Thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa hy vọng và ngờ vực
VOV.VN -Hy vọng về hoà bình cho bán đảo Triều Tiên hiện đang lên cao, nhưng sự ngờ vực không phải đã hết. Có quá nhiều hoài nghi cần phải được giải đáp.
Cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un chắc chắn sẽ là một sự kiện lịch sử trọng đại. Nhưng để đi đến cuộc gặp đó vẫn là cả một chặng đường dài.
Sau nhiều thập kỷ sống trong căng thẳng, thù địch, và có những thời điểm gần đây còn đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh huỷ diệt, bán đảo Triều Tiên có thể đang tiến rất gần đến một thành tựu ngoại giao lịch sử mang tầm vóc thời đại.
Một người lính Hàn Quốc đi ngang qua màn hình TV đang đưa tin về cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: Getty). |
Sự kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát đi lời mời Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một cuộc gặp thượng đỉnh song phương mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào, thậm chí còn đưa ra viễn cảnh phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, dường như là một tin tốt lành đến mức khó tin đối với tất cả các bên.
Với Mỹ, phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên chính là mục tiêu theo đuổi lớn nhất của nhiều đời Tổng thống Mỹ, nhưng bao năm nay cũng dường như là mục tiêu phi thực tế nhất. Việc Bình Nhưỡng phát đi thông tin rằng họ sẵn sàng “phi hạt nhân”, đối với ông Trump, chính là một thắng lợi không thể phủ nhận.
Tất nhiên, những điều tốt lành đáng chờ đợi nhất là cho toàn thể dân tộc Triều Tiên sống ở hai miền Nam-Bắc của bán đảo. Nếu một cuộc gặp Mỹ-Triều được tổ chức và kết thúc trong suôn sẻ, sự ổn định trong tương lai của bán đảo sẽ được đảm bảo, để từ đó làm cơ sở cho những hy vọng dài hơi hơn về một sự thống nhất hai miền trong hoà bình và hoà hợp.
Trong làn sóng hy vọng đang ngập tràn trên bán đảo Triều Tiên, người dân Hàn Quốc có thể tự hào về vai trò của nhà lãnh đạo nước mình: Tổng thống Moon Jae-in, bởi ông Moon chính là tác giả của cú đột phá ngoại giao có thể nói là quan trọng nhất trong hơn 2 thập kỷ qua trên bán đảo Triều Tiên.
Từ khi lên nắm quyền, chính sách ngoại giao kiên trì, mềm dẻo và luôn hướng đến đối thoại mà Tổng thống Moon Jae-in tiến hành đã đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát sự căng thẳng từng có lúc lên đến đỉnh điểm trên bán đảo Triều Tiên.
Các nỗ lực ngoại giao từ phía Hàn Quốc được đền đáp bằng các hoạt động trao đổi văn hoá, thể thao đặc biệt nổi bật về mặt truyền thông trong dịp Thế Vận hội mùa Đông Pyeong-chang, và được tiếp nối bằng chuyến thăm diễn ra trong không khí thân thiện đến mức đáng ngạc nhiên khi phái đoàn Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Sau tất cả, trong hồ sơ xung đột Hàn-Triều hơn nửa thế kỷ qua, người Hàn Quốc có thể tự hào khi lần đầu tiên trở thành nhân vật chính thiết kế lại cục diện chính trị trên bán đảo của chính mình, thay vì phụ thuộc vào các thế lực mạnh bên ngoài.
Hy vọng về hoà bình cho bán đảo Triều Tiên hiện đang lên cao, nhưng sự ngờ vực không phải đã hết. Có quá nhiều hoài nghi cần phải được giải đáp.
Đầu tiên, đó là ý định thực sự của Triều Tiên là đi xa đến đâu? Ý tưởng về việc nước CHDCND Triều Tiên chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân mà các thế hệ lãnh đạo nước này bất chấp tất cả để theo đuổi vài thập kỷ qua, vẫn là điều gì đó rất khó tin, bởi đây không chỉ là vũ khí để Triều Tiên bảo vệ chủ quyền của mình mà còn vì bất cứ nỗ lực phi hạt nhân nào trên bán đảo Triều Tiên cũng rất khó đến chỉ từ một phía.
Một sự “phi hạt nhân hoá” có thể sẽ đồng nghĩa với việc áp dụng cho toàn bộ bán đảo, và tương ứng với phía Hàn Quốc là việc xoá bỏ sự hiện diện quân sự của vài chục ngàn lính Mỹ trên đất Hàn Quốc, điều khó chấp nhận với phía Mỹ, dù cho đến thời điểm này Bình Nhưỡng vẫn chưa nhắc gì đến điều kiện này.
Cuối cùng, một sự tiến triển mang tính lịch sử trên bán đảo Triều Tiên liệu có thể diễn ra êm đẹp hay không khi không có sự can dự, hoặc can dự rất ít vào thời điểm này của những cường quốc địa chính trị quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nga và Nhật Bản?
Tất cả những điều này khiến cho sự ngờ vực luôn song hành cùng hy vọng, dù tất cả đều mong muốn một kết cục tốt đẹp cho bán đảo Triều Tiên./.
Vì sao Mỹ từ đối đầu lại muốn đối thoại với Triều Tiên?
Tổng thống Trump lại “rơi vào vết xe đổ” về hồ sơ Triều Tiên?