Giám sát nguồn gốc và chất lượng sữa học đường

VOV.VN - Bộ Y tế vừa có công văn số 7162/BYT-BM-TE ngày 26/11/2018 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường.

Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường Quốc gia năm 2016 nêu rõ, sử dụng sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học.

 

Tới thời điểm này, cả nước có 10 tỉnh triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn. Trong đó, tỉnh Nghệ An sử dụng sản phẩm sữa học đường là sữa tươi có xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu tại trang trại bò sữa ở huyện Nghĩa Đàn. Một số địa phương khác sử dụng sản phẩm ghi sữa tươi nhưng khó truy xuất nguồn gốc, thậm chí có nơi, sản phẩm sữa học đường không thể phân biệt được là sữa tươi hay sữa dạng lỏng pha từ sữa bột.

Do vậy, công văn 7162 ngày 26/11/2018 của Bộ Y tế nhấn mạnh “sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu” theo Thông tư 29/2017 của Bộ NN&PTNT và QCVN 5:1/2010- BYT, nhằm đảm bảo quyền lợi dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học thông qua việc kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sữa.

Theo Thông tư 29/2017 của Bộ NN&PTNT, sữa tươi nguyên liệu để sản xuất sữa học đường phải đảm bảo 9 chỉ tiêu kỹ thuật, trong đó có yêu cầu về chỉ tiêu cảm quan và chỉ tiêu lý, hóa; giới hạn về số lượng tế bào soma; kiểm soát vi khuẩn, độc tố vi nấm (Aflatoxin M1); kim loại nặng; dư lượng thuốc thú y; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; yêu cầu về bảo quản, vận chuyển.

Trong các chỉ tiêu này có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất là giới hạn về số lượng tế bào soma trong 1 ml sữa không lớn hơn 1.000.000 tế bào. Thứ 2 là yêu cầu về bảo quản, vận chuyển: sữa tươi nguyên liệu luôn được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-6°C.

Thực tế tại Việt Nam, quy trình sản xuất sữa quy mô nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát thú y và vắt sữa hở nên rất khó đạt các tiêu chí vừa nêu. Nếu sữa tươi nguyên liệu thu gom ở nông hộ không có quy trình giám sát chặt chẽ, sẽ dễ dẫn tới tình trạng thu gom cả những loại sữa tươi không đủ tiêu chuẩn.

Đó cũng là lý do Bộ Y tế nhấn mạnh trong công văn 7162 ngày 26/11/2018 về tiêu chuẩn sữa tươi nguyên liệu trong sản xuất sữa học đường. Nguyên liệu sữa tươi đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 29 sẽ tiếp tục chế biến và chứng nhận theo QCVN 5:1/2017.

Khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo Quyết định 5450/QĐ- BYT ngày 28/9/2016 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường. Với những tiêu chuẩn cụ thể này, phụ huynh và nhà trường đều có thể giám sát nguồn gốc và chất lượng sữa học đường.

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn số 7125/BYT-BM-TE ngày 28/6/2016 của Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Sữa học đường” của địa phương và định kỳ báo cáo về Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương chưa xây dựng Kế hoạch hành động. Trong số các tỉnh có Kế hoạch triển khai cũng chỉ có một số địa phương gửi báo cáo về Bộ Y tế.

Cũng theo Bộ Y tế, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta vẫn còn cao (chiếm 23,8%), ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành. Cá biệt vẫn còn nhiều tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%, thậm chí một số tỉnh tỷ lệ này còn cao khoảng 35%.

Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4 cm và của nữ thanh niên là 153,4 cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1 cm và 10,7 cm. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực./.

Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động triển khai Chương trình Sữa học đường phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương cũng như các nội dung cần ưu tiên trong lĩnh vực dinh dưỡng; cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của người dân. Tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng…

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương triển khai Chương trình Sữa học đường
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương triển khai Chương trình Sữa học đường

VOV.VN -Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chương trình sữa học đường tại địa phương.

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương triển khai Chương trình Sữa học đường

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương triển khai Chương trình Sữa học đường

VOV.VN -Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chương trình sữa học đường tại địa phương.

Học sinh Hà Nội bắt đầu uống sữa học đường từ 2019
Học sinh Hà Nội bắt đầu uống sữa học đường từ 2019

VOV.VN -Hà Nội đã chính thức phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu chương trình sữa học đường để triển khai từ 1/1/2019.

Học sinh Hà Nội bắt đầu uống sữa học đường từ 2019

Học sinh Hà Nội bắt đầu uống sữa học đường từ 2019

VOV.VN -Hà Nội đã chính thức phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu chương trình sữa học đường để triển khai từ 1/1/2019.