Doanh nghiệp Việt không đổi mới sẽ tụt lùi trong cách mạng 4.0
VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang còn dè dặt, thậm chí là mơ hồ về cuộc cách mạng 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và sẽ mang lại cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nước ta, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang còn dè dặt, thậm chí là mơ hồ về cuộc cách mạng này.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ có những tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực như sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp... Làn sóng công nghệ mới sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.
Doanh nghiệp cần phải hiểu đúng, đầy đủ, về cuộc cách mạng 4.0 |
Ông Điền Văn Giáp, Giám đốc công ty cổ phần Metrandeck Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang muốn tiếp cận, muốn tìm hiểu và muốn hiểu sâu, hiểu rõ hơn về Cách mạng 4.0. Từ đó doanh nghiệp sẽ nắm bắt xu hướng để tiếp cận, chuyển đổi cơ cấu, mô hình của doanh nghiệp đáp ứng được xu thế.
Còn theo ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có năng lực cạnh tranh mạnh sẽ có được sự chuẩn bị tốt cho cuộc Cách mạng 4.0. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta mức độ tiếp cận đang ở mức trung bình do gặp nhiều thách thức.
Do đó, với các doanh nghiệp, Bộ đang xây dựng dự án cấp quốc gia, dự án ứng dụng công nghệ để có hỗ trợ cụ thể. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng chương trình “Khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về cuộc cách mạng 4.0”, trong đó xác định doanh nghiệp là trung tâm hỗ trợ tham gia vào cuộc cách mạng 4.0.
Để nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện đơn vị đã thành lập một tổ công tác nhằm nghiên cứu, đánh giá ban đầu về tác động của sự bùng nổ công nghệ đến hiệu quả, năng suất sản xuất, năng suất lao động của một số lĩnh vực, ngành nghề. Tới đây, sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động quan trọng nhằm cung cấp thông tin, tư vấn và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thực tế cho thấy, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang mang lại nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu không kịp chuyển mình cùng với cuộc cách mạng 4.0 này sẽ bị lùi về phía sau như nhiều cơ hội hội nhập trước đó.
Bài học nhãn tiền Uber và Grab vẫn còn hiện hữu khi các đơn vị này áp dụng công nghệ cho vận tải hành khách đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải truyền thống trong nước phải điêu đứng.
Do đó, việc hiểu rõ, chuẩn bị hành trang thay đổi phương thức kinh doanh để đáp ứng với xu thế mới là việc làm cần thiết. Để làm được việc này người đứng đầu doanh nghiệp phải chuẩn bị kiến thức, năng lực, công nghệ để chủ động trước những diễn biến của thời cuộc./.
Cách mạng 4.0: Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao