Lo chồng chéo Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng
VOV.VN - Theo các doanh nghiệp, nếu Luật An ninh mạng không được thiết kế kỹ lưỡng thì sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới tổ chức Hội thảo góp ý "Hoàn thiện dự án Luật An ninh mạng". Tại Hội thảo, các doanh nghiệp và chuyên gia đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin trong lĩnh vực Internet, hàng không, viễn thông, ngân hàng....
Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện Dự án Luật An ninh mạng là một điều cấp thiết, cần sớm được thực hiện. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nếu luật không được thiết kế kỹ lưỡng thì sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng năm 2015.
Hội thảo góp ý hoàn thiện dự án Luật An ninh mạng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. |
Cụ thể, đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định việc kinh doanh phải có sự thẩm định cấp phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó theo dự thảo Luật An ninh mạng, Bộ Công an cũng thẩm định năng lực của doanh nghiệp. Do đó, sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước này cần vừa đảm bảo chặt chẽ, nhưng cũng tạo sự thuận lợi và giảm đầu mối cho doanh nghiệp kinh doanh.
Ông Nguyễn Chí Thành, Chánh văn phòng Hiệp hội An toàn Thông tin, cho rằng: “Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật An ninh mạng khá rộng, gần như bao quát tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh mạng nên dễ trùng lặp về nội dung và chồng chéo về thẩm quyền quản lý nhà nước với các văn bản khác đang hiện hành như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ thông tin… Đặc biệt cần có sự phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật với đạo luật đã được ban hành cùng lĩnh vực là Luật An toàn thông tin mạng”.
Theo bà Phan Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, Luật An ninh mạng cần bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi các chủ thể, doanh nghiệp như doanh nghiệp được yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp để ứng phó với sự cố an toàn thông tin nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.
"Luật còn thiếu các quy định về bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sản xuất kinh doanh thiết bị số, cung cấp dịch vụ mạng, ứng dụng mạng, dịch vụ viễn thông và internet, bởi vì trong dự thảo luật, song song với việc quy định trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức tại các điều 45, 46, 47 thì cũng cần quy định những quyền lợi mà các chủ thể này có thể nhận được như việc yêu cầu từ các cơ quan chức năng phối hợp để ứng phó với các sự cố an toàn thông tin, an ninh mạng để đảm bảo được sự đồng thuận, ủng hộ từ nhiều phía" - bà Phan Thị Hoài Thu nói thêm.
Trước đó, ngày 9/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 75 giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự án Luật này bảo đảm chất lượng, tính khả thi, thống nhất với hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi điều chỉnh với các đạo luật và dự án Luật khác có liên quan./.
Thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn nhiều vướng mắc