Thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn nhiều vướng mắc
VOV.VN - Một số văn bản pháp luật được ban hành trước Luật Đầu tư đang gây ra xung đột, chồng chéo làm khó các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thông qua đánh dấu sự quyết tâm cải cách pháp luật và thể hiện ý chí của cộng đồng kinh doanh. Tuy nhiên, sau gần 1 năm có hiệu lực, một trong những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn là các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn chưa được hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này. Điều này đang gây nên sự chậm trễ, ách tắc và khiến các các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lo ngại.
Các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp còn phức tạp, mất nhiều thời gian. (Ảnh minh họa: KT) |
“Để thu hút nguồn vốn không khó, cơ quan chức năng chỉ cần bỏ bớt giấy phép, giảm bớt thời gian, giảm bớt thủ tục và nên có một thời gian hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể bỏ tiền ra cho các chi phí này, nhờ họ tư vấn, làm đơn giản, ngắn gọn để các doanh nghiệp biết đường làm đúng luật, cứ như hiện nay, doanh nghiệp như đang lạc vào mê trận, không biết đường ra”, ông Điệp phân trần.
Lý giải cho sự việc này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Sa - chuyên tư vấn cho doanh nghiệp về Giấy đăng ký kinh doanh cho biết, Luật Đầu tư 2014 đã cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư theo hướng: Thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện, bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành.
Đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư cũng giảm đáng kể, không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như giải trình kinh tế - kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dẫn đến xung đột giữa các văn bản pháp luật.
“Hiện tại những văn bản dưới luật của các Bộ, ngành vẫn đang còn có hiệu lực. Ví dụ như Nghị định 23 của Chính phủ do Bộ Công Thương chắp bút có quy định đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa, khi nộp hồ sơ để được chấp thuận, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ phải xin ý kiến Bộ Công Thương trước khi cấp phép cho doanh nghiệp FDI hoạt động mua bán hàng hóa.
Tuy nhiên, tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị quyết 59 của Chính phủ lại quy định không còn yêu cầu doanh nghiệp FDI phải xin ý kiến khi hoạt động mua bán hàng hóa. Hiện tại Nghị định 23 của Chính phủ vẫn còn hiệu lực, nên đây là những sự chồng chéo so với Luật Đầu tư và cần phải loại bỏ”, Luật sư Hoàng Trọng Giáp chia sẻ.
Mặc dù các Bộ đã tập hợp, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước; soạn thảo các Nghị định có liên quan để đảm bảo tính hợp pháp của các quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, trên thực tế, các Bộ, ngành chưa thực hiện việc tập hợp và công bố công khai các quy định về điều kiện kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Trước sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp luật, chỉ có một số cơ quan cấp phép ở địa phương thực hiện đúng tinh thần văn bản ra đời sau phủ định hiệu lực của văn bản trước, còn lại phần lớn các cơ quan cấp phép đều lưỡng lự, gây nên sự chậm trễ, ách tắc và khiến các nhà đầu tư lo ngại.
“Các xung đột có thể xảy ra trong trình tự về thủ tục đầu tư. Ví dụ, Luật Tài nguyên môi trường yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng theo Luật Đầu tư, trong điều kiện không yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường mà trình tự, thủ tục đủ yêu cầu thì có thể cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Những vướng mắc này khiến cho nhiều trường hợp thực tế không thể thực hiện được”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Trước thực trạng này, mới đây, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Thủ tướng đã yêu cầu việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước ngày 1/7, đúng thời hạn luật định và phải trình Chính phủ các dự thảo nghị định trước ngày 30/5.
Thủ tướng yêu cầu các bộ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh; các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, có biện pháp rút ngắn thời gian soạn thảo, thẩm định, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo./.