tại Việt Nam và cần thận trọng khi đưa ra những giải pháp cấm.

“Nhiều điều thành công ở nước khác nhưng chưa chắc đã thành công ở Việt Nam. Với thực trạng của Việt Nam, theo quan điểm của tôi, chúng ta phải dùng cách tiếp cận “step by step, tức là tiếp cận từng bước và phải đồng bộ. Làm chính sách phải đồng bộ, toàn diện. Ví dụ bây giờ chất thải nhựa dùng một lần, khả năng thu gom của chúng ta rất ít. Và cần thời gian chứ không thể nóng vội. Nếu chúng ta vội vã một chính sách, sau đó hiệu lực không có thì sẽ trở thành nhờn. Nên chúng ta phải thận trọng.

Dưới một góc tiếp cận khác, bà Bùi Thu Hiền, đại diện Tổ chức bảo tồn quốc tế IUCN bày tỏ quan điểm, nhựa là sản phẩm không thể loại bỏ vì rất gần gũi với cuộc sống. Tuy nhiên, cần phải tính đến những giải pháp làm sao để có một nền công nghiệp nhựa thông minh, trong đó những sản phẩm nhựa phải là những sản phẩm có thể sử dụng bền vững, tái sử dụng được nhiều lần và không gây ô nhiễm môi trường.

Nhựa không phải là chất thải, nhựa chỉ là chất thải khi không được quản lý tốt và rác thải nhựa là nguồn tài nguyên. Và để quản lý nguồn tài nguyên này, theo bà Bùi Thu Hiền, điều cần thiết hiện nay là phải xây dựng được hệ thống thu gom rác và phân loại rác từ nguồn.

“Để quản lý tốt thì trước mắt cần cải tạo hệ thống thu gom trước. Nếu chúng ta càng thu gom được nhiều thì giảm được lượng chất thải ra môi trường. Đầu tiên là chú trọng vấn đề thu gom mà cái đó là có thể làm ngay được không cần đợi công nghệ, không cần đầu tư nhiều mà chúng ta chỉ cần kêu gọi người dân, sự quan tâm của doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền là chúng ta có thể làm cho hệ thống thu gom được tốt hơn. Thứ hai là phân loại rác tại nguồn và đây là một quá trình, nó cần đi theo hệ thống giáo dục, cần đi theo sự hiểu biết và nâng cao nhận thức và chúng ta không thể hy vọng là ngày một ngày hai là có thể phân loại rác tại nguồn được”, bà Hiền nhấn mạnh.

Với tốc độ tăng trưởng từ 15% đến 20% mỗi năm, ngành nhựa Việt Nam đang thiếu đến 80% nguồn nguyên liệu và phải nhập khẩu. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam, nếu có sự thu gom, phân loại rác thải nhựa từ nguồn, việc tái chế nhựa sẽ thuận lợi hơn. Tái chế nhựa không chỉ góp phần giảm lượng chất thải nhựa thải ra môi trường mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Nếu đẩy mạnh tái chế nhựa trong nước, có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa: “Sản phẩm nhựa tái chế rất có giá trị nếu chúng ta biết cách phân loại và sử dụng lại, rất là có giá trị. Mình thu gom lại và không phải chỉ để sản xuất bao bì mà mình gom lại để có thể sản xuất những cái khác nhưng nó an toàn và có giá trị. Bởi vì nhựa có vài chục loại nguyên liệu nhựa khác nhau. Khi mà thu gom lại thì cái nhà thu gom phải biết cách phân loại thì cái nhựa thu gom lại tái chế mới hữu ích còn nếu không biết cách phân loại mà cứ gom lại như vậy thì sẽ không sử dụng được cho cái gì cả. điều này rất quan trọng”.

Đồng quan điểm rác thải nhựa là nguồn tài nguyên, Tiến sỹ David Sail, Chủ tịch Tổ chức Reuse Everything (Rell) chia sẻ, với thông điệp tái sử dụng mọi thứ để có cuộc sống xanh, Reuse Everything đã khởi động dự án tái chế rác thải nhựa tại Ecuador thành những dụng cụ lợp mái nhà rất tiện dụng với ưu điểm là tận dụng được ánh sáng mặt trời, tiết kiệm năng lượng và rất thoáng mát. Tiến sỹ David Sail cũng cho biết, dự án này thành công đã mở ra một hướng mới trong việc tái chế rác thải nhựa, giảm lượng rác thải xả ra môi trường tự nhiên.

Chúng tôi đã làm ra những mái lợp bằng sợi nhựa được làm bằng chính những hạt nhựa từ những chai nhựa tái chế. Mùa đông thì ấm nhưng mùa hè thì mát và vô cùng bền. giá trị sử dụng lâu, tuổi thọ trên 10 năm, bền hơn những mái nhà tranh mà ông bà mình sử dụng ngày xưa. Vì vậy tôi muốn nhấn mạnh một thông điệp là đồ nhựa không phải là rác thải mà đồ nhựa là tài nguyên. Đồ nhựa chỉ là rác thải khi chúng ta vứt hoặc đốt nó đi, không sử dụng nó mà chúng ta có rất nhiều cách để biến nó thành tài nguyên”, Tiễn sỹ Sail cho hay.

Rác thải nhựa là tài nguyên nhưng nếu chỉ xả rác ra môi trường, thu gom rồi chôn lấp, không có sự phân loại, xử lý, tái chế thì nhựa sẽ chỉ là rác thải, không thể trở thành tài nguyên. Biến rác thành tài nguyên, việc này cần sự thay đổi từ ý thức mỗi người và sự chung tay của cả cộng đồng để không để lãng phí nguồn tài nguyên này cũng như không để nước ta phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trắng ở một tương lai gần./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều trường đại học ở TP HCM “tuyên chiến” với rác thải nhựa
Nhiều trường đại học ở TP HCM “tuyên chiến” với rác thải nhựa

VOV.VN - Nhiều trường đại học tại TP HCM đã triển khai hàng loạt chương trình nhằm thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Nhiều trường đại học ở TP HCM “tuyên chiến” với rác thải nhựa

Nhiều trường đại học ở TP HCM “tuyên chiến” với rác thải nhựa

VOV.VN - Nhiều trường đại học tại TP HCM đã triển khai hàng loạt chương trình nhằm thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Tái chế rác thải nhựa - giải pháp nhiều ý nghĩa
Tái chế rác thải nhựa - giải pháp nhiều ý nghĩa

VOV.VN - Tái chế rác thải nhựa có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn về khía cạnh môi trường.

Tái chế rác thải nhựa - giải pháp nhiều ý nghĩa

Tái chế rác thải nhựa - giải pháp nhiều ý nghĩa

VOV.VN - Tái chế rác thải nhựa có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn về khía cạnh môi trường.

Thủ tướng gửi thư kêu gọi chung tay giải quyết rác thải nhựa
Thủ tướng gửi thư kêu gọi chung tay giải quyết rác thải nhựa

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị tất cả cùng chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn, phát triển bền vững.

Thủ tướng gửi thư kêu gọi chung tay giải quyết rác thải nhựa

Thủ tướng gửi thư kêu gọi chung tay giải quyết rác thải nhựa

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị tất cả cùng chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn, phát triển bền vững.